Lao động nữ được nghỉ thai sản 6 tháng
(Chinhphu.vn) – Chiều 18/6, Quốc hội họp toàn thể tại hội trường để biểu quyết thông qua 4 Luật, 1 Bộ luật. Trong đó, Bộ luật Lao động sửa đổi được nhiều người quan tâm với những quy định tiến bộ về tuổi nghỉ hưu, mức lương tối thiểu, chế độ nghỉ thai sản, tiền làm thêm giờ và số giờ làm thêm của người lao động…
|
Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII.
|
Theo đó, tiền lương làm thêm giờ của người lao động không quá 50% số giờ làm việc chính thức trong 1 ngày, trong trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày; không quá 30 giờ trong 1 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 1 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 1 năm.
Về một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm là thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ, Luật quy định lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con 6 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 2 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng. Thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 2 tháng.
Lao động nữ nghỉ sinh con trước ngày Bộ luật này có hiệu lực, mà đến ngày 1/5/2013 vẫn đang trong thời gian nghỉ sinh con theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội số 71/2006/QH11 ngày 29/6/2006 thì thời gian nghỉ thai sản được thực hiện theo quy định của Bộ luật này.
Về quy định tuổi nghỉ hưu, Quốc hội vẫn giữ nguyên độ tuổi là 55 với nữ và 60 tuổi với nam như quy định hiện hành. Theo đó, người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi.
Với người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thuộc danh mục do Chính phủ quy định có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với quy định tại khoản 1 Điều này.
Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 năm so với quy định tại khoản 1 Điều này.
Một số ý kiến đề nghị cần xây dựng lộ trình tăng dần tuổi nghỉ hưu của cả lao động nam và nữ, đồng thời tính toán đầy đủ hơn các yếu tố liên quan đến vấn đề cân bằng Quỹ Bảo hiểm xã hội trong tương lai. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến này và đề nghị Chính phủ giao cho các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu, đề xuất Quốc hội điều chỉnh tuổi nghỉ hưu khi có đủ điều kiện.
Bộ Luật lao động sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/5/2013.
Cũng trong chiều 18/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Bảo hiểm tiền gửi, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Luật Phòng, chống rửa tiền, Luật Giáo dục đại học.
Lê Sơn