Đồng tính luyến ái là gì? Xúc phạm người thuộc cộng đồng LGBT có bị phạt không?

Chủ đề   RSS   
  • #610029 29/03/2024

    Đồng tính luyến ái là gì? Xúc phạm người thuộc cộng đồng LGBT có bị phạt không?

    Theo các báo đưa tin ngày 27-3, Hạ viện Thái Lan đã thông qua dự luật bình đẳng hôn nhân. Theo đó, dự luật mới cho phép các cặp đôi đồng tính hưởng đầy đủ quyền lợi được quy định bởi luật dân sự và thương mại Thái Lan cho các cặp đôi đã kết hôn, bao gồm quyền thừa kế và quyền nhận con nuôi. Ở Việt Nam, mối quan hệ này hay được gọi là “Đồng tính luyến ái”

    Vậy đồng tính luyến ái là gì? Trên thế giới đã có những quốc gia nào hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới? Và kỳ thị người thuộc cộng đồng LGBT ở Việt Nam thì có bị phạt không?

    1. Đồng tính luyến ái là gì?

    Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam, Đồng tính luyến ái là quan hệ luyến ái, tình dục giữa những người cùng giới, đều có bộ phận sinh dục phát triển bình thường.

    Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ (APA) định nghĩa: “Đồng tính luyến ái, hay đồng tính chỉ việc bị hấp dẫn trên phương diện tình yêu hay tình dục hoặc việc yêu đương hay quan hệ tình dục giữa những người cùng giới tính với nhau, trong hoàn cảnh nào đó hoặc trong một thời gian nào đó. Đồng tính luyến ái cũng chỉ sự tự nhận của cá nhân dựa trên những hấp dẫn đồng giới và sự tham gia vào một cộng đồng cùng giới tính”.

    Trong tiếng Anh, homosexuality là từ chỉ chung về đồng tính luyến ái; gay chỉ người đồng tính nam; lesbian chỉ người đồng tính nữ, đọc ngắn là les.

    Như vây, có thể hiểu Đồng tính luyến ái là thuật ngữ dùng để chỉ sự hấp dẫn trong tình yêu, tình dục, yêu đương hay quan hệ tình dục giữa những người cùng giới tính với nhau, kể cả chỉ là tạm thời hoặc lâu dài.

    2. Có những quốc gia nào hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới?

    Theo tham khảo, tính đến thời điểm hiện nay có khoảng trên 36 quốc gia và vùng lãnh thổ công nhận và hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới bao gồm: Andorra, Argentina, Áo, Bồ Đào Nha, Bỉ, Brasil, Canada, Chile, Colombia, Costa Rica, Cuba, Đan Mạch, Đài Loan, Đức, Ecuador, Estonia, Hà Lan, Hoa Kỳ, Hy Lạp, Iceland, Ireland, Luxembourg, Malta, México, Na Uy, Nam Phi, New Zealand, Pháp, Phần Lan, Slovenia, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Vương quốc Anh, Úc và Uruguay.

    Ngày 27/3/2024, Hạ viện Thái Lan đã thông qua dự luật bình đẳng hôn nhân trong lần đọc cuối cùng. Nếu thông qua thì Thái Lan trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới.

    3. Xúc phạm người khác bị phạt thế nào?

    Căn cứ theo quy định tại điểm a Khoản 3, Khoản 14 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về việc xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về trật tự công cộng như sau:

    Vi phạm quy định về trật tự công cộng

    3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

    a) Có hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 21 và Điều 54 Nghị định này;

    Theo đó, người có hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác (trừ trường hợp khác theo quy định pháp luật) thì có thể bị phạt tiền từ 2.000.000 đến 3.000.000 đồng tùy vào mức độ nghiêm trọng của vụ việc.

    Đồng thời, có thể buộc xin lỗi công khai đối với hành vi vi phạm xúc phạm người khác trừ trường hợp nạn nhân có đơn không yêu cầu xin lỗi.

    (*) Mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm quy định này là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

    Ngoài ra, người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người người khác thì có thể bị xử lý về tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự 2015 (được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017), cụ thể:

    - Phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm đối với hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác.

    - Phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:

    + Phạm tội 02 lần trở lên;

    + Đối với 02 người trở lên;

    + Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

    + Đối với người đang thi hành công vụ;

    + Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;

    + Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

    + Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

    - Phạt tù từ 02 năm đến 05 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:

    + Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

    + Làm nạn nhân tự sát.

    Như vậy, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì người xúc phạmngười khác có thể bị xử lý về tội xúc phạm người khác với khung hình phạt cao nhất đến 05 năm. Đồng thời, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

     
    3947 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận