“Sợ ma” không phải là một biểu hiện hiếm gặp, tuy nhiên riêng đối với những người có vấn đề liên quan đến thần kinh, tim mạch thì việc hoảng sợ khi bị dọa ma còn có thể gây ra những hậu quả khôn lường như choáng váng, ngất xỉu, thậm chí là tử vong. Giả sử hành vi dọa ma làm người khác tử vong, lúc này người dọa ma có bị xử lý hình sự hay không?
Dọa mà làm người khác tử vong - Minh họa
Trước hết, về mặt dân sự, Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định:
“Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.”
Trong đó, Điều 590 Bộ luật này cũng quy định việc bồi thường do xâm phạm tính mạng người khác bao gồm các khoản như Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại, chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị, thiệt hại khác nếu có.
Ngoài những khoản tiền trên, để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đã chết phải gánh chịu, mức bồi thường này tối đa bằng 50 lần mức lương cơ sở.
Đây là nghĩ vụ bồi thường thiệt hại, tuy nhiên về mặt hình sự thì khả năng cao người này sẽ bị truy cứu một tội quy định tại Điều 128 Bộ luật Hình sự 2015, đó là tội Vô ý làm chết người.
Tội này được quy định như sau:
“Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.”
Lỗi “vô ý” ở đây bao gồm 2 trường hợp:
+ Làm chết người do vô ý vì quá tự tin là trường hợp người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được (khoản 1 Điều 11 BLHS)
=> Tức là bạn biết rõ dọa ma có thể làm người khác giật mình và ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng tin rằng sự ảnh hưởng tiêu cực đó sẽ không xảy ra hoặc nếu xả ra thì bạn có thể ngăn chặn được bằng cách sơ cứu, gọi cấp cứu,...
+ Làm chết người do lỗi vô ý do cẩu thả là trường hợp người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó. (khoản 2 Điều 11 BLHS)
=> Tức là bạn không biết rằng việc dọa ma này có thể gây ra nguy hiểm đến tính mạng, mặc dù bạn phải thấy trước, hoặc có thể thấy trước hậu quả đó.
Cần phải hiểu là việc dọa ma dù ít hay nhiều cũng sẽ gây giật mình, mà việc giật mình này ảnh hưởng đến thần kinh, tim mạch. Đây là chuyện mà pháp luật buộc bạn phải biết!
Dù bạn mắc lỗi vô ý nào trong hai trường hợp ở trên thì khi hậu quả “làm chết người” xảy ra (đây là hậu quả bắt buộc nếu mới , pháp luật quy định trách nhiệm hình sự mà bạn phải đối mặt là cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Nếu người nào đó biết chắc chắn người khác có vấn đề về sức khỏe, dễ gặp tai nạn nếu bị dọa ma mà vẫn cố tình thực hiện thì thậm chí còn có thể bị truy cứu về tội Giết người, với hình phạt ít nhất 7 năm tù.
Hành vi dọa ma có thể chỉ là vui đùa, không nhằm múc đích xấu, tuy nhiên chúng ta phải hiểu rõ tình hình sức khỏe của đối phương, bởi lẽ pháp luật bảo vệ quyền quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm, hành vi xâm phạm sức khỏe mà gây thiệt hại đến tính mạng chắc chắn phải bị xử lý!