“Mở bài” mua thị trấn Mỹ Buford!
Vào thời điểm tháng 4 năm ngoái,một buổi sáng thức dậy, đang lướt qua tin tức đầu ngày, tôi không khỏi nhổm người về phía trước khi đập vào mắt là cái tựa đề “Người Việt mua đứt một thị trấn Mỹ” trên VnExpress.Chỉ trong vài ngày, cái tên thị trấn Buford hầu như chẳng mấy người Việt Nam biết tới trước đó bỗng trở thành đề tài bàn tán xôn xao từ trong công ty, lúc ra quán cà phê cho đến… các diễn đàn trên mạng. Tôi nhớ có không ít người thẳng thừng: “Dại thiệt, mua làm gì thị trấn khỉ ho cò gáy?”, và cũng có không ít người đoán mò: “Chắc đây phải là một việc làm có chủ đích. Người có 900.000 USD để mua đất không thể là ngườikhông tính toán bao giờ”.
Nhưng cho dù nói gì thì nói, phải thừa nhận có một cảm giác lâng lâng rất “đã”, một niềm tự hào rất lớn nổi lên trong mình vào thời điểm đó. Có là “thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ” thì đó cũng vẫn là một thị trấn đúng nghĩa- một thị trấn có lịch sử lâu đời, có “kỷ lục” riêng của nó. Mua một thị trấn Mỹ hoàn toàn không phải là chuyện đơn giản. Khi tôi nói với một người bạn nước ngoài: “Việt Nam vừa có người mua đứt một thị trấn Mỹ”, nhìn bạn tỏ vẻ nghi ngờ: “Không thể có chuyện đó được! Như vậy không lẽ thị trưởng của thị trấn Mỹ lại làngười Việt Nam à?”, tôi đã gật đầu xác nhận một cách… sung sướng như thể đó là thị trấn của chính mình.
Những lời đồn đại về chuyện mua bán nhiều đến nỗi, ngay khi báo chí chính thức công nhận thông tin Buford đã được bán cho doanh nhân Phạm Đình Nguyên, người sinh sống ở TP.HCM, mọi người lập tức “lùng sục” trên mạng các thông tin về vị thị trưởng mới người Việt. Thời điểm đó, chỉ sau 1-2 ngày, gõ vào Google cụm từ “mua thị trấn Mỹ” thôi là lập tức nhảy ra hơn… 8 triệu kết quả. Kèm theo đó là hàng loạt các bình luận xôn xao kiểu như: “Tôi hoàn toàn tin tưởng ông Phạm Đình Nguyên không đơn giản là "tình cờ" mua lại thị trấn này. Nhưng tương lai thế nào, tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố nên câu trả lời còn chờ phía trước”, “Với 900.000 USD mà làm cá nhân mình và người Việt Nam nổi tiếng thì chỉ bao nhiêu đó đã thấy là quá hời. Chỉ mong rằng đừng lóe sáng rồi vụt tắt, hãy làm cho nó thành biểu tượng của Việt Nam trên đất Mỹ!”, “Mình tin tưởng từ vụ mua thị trấn này, mai mốt mọi người sẽ quen thuộc hơn với cụm từ Vietnamese town thay vì China town”.
Bản thân tôi, chẳng cần biết mục đích của người mua là gì, tôi vẫn tin đó là một quyết định thông minh và thú vị. Tờ báo The New York Times dẫn lời Amy Bates, giám đốc marketing của Williams & Williams, công ty đấu giá bất động sản đảm nhận thương vụ này, cho biết họ đã từng đấu giá đủ kiểu tài sản, đủ mọi hình thù kích cỡ và công năng, nhưng chưa bao giờ đấu giá cả một thị trấn.Và cuộc đấu giá có một không hai đó, người chiến thắng lại là một người Việt Nam.Truyền hình Mỹ, truyền hình Trung Quốc đều nhắc tới, các diễn đàn ở Mỹ đầy nghẹt ý kiến khác nhau.Thử hỏi, nếu là một người Việt Nam, có cảm thấy đáng tự hào không?
Hơn một năm im hơi lặng tiếng, khiến mọi người cũng dần lãng quên, rốt cuộc, sáng nay khi đang cà phê và lướt tin trên mạng, lần thứ hai tôi phải nhổm người về phía trước và gọi bạn mình: “Wowww, còn nhớ thị trấn Buford được người Việt mua đứt năm ngoái không? Người ta đổi tên thị trấn Buford thành thị trấn PhinDeli, để làm showroom giới thiệu cà phê Việt rồi!”.
Phải nói, đó là một “đáp án” bất ngờ nhất và lạ lùng nhất cho câu hỏi: “Doanh nhân Việt mua Buford làm gì?” mà nhiều người thắc mắc hơn 1 năm qua. Tôi dám đánh cuộc, không ai có thể nghĩ đến đáp án này. Không ai có thể hình dung rằng một thị trấn của nước Mỹ bỗng nhiên mang tên… cà phê Việt Nam, có quán cà phê miễn phí để mời tất cả mọi du khách ghé thăm tách cà phê “phin” đúng điệu!
Thú thật, lần trước mỗi lần “bàn” về vụ Buford, mọi người… phán bừa, mạnh miệng dự đoán, thậm chí khen chê đủ kiểu “dại – khôn”. Nhưng lần này, trong sự bàn tán có rất nhiều ngưỡng mộ và kính trọng. Mua một thị trấn Mỹ không phải vì nghĩ cho riêng mình, cũng không phải tìm đường… “di dân” sang Mỹ như nhiều người đoán mò.Việc mua Buford đã mang một tinh thần khác – kiêu hãnh hơn và đáng tự hào hơn: đó là xây dựng một biểu tượng của người Việt Nam trên đất Mỹ.Giờ đây, người Mỹ chính thức hiểu rằng Buford đã được hoàn toàn “khoác áo mới”,là của người Việt Nam, mang đậm tinh thần Việt Nam!
Quân bài cuối đã mở! Câu chuyện hoàn chỉnh tôi đã có thể kể với bạn bè mình là: Người Việt đã mua thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ và biến thị trấn ấy thành bàn đạp tinh thần cho hàng Việt tiến vào nước Mỹ. Lần đầu tiên trên đất Mỹ giờ đây có quán cà phê “thuần Việt”, trang trí theo kiểu Việt, giới thiệu về một đặc sản Việt. Thị trấn Buford - à không, có thể gọi là thị trấn PhinDeli - tuy nhỏ nhưng mỗi ngày có hơn một nghìn người dừng lại đây để bơm xăng, mua các món đồ lặt vặt. Từ nay, không chỉ có thể mua những món đồ lặt vặt và bơm xăng, người ta có thể thưởng thức một tách cà phê Việt Nam, hỏi xem cà phê “phin” nghĩa là gì, và cả mua mang về một gói cà phê hương vị độc đáo. Vậy đã đủ tạo nên một cú “sốc” rất tuyệt diệu chưa?
Sở hữu một mảnh đất ở Mỹ là điều tôi tin chắc rằng nhiều người trên thế giới này mơ ước. Nhưng sử dụng nó để trở thành một biểu tượng Việt Nam trên đất Mỹ thì đó là điều đáng tự hào. Tôi chắc rằng ngay sau ngày chính thức đổi tên thị trấn và khai trương showroom, khai trương quán cà phê Việt mới, sẽ có không ít người đổ xô về thị trấn nhỏ bé, yên tĩnh này, chỉ để được thưởng thức cảm giác ngồi trong một quán cà phê Việt, nhâm nhi một ly cà phê Việt trong buổi chiều bình yên trên đất Mỹ. Đúng là giấc mơ có một không hai!
Nước Mỹ tỉnh dậy với cà phê Việt?
Trong phút giây “buồn ngủ”, Mỹ đã bán cho một doanh nhân người Việt thị trấn có bề dày lịch sử 146 năm và mang tên một vị danh tướng với giá chỉ… 900.000USD. Thoạt đầu, không ít người cho rằng được lợi chính là bên bán, vì thị trấn nhỏ bé với 1 công dân thì chẳng thể làm gì. Nhưng chỉ sau hơn một năm chuẩn bị, doanh nhân người Việt đã tung ra chiến lược đổi tên thị trấn Buford thành PhinDeli, đồng thời hé lộ mục đích biến thị trấn này thành nơi thưởng thức cà phê Việt,như một biểu tượng tinh thần “không gì không thể” của Việt Nam. Đến lúc này, nước Mỹ dường như mới “tỉnh người” nhận ra mình đã đánh mất thứ gì.
Mua Buford - Sự kiện chấn động tháng 4/2012
Ngày 6/4/2012, cộng đồng người Việt tại Mỹ và giới truyền thông tại Việt Nam bỗng… náo động trước tin tức được BBC chính thức đăng tải: “Hai người Việt chưa rõ danh tính đã mua thị trấn Buford tại bang Wyoming ở miền tây nước Mỹ trong cuộc bán đấu giá kéo dài 11 phút qua mạng internet vào ngày hôm qua. Cuộc đấu giá thu hút sự quan tâm của người tham gia từ 46 quốc gia trên thế giới”.
Việc người nước ngoài mua đất tại Mỹ không phải là chuyện lạ. Nhưng mua cả một thị trấn có bề dày lịch sử, mang tên vị danh tướng người Mỹ John Buford thì là quá chuyện hi hữu. Trước đó, Buford - thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ với chỉ một cư dân - như “viên đá” sần sùi chẳng ai màng đến.Hàng loạt ý kiến cho rằng vị doanh nhân người Việt bỏ ra 900 ngàn USD mua Buford là đã sai lầm. Một số khác đoán già đoán non rằng có thể chủ nhân người Việt của thị trấn này muốn mua để thực hiện mục đích di dân. Tuy nhiên, những người có kinh nghiệm, có sự điềm tĩnh để quan sát thì đều dè dặt không nhận xét vội. Họ chờ xem “thứ giấu trong hồ lô”, mục đích thật sự của vị doanh nhân Việt mua Buford là gì.
Trong suốt mấy ngày trời, giới truyền thông của Mỹ lẫn của Việt Nam gần như “lùng sục” để biết danh tính “thị trưởng” mới của Buford. Không ít trang mạng nổi tiếng tại Việt Nam đã dành hẳn cả một mục con để tập trung nói riêng về chuyện mua Buford. Chẳng hạn VTC News đã mởmột mục riêng - đặt tên: “Chấn động người Việt mua thị trấn Buford Mỹ” http://vtc.vn/chuyende/0/1-85/chan-dong-nguoi-viet-mua-thi-tran-buford-my.html để tập trung khoảng 14 bài khác nhau chỉ xoay quanh sự kiện này.
Trong vòng 1 tuần lễ, số lượng bài viết bằng tiếng Việt về sự kiện người Việt Nam mua Buford tìm thấy trên Google là 8.830.000 kết quả. Đàitruyền hình Trung Quốc và nhiều đài truyền hình uy tín tại Mỹ liên tục đề cập đến sự kiện có một không hai trong lịch sử nước Mỹ (bán cho người nước ngoài cả một… thị trấn!). Trên các diễn đàn tại Mỹ, người ta dễ dàng tìm thấy các cuộc tranh luận sôi nổi về chuyện người Việt Nam đột nhiên thành thị trưởng mới của thị trấn này.
Đến đây thì người Mỹ bắt đầu “tỉnh ngủ” dần. Từ một “viên đá” không mấy người để tâm, nay Buford đang dần dần hé lộ sự… lấp lánh của “viên ngọc” ẩn bên trong. Không ít người đánh giá: Một thị trấn có sức thu hút mạnh sự quan tâm như vậy hẳn làẩn chứa sức mạnh không tầm thường. Và cho dù mua với mục đích gì thì chủ nhân mới của Buford cũng quá hời khi chỉ trong không đầy một tháng đã biến Buford thành tâm điểm, khiến cái tên mình được nhắc đến nhiều lần. Người Việt Nam được dịp thể hiện sự tự hào cao độ của mình. Trong lịch sử nước Mỹ, lần đầu tiên có chuyện bán một thị trấn cho người nước ngoài. Và người sở hữu trong tay thị trấn Mỹ ấy lại là người Việt Nam, đang sống tại Việt Nam!
900 ngàn USD và cuộc tung hàng ngoạn mục nhất trong lịch sử tiếp thị!
Câu chuyện về Buford không hề dừng ở đây. Sau vài ngày tìm kiếm, cái tên vị thị trưởng Buford người Việt - Phạm Đình Nguyên dần hé lộ. Nhưng cực kỳ kín tiếng, ông Nguyên chỉ đưa ra một vài phát biểu ngắn gọn:“Thành thật mà nói, tôi chưa có một kế hoạch cụ thể nào cho thị trấn này. Nhưng một điều tôi nghĩ người Việt Nam chúng ta không nên tự ti. Không gì không thể!”.
Sau sự kiện ấy, mặc kệ tất cả sự quan tâm dò hỏi của báo giới, không có thêm bất kỳ thông tin nào về kế hoạch tương lai với Buford được đưa ra. Mọi thứ “êm dịu” xuống dần, đến mức có người đoán rằng có lẽ chủ nhân của Buford cũng đã… quên luôn thị trấn tại Mỹ của mình. Thế nhưng, cũng hệt như lần trước, đùng một cái, tràn ngập trên mạng lại là thông tinthị trưởng Buford Phạm Đình Nguyên chính thức… đổi tên cho thị trấn cổ xưa của nước Mỹ, từ Buford trở thành PhinDeli. Bản thân PhinDeli cũng là một thương hiệu cà phê Việt được chính thức “tung hàng”.
Đến đây thì không chỉ nước Mỹ bừng tỉnh mà cả người Việt Nam cũng “bừng tỉnh” với Tuyên ngôn cà phê Việt. Lần đầu tiên trong lịch sử tiếp thị diễn ra cuộc “tung hàng” có một không hai như thế. Biến một thị trấn của Mỹ thành một thị trấn mang tên cà phê Việt Nam. Tiếp đó, chính thức khai trương showroom và quán cà phê độc nhất vô nhị: Mời mọi khách ghé qua thị trấn thưởng thức miễn phí hương vị cà phê Việt.
Có thể nói, đây là cuộc đổ bộ đầy táo bạo và thông minh của một thương hiệu cà phê Việt Nam vào nước Mỹ. Điều quan trọng hơn, một lần nữa, người Việt Nam cảm thấy đầy ắp sự tự hào khi biết rằng Buford - từ một thị trấn chẳng mấy ai chú ý, giờ đây đã trở thành biểu tượng tinh thần Việt trên đất Mỹ, mở đường tiên phong cho hàng Việt tiến vào thị trường rộng lớn này.
Là một người Việt Nam, tôi hi vọng câu chuyện về thị trấn Buford - PhinDeli, thị trấn đầu tiên hoàn toàn thuộc sở hữu của người Việt trên đất Mỹ sẽ còn tiếp tục với những chương hấp dẫn sau đó. Không gì không thể!Và tôi cũng có quyền mơ đến lúc thị trấn PhinDeli tấp nập người qua lại, trở thành điểm dừng chân không thể bỏ qua của người Việt khi tới Mỹ. Và bạn cũng như tôi, có thể thưởng thức một tách cà phê “không gì không thể” trong một buổi chiều dừng chân ở đây, để nghe chính thị trưởng người Việt Nam kể tiếp câu chuyện về một “biểu tượng tinh thần Việt”.
PhinDeli nhắm đến phong cách cà phê phin
(baodautu.vn) Trong khi Starbucks dường như đang mơ hồ trong chiến lược kinh doanh tại thị trường có văn hoá cà phê rất khác biệt, thì PhinDeli đã định vị rất rõ là nhắm đến phong cách uống cà phê phin rất đặc trưng của Việt Nam. Ông Phạm Đình Nguyên, Chủ tịch HĐQT Công ty PhinDeli trao đổi về vấn đề này.
Tại sao ông chọn phát triển thương hiệu cà phê Việt 100%, mà không phải là dòng sản phẩm đồ uống nào khác?
Sau khi trở thành Thị trưởng Thị trấn Buford (Mỹ), nhiều người đã hỏi tôi sẽ làm gì với thị trấn mà tôi làm chủ. Lúc đó tôi chỉ trả lời đơn giản là, tôi muốn Buford trở thành một showroom giới thiệu hàng Việt.
Sau khi gặp gỡ và nói chuyện với một số bạn bè và doanh nghiệp về ý tưởng này, tôi quyết định đi theo hướng phát triển riêng một thương hiệu, sản phẩm mà Việt Nam là thế mạnh, hoặc những sản phẩm gắn với văn hóa Việt.
Và tôi sực nghĩ đến cà phê và phong cách uống cà phê phin rất đặc trưng của chúng ta.
Mỹ được xem là quốc gia tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới và ở Mỹ cũng có hơn 3 triệu người gốc Việt, đây là cơ hội rất là lớn với chúng tôi.
Và động thái đầu tiên để ông phát triển thương hiệu cà phê này là đổi tên Thị trấn Buford thành PhinDeli?
Việt Nam là quốc gia xuất khẩu cà phê đứng thứ hai trên thế giới, nhưng gần như chỉ xuất cà phê dưới dạng thô, nên vị thế rất khiêm tốn trên bản đồ cà phê thế giới. Chúng ta hầu như không có những thương hiệu cà phê mang tầm quốc tế.
Một thị trấn cà phê ngay trên đất Mỹ sẽ là bàn đạp để chúng tôi từng bước thâm nhập thị trường này. Và không còn gì hơn là có thị trấn cà phê mang tên Việt Nam, do người Việt sở hữu. Ngày 3/9 tới, chúng tôi sẽ chính thức làm Lễ giới thiệu Thị trấn PhinDeli tại Mỹ.
Tại sao ông không marketing ngay thương hiệu này ở Việt Nam, mà phải làm tại thị trường Mỹ rồi mới quay lại?
Đây cũng là một cách tiếp cận mà nhiều người cho là liều lĩnh, vì thông thường, các doanh nghiệp sẽ lớn mạnh ở Việt Nam trước khi mở rộng ra thị trường nước ngoài. Quyết định táo bạo này hệt như lúc tôi tham gia đấu giá Buford, với mong muốn thị trấn này phải do người Việt sở hữu.
Ngoài ra, tôi cũng muốn tranh thủ sự ủng hộ của truyền thông cả hai nước, thực tế là cả thế giới. Đã có rất nhiều báo chí đưa tin về sự kiện người Việt mua thị trấn Mỹ. Và bây giờ họ lại bắt đầu đưa tin người Việt đổi tên thị trấn Mỹ, xây dựng thủ phủ cà phê Việt.
Tại sao ông chọn tên là PhinDeli?
Chúng tôi muốn có một cái tên mang nét Việt, nhưng lại dễ nhớ, dễ đọc cho cả người nước ngoài. Sau khi xem xét hàng trăm cái tên, chúng tôi chọn thương hiệu cà phê là PhinDeli.
Chữ “Phin” là từ đầu tiên trong phin cà phê, một vật dụng pha chế quen thuộc cho thức uống gần như là “quốc hồn quốc túy” của người dân Việt Nam. Còn Deli là viết tắt của chữ “delicious” - thơm ngon.
Phát triển PhinDeli tại thị trường Việt Nam, ông có ngại phải đối đầu với Starbucks hay Highland Coffee không?
Starbucks hay Highland Coffee thực chất là chuỗi cà phê quán. Còn chúng tôi tập trung phát triển cà phê sản phẩm, uống tại nhà hoặc văn phòng. Tại Việt Nam, sản phẩm PhinDeli đã bắt đầu vào chuỗi siêu thị lớn như Coopmart, Citimart, Hapro..., cũng như các chợ, các điểm bán lẻ trên thị trường truyền thống.
Chúng tôi cũng có mặt mặt tại Hội chợ Tôn vinh hàng Việt 2013. Khách hàng sau khi uống thử đều rất thích và trung bình mỗi ngày, chúng tôi bán được 300 - 400 hộp. Nhiều người cho biết, họ mua PhinDeli vì chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ông có thể chia sẻ về phân khúc khách hàng mà PhinDeli nhắm đến?
Chúng tôi tập trung vào những khách hàng có thu nhập từ trung bình trở lên, đặc biệt là những người quan tâm đến sức khỏe. Họ chọn những sản phẩm không chỉ ngon, hợp gu, mà phải bảo đảm về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Chúng tôi có 2 nhóm sản phẩm: siêu sạch và thượng hạng. Mỗi nhóm có 3 loại sản phẩm, nhắm đến nhiều gu cũng như phân khúc giá khác nhau.
Ông thấy tiềm năng để kinh doanh cà phê tại Việt Nam đang biến động thế nào?
Thị trường cà phê nói chung ở Việt Nam luôn tăng trưởng, nhất là phân khúc cà phê sạch, vì ngày càng nhiều người ý thức được tác hại của hóa chất độc hại có trong thực phẩm, đặc biệt là đồ uống.