Đơn vị sự nghiệp công lập nhóm 1 và 2 được xin kinh phí nhà nước để trả lương không?

Chủ đề   RSS   
  • #613780 06/07/2024

    motchutmoingay24
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (1129)
    Số điểm: 20018
    Cảm ơn: 22
    Được cảm ơn 442 lần


    Đơn vị sự nghiệp công lập nhóm 1 và 2 được xin kinh phí nhà nước để trả lương không?

    Sau khi cải cách tiền lương, đơn vị sự nghiệp công lập nhóm 1 và nhóm 2 thiếu hụt, không đủ tiền chi trả tiền lương cho viên chức, người lao động được xin kinh phí nhà nước không?

    (1) Đơn vị sự nghiệp công lập nhóm 1 và nhóm 2 là những đơn vị nào?

    Tại khoản 1, khoản 2 Điều 9 Nghị định 60/2021/NĐ-CP có quy định đơn vị sự nghiệp công lập nhóm 1, 2 như sau:

    Đơn vị sự nghiệp công lập nhóm 1: là đơn vị công  tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư và đáp ứng được một trong các điều kiện sau đây:

    - Đơn vị có mức tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên xác định theo phương án quy định bằng hoặc lớn hơn 100%; có mức tự bảo đảm chi đầu tư bằng hoặc lớn hơn mức trích khấu hao và hao mòn tài sản cố định của đơn vị.

    - Đơn vị cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước, giá dịch vụ sự nghiệp công xác định theo cơ chế thị trường, có tính đủ khấu hao tài sản cố định và có tích lũy dành chi đầu tư.

    Đơn vị sự nghiệp công lập nhóm 2: là đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và đáp ứng một trong các điều kiện sau:

    - Đơn vị có mức tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên xác định theo phương án quy định bằng hoặc lớn hơn 100% và chưa tự bảo đảm chi đầu tư từ nguồn Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, nguồn thu phí được để lại chi theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí, các nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định của pháp luật;

    - Đơn vị thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước, được Nhà nước đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo giá tính đủ chi phí (không bao gồm khấu hao tài sản cố định).

    (2) Đơn vị sự nghiệp công lập nhóm 1 và 2 được xin kinh phí nhà nước để trả lương không?

    Liên quan đến nội dung này, tại khoản 4 Điều 5 Nghị định 73/2024/NĐ-CP quy định như sau:

    Kinh phí thực hiện cải cách tiền lương, thực hiện chế độ tiền thưởng của viên chức, người lao động trong các đơn vị sự nghiệp công lập nhóm 1, nhóm 2 do đơn vị tự đảm bảo theo quy định tại Nghị định 60/2021/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế Nghị định 60/2021/NĐ-CP (nếu có).

    Theo đó, việc chi tiền lương và các khoản đóng góp theo tiền lương cho viên chức, người lao động làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập nhóm 1 và nhóm 2 được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị định 60/2021/NĐ-CP như sau:

    Trong thời gian Chính phủ chưa ban hành chế độ tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW, đơn vị chi trả tiền lương theo lương ngạch, bậc, chức vụ, các khoản đóng góp theo lương và các khoản phụ cấp do Nhà nước quy định đối với đơn vị sự nghiệp công; chi tiền công theo hợp đồng vụ việc (nếu có). Khi Nhà nước điều chỉnh tiền lương, đơn vị tự bảo đảm tiền lương tăng thêm từ nguồn thu của đơn vị, ngân sách nhà nước không cấp bổ sung.

    Như vậy, Nhà nước sẽ không cấp bổ sung kinh phí cho đơn vị sự nghiệp công lập nhóm 1 và nhóm 2 trong việc trả tiền lương cho viên chức, người lao động mà đơn vị phải tự bảo đảm tiền lương tăng thêm từ nguồn thu và chi trả cho viên chức, người lao động tại đơn vị.

    (3) Đơn vị sự nghiệp nhóm 1 và nhóm 2 được xin kinh phí trả lương sau khi thực hiện cải cách tiền lương không?

    Có nhiều đơn vị sự nghiệp công lập lo lắng rằng liệu khi thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW mà xuất hiện tình trạng thiếu hụt, không đủ tiền chi trả tiền lương cho viên chức, người lao động thì có được xin kinh phí từ Nhà nước không.

    Để giải đáp thắc mắc trên, theo điểm b khoản 1 Điều 12 Nghị định 60/2021/NĐ-CP quy định rằng:

    Kể từ thời điểm chế độ tiền lương do Chính phủ quy định theo Nghị quyết số 27-NQ/TW có hiệu lực thi hành, thực hiện như sau:

    - Đối với đơn vị nhóm 1: Căn cứ tình hình tài chính, đơn vị sự nghiệp công được thực hiện cơ chế tự chủ tiền lương theo kết quả hoạt động như doanh nghiệp (Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hạng I); quyết định mức lương chi trả cho viên chức, người lao động; chi tiền công theo hợp đồng vụ việc (nếu có).

    - Đối với đơn vị nhóm 2: Căn cứ tình hình tài chính, đơn vị sự nghiệp công được thực hiện cơ chế tự chủ tiền lương theo kết quả hoạt động như doanh nghiệp (Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hạng II); quyết định mức lương chi trả cho viên chức, người lao động; chi tiền công theo hợp đồng vụ việc (nếu có).

    Đơn vị nhóm 1 và nhóm 2 xác định quỹ tiền lương kế hoạch, quỹ tiền lương thực hiện và phân phối tiền lương theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án tiền lương làm căn cứ xây dựng quỹ lương kế hoạch hằng năm để chi trả cho viên chức và người lao động, đảm bảo cân đối về lợi ích của người lao động và Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị.

    Trường hợp mức chênh lệch thu lớn hơn chi đạt thấp hơn phương án tự chủ tài chính được phê duyệt thì đơn vị chủ động điều chỉnh giảm quỹ lương thực hiện theo tỷ lệ tương ứng với mức độ giảm chênh lệch thu lớn hơn chi của phương án tự chủ tài chính được duyệt nhưng phải đảm bảo mức chi trả tiền lương cho viên chức và người lao động không thấp hơn chế độ tiền lương do Nhà nước quy định đối với đơn vị sự nghiệp công.

    Căn cứ vào quỹ tiền lương thực hiện, đơn vị sự nghiệp công được trích lập quỹ dự phòng để bổ sung vào quỹ tiền lương của năm sau. 

    Mức dự phòng hằng năm do đơn vị quyết định nhưng không quá 17% quỹ tiền lương thực hiện. Việc trích lập quỹ dự phòng tiền lương phải đảm bảo sau khi trích lập, đơn vị có chênh lệch thu lớn hơn chi; trường hợp đơn vị không có chênh lệch thu lớn hơn chi thì không được trích đủ 17%. Trường hợp năm trước liền kề đơn vị có trích lập quỹ dự phòng tiền lương mà sau 6 tháng, kể từ ngày kết thúc năm tài chính, đơn vị chưa sử dụng hoặc sử dụng không hết thì đơn vị phải hoàn nhập dự phòng.

    Khi Nhà nước điều chỉnh chính sách tiền lương, đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm tiền lương tăng thêm từ nguồn thu của đơn vị, ngân sách nhà nước không cấp bổ sung. Việc chi trả tiền lương cho người lao động trong đơn vị được thực hiện theo nguyên tắc gắn với số lượng, chất lượng và hiệu quả công tác theo quy định của pháp luật và quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.

    Dựa theo các quy định trên, khi Nhà nước điều chỉnh chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27/NQ-TW, đơn vị sự nghiệp công lập nhóm 1 và nhóm 2 sẽ phải tự mình bảo đảm tiền lương tăng thêm cho viên chức, người lao động, nhà nước sẽ không cấp bổ sung kinh phí cho đơn vị. 

    Đơn vị sự nghiệp công lập nhóm 1 và nhóm 2 được trả tiền lương cho viên chức, người lao động dựa trên kết quả hoạt động như doanh nghiệp, tuy nhiên phương án tiền lương phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để làm căn cứ xây dựng quỹ lương kế hoạch hằng năm.

     
    1237 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận