Theo khoản 1 Điều 34 Bộ luật Lao động 2019, trường hợp hợp đồng lao động hết hạn là một trong các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động (trừ trường hợp quy hợp đồng lao động của người lao động là thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đang trong nhiệm kỳ mà hết hạn thì doanh nghiệp phải gia hạn hợp đồng lao động đã giao kết cho đến hết nhiệm kỳ cho người lao động).
Theo quy định tại khoản 1 Điều 45 Bộ luật Lao động 2019, khi chấm dứt hợp đồng lao động theo căn cứ hợp đồng lao động hết hạn nêu trên, doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản cho người lao động về việc chấm dứt hợp đồng lao động.
Như vậy, khi hợp đồng lao động với người lao động hết hạn, thì doanh nghiệp phải gửi thông báo bằng văn bản cho người lao động.
Hiện nay chưa có quy định thời hạn doanh nghiệp phải gửi thông báo, nhưng xét đến ý nghĩa của thông báo, thì thông báo sẽ được gửi trước khi hợp đồng lao động hết hạn.
Các trường hợp khác mà doanh nghiệp cũng phải gửi thông báo chấm dứt hợp đồng lao động cho người lao động được quy định tại Điều 45 Bộ luật Lao động 2019 bao gồm các trường hợp chấm dứt sau đây:
- Trường hợp đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.
- Trường hợp hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động.
- Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 35 Bộ luật Lao động 2019.
- Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 36 Bộ luật Lao động 2019.
- Người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc theo quy định tại Điều 42 và Điều 43 Bộ luật Lao động 2019.
- Giấy phép lao động hết hiệu lực đối với người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Lao động 2019.
- Trường hợp thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động mà thử việc không đạt yêu cầu hoặc một bên hủy bỏ thỏa thuận thử việc.