Chào bạn
Dựa vào thông tin mà bạn cung cấp tôi xin đưa ra một số ý kiến sau:
1. Về khoản nợ
Theo quy định của Luật phá sản 2014 thì “ Chủ nợ là cá nhân, cơ quan tổ chức có quyền yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã thựa hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ, bao gồm chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần và chủ nợ có bảo đảm”.
Như vậy, tài sản bảo đảm với những giao dịch có bảo đảm chỉ nhằm đảm bảo thực hiện nghĩa vụ thanh toán của doanh nghiệp, hợp tác xã. Khoản nợ ở đây bao gồm cả khoản nợ của chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần và cả chủ nợ có bảo đảm
2. Về biện pháp bảo đảm
- Về nghĩa vụ dân sự trong Bộ luật dân sự
Khoản 1 Điều 318 Bộ luật dân sự hiện hành quy định các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự bao gồm: “ Cầm cố tài sản; thế chấp tài sản; đặt cọc; ký cược; ký quỹ; bảo lãnh; tín chấp”.
Bộ luật dân sự cũng quy định về tài sản bảo đảm như sau:
“Điều 320. Vật bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự
1. Vật bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm và được phép giao dịch.
2. Vật dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự là vật hiện có hoặc được hình thành trong tương lai. Vật hình thành trong tương lai là động sản, bất động sản thuộc sở hữu của bên bảo đảm sau thời điểm nghĩa vụ được xác lập hoặc giao dịch bảo đảm được giao kết.
Điều 321. Tiền, giấy tờ có giá dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự
Tiền, trái phiếu, cổ phiếu, kỳ phiếu và giấy tờ có giá khác được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự.
Điều 322. Quyền tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự
1. Các quyền tài sản thuộc sở hữu của bên bảo đảm bao gồm quyền tài sản phát sinh từ quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng, quyền đòi nợ, quyền được nhận số tiền bảo hiểm đối với vật bảo đảm, quyền tài sản đối với phần vốn góp trong doanh nghiệp, quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng và các quyền tài sản khác thuộc sở hữu của bên bảo đảm đều được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự.
2. Quyền sử dụng đất được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự theo quy định của Bộ luật này và pháp luật về đất đai.
3. Quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự theo quy định của Bộ luật này và pháp luật về tài nguyên”.
Việc doanh nghiệp sử dụng tài sản bảo đảm hợp pháp theo quy định tại các Điều 320,321,322 để tiến hành bằng các biện pháp bảo đảm cụ thể như quy định tại Điều 318 nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Do đó bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp là việc sử dụng các biện pháp bảo đảm nghĩa vụ dân sự trong Bộ luật dân sự.
- Về những chủ nợ được bảo đảm bằng những biện pháp bảo đảm không nhất thiết phải chuyển giao tài sản thì xác theo từng loại biện pháp bảo đảm để xử lý tài sản bảo đảm như sau:
Đối với những biện pháp bảo đảm nêu trên thì biện pháp bảo đảm thế chấplà những biện pháp bảo đảm không nhất thiết phải chuyển giao tài sản bảo đảm. Do đó, khi đó tài sản bảo đảm sẽ được xử lý theo quy định tại Điều 355 Bộ luật dân sự về xử lý tài sản thế chấp: “ Trong trường hợp đã đến hạn thực hiện nghĩa vụ dân sự mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đứng nghĩa vụ thì việc xử lý tài sản thế chấp được thực hiện theo quy định tại Điều 336 và Điều 338 của Bộ luật này”. Như vậy nghĩa là trường hợp đó tài sản thế chấp sẽ được xử lý giống với tài sản cầm cố như sau:
“ Điều 336. Xử lý tài sản cầm cố
Trường hợp đã đến hạn thực hiện nghĩa vụ dân sự mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện nghĩa vụ không đúng thoả thuận thì tài sản cầm cố được xử lý theo phương thức do các bên đã thoả thuận hoặc được bán đấu giá theo quy định của pháp luật để thực hiện nghĩa vụ. Bên nhận cầm cố được ưu tiên thanh toán từ số tiền bán tài sản cầm cố”.
“Điều 338. Thanh toán tiền bán tài sản cầm cố
Tiền bán tài sản cầm cố được sử dụng để thanh toán nghĩa vụ cho bên nhận cầm cố sau khi trừ chi phí bảo quản, bán tài sản và các chi phí cần thiết khác có liên quan để xử lý tài sản cầm cố; trong trường hợp nghĩa vụ được bảo đảm là khoản vay thì thanh toán cho bên nhận cầm cố theo thứ tự nợ gốc, lãi, tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại nếu có; nếu tiền bán còn thừa thì phải trả lại cho bên cầm cố; nếu tiền bán còn thiếu thì bên cầm cố phải trả tiếp phần còn thiếu đó”.
3. Doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thanh toán chứ không phải doanh nghiệp không có khả năng thanh toán.
Điều 5 Luật phá sản quy định về người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. “ Chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán”.
Như vậy chỉ cần hết thời hạn 3 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn thanh toán mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán thì những chủ nợ nêu trên có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản mà không phụ thuộc vào việc doanh nghiệp, hợp tác xã có còn tiền hay không.
Giáp Thị Trang CÔNG TY LUẬT VIỆT KIM (www.vietkimlaw.com)
M: (+84-4) 6.2694744- E: luatvietkim@gmail.com
Ad: CS1 - Tầng 5, Tòa nhà SHB, 34 Giang Văn Minh, Ba Đình, Hà Nội/ CS2 - Tầng 5, Nhà C, 236 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội.