Doanh nghiệp ngoài nhà nước có bắt buộc phải trích Quỹ phát triển khoa học và công nghệ không? Nếu bắt buộc thì nguyên tắc trích lập và sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ là như thế nào?
Doanh nghiệp ngoài nhà nước có bắt buộc phải trích Quỹ phát triển khoa học và công nghệ không?
Căn cứ Điều 63 Luật khoa học và công nghệ năm 2013 quy định về Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp như sau:
- Doanh nghiệp ngoài nhà nước được khuyến khích thành lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của mình hoặc đóng góp vào Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của ngành, địa phương và được hưởng quyền lợi theo quy định của Quỹ.
- Doanh nghiệp nhà nước phải trích một tỷ lệ tối thiểu thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.
Chính phủ quy định cụ thể tỷ lệ trích thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để thành lập quỹ và cơ chế quản lý, sử dụng quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp nhà nước.
- Doanh nghiệp có quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng quỹ đúng mục đích thành lập quỹ và thông báo việc thành lập quỹ cho cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ địa phương nơi đặt trụ sở chính của doanh nghiệp.
=> Theo quy định trên thì đối với doanh nghiệp ngoài nhà nước thì không bắt buộc phải thành lập hay trích Quỹ phát triển khoa học và công nghệ.
Nguyên tắc trích lập và sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ tại doanh nghiệp ngoài nhà nước
Nếu doanh nghiệp ngoài nhà nước có thành lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ thì phải tuân thủ theo quy định trích lập và sử dụng quỹ theo hướng dẫn tại Điều 9, 10, 11 Nghị định 95/2014/NĐ-CP, cụ thể:
Việc trích lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp như sau:
- Doanh nghiệp ngoài nhà nước được quyền trích từ thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp một tỷ lệ hợp lý, tối đa 10% để lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp được sử dụng quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp để chi cho các nội dung sau:
- Thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh.
- Thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ của doanh nghiệp
Doanh nghiệp phải xây dựng quy chế đề xuất, xác định nhiệm vụ, tổ chức thực hiện và đánh giá nghiệm thu các nhiệm vụ khoa học và công nghệ của doanh nghiệp và quy chế chi tiêu, sử dụng quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp gửi cơ quan thuế nơi doanh nghiệp đăng ký thuế để kiểm soát. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chịu trách nhiệm thực hiện đúng quy chế.
Việc xây dựng quy chế phải đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch trong nội bộ doanh nghiệp.
- Hỗ trợ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp
+ Trang bị cơ sở vật chất - kỹ thuật cho hoạt động khoa học và công nghệ của doanh nghiệp: Xây dựng các tổ chức nghiên cứu phát triển, trung tâm phân tích, kiểm nghiệm, thử nghiệm, kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm sản phẩm; hạ tầng thông tin, cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp và thống kê về hoạt động khoa học và công nghệ; chi cho công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa cơ sở vật chất - kỹ thuật và trang thiết bị phục vụ hoạt động khoa học và công nghệ; chi khác phục vụ phát triển khoa học và công nghệ; các hệ thống quản lý chất lượng của doanh nghiệp;
+ Mua quyền sử dụng, quyền sở hữu: Bí quyết công nghệ; kiến thức kỹ thuật về công nghệ được chuyển giao dưới dạng phương án công nghệ, quy trình công nghệ, thiết kế kỹ thuật, giải pháp kỹ thuật, công thức, thông số kỹ thuật, bản vẽ, sơ đồ kỹ thuật, chương trình máy tính, thông tin dữ liệu; giải pháp hợp lý hóa sản xuất, đổi mới công nghệ; bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích, giống cây trồng, kiểu dáng công nghiệp; sáng kiến; các tài liệu, kết quả nghiên cứu, sản phẩm có liên quan trong nước và nước ngoài để phục vụ cho hoạt động khoa học và công nghệ của doanh nghiệp;
+ Mua máy móc, thiết bị có kèm theo các đối tượng chuyển giao công nghệ theo quy định tại Điều 7 Luật Chuyển giao công nghệ để thay thế một phần hay toàn bộ công nghệ đã, đang sử dụng bằng công nghệ khác tiên tiến hơn nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hoặc cải tiến phát triển sản phẩm mới của doanh nghiệp;
+ Trả lương, chi thuê chuyên gia hoặc hợp đồng với tổ chức khoa học và công nghệ trong nước và nước ngoài để thực hiện các hoạt động khoa học và công nghệ của doanh nghiệp;
+ Chi cho đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ;
+ Chi cho các hoạt động sáng kiến theo quy định của pháp luật về sáng kiến;
+ Chi cho các hoạt động hợp tác về khoa học và công nghệ giữa các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trong nước và ngoài nước: Hoạt động khảo sát, tìm kiếm đối tác, nhu cầu công nghệ trong nước và ngoài nước; chi phí cho các nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu chung theo các lĩnh vực khoa học và công nghệ được nhà nước khuyến khích, ưu tiên;
+ Chi cho đánh giá, thử nghiệm, kiểm chuẩn, quảng bá, thương mại hóa sản phẩm mới, công nghệ mới; đăng ký quyền sở hữu trí tuệ.
- Chi điều chuyển về quỹ phát triển khoa học và công nghệ theo quy định tại Khoản 2 Điều 11 Nghị định 95/2014/NĐ-CP, trừ trường hợp đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có công ty mẹ ở nước ngoài.
- Chi nộp về quỹ phát triển khoa học và công nghệ của nhà nước theo quy định tại Điểm a Khoản 5 Điều 11 Nghị định 95/2014/NĐ-CP.
- Chi quản lý quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.
- Các khoản chi từ quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp phải có chứng từ theo quy định của quy chế chi tiêu, sử dụng Quỹ. Trường hợp trong năm, doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng cho hoạt động khoa học và công nghệ vượt quá số tiền hiện có tại Quỹ thì được lựa chọn trích trước Quỹ của các năm tiếp theo để bù vào số còn thiếu hoặc tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp trong kỳ tính thuế.
Hi vọng thông tin trên hữu ích đối với bạn!