Vừa qua, ngày 30/12/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Theo đó, có nhiều quy định mới nhằm hiện thực hóa quy định cấm người đã uống rượu, bia nhưng tham gia điều khiển phương tiện tham gia giao thông tại Luật phòng chống tác hại của rượu, bia 2019.
Thứ nhất, về thời điểm ban hành và có hiệu lực của Nghị định 100/2019/NĐ-CP là trong chớp nhoáng chỉ sau 02 ngày kể từ ngay ban hành tức là ngày 01/01/2020 đã có hiệu lực, vì thế nhiều người không kịp cập nhật cho bản thân mình những quy định xử phạt khi tham gia giao thông. Lý giải cho vấn đề này đó là bởi vì Nghị định này đã được ban hành theo thủ tục rút gọn và để để nhằm phù hợp và thực hiện hóa các quy định với quy định của Luật phòng chống tác hại của rượu, bia 2019. Về thời điểm có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại Khoản 1 Điều 151 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015:
“Thời điểm có hiệu lực của toàn bộ hoặc một phần văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại văn bản đó nhưng không sớm hơn 45 ngày kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước trung ương”
Theo quy định nêu trên thì Nghị định 100/2019/NĐ-CP sẽ có hiệu lực không sớm hơn 45 ngày kể từ ngày ban hành 30/12/2019 là phải có hiệu lực từ ngày 14/02/2020 (45 ngày sau ngày ban hành). Tuy nhiên, cũng theo Khoản 2 Điều 151 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015:
“Văn bản quy phạm pháp luật được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn thì có thể có hiệu lực kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành, đồng thời phải được đăng ngay trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan ban hành và phải được đưa tin trên phương tiện thông tin đại chúng; đăng Công báo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc Công báo tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chậm nhất là sau 03 ngày kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành.”
Như vậy, có thể thấy Nghị định 100/2019/NĐ-CP được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn, nên có hiệu lực chỉ sau 02 ngày kể từ ngày ký.
Thứ hai, về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm khi người tham gia điều khiển phương tiện giao thông mà trong hơi thở có nồng độ cồn quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP tăng cao so với Nghị định 46/2016/NĐ-CP. Bên cạnh đó, nhiều kênh thông tin rằng việc ăn trái cây hoặc uống siro sẽ có nồng độ cồn và bị xử phạt, nhưng vừa qua tại cuộc họp tổng kết công tác cuối năm 2019 (ngày 09/01/2020) Cục trưởng Cục Cảnh sát Giao thông cũng đã khẳng định không có quy định trên và đã có thực nghiệm về vấn đề này. Trong trường hợp nếu tài xế bị Cảnh sát giao thông kiểm tra mà nếu tài xế trình bày vừa ăn trái cây hoặc uống siro thì sẽ cho uống nước hoặc 05 phút sau thổi đo lại nồng độ cồn, nếu phát hiện có nồng độ cồn thì sẽ xử lý theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Thứ ba, do mức phạt tăng cao trong trường hợp người tham gia điều khiển phương tiện giao thông mà trong hơi thở có nồng độ cồn quy định tại Khoản 10 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP đó là bị xử phạt với mức tiền phạt cao, đồng thời có thể bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe nên kéo theo tình trạng người dân bỏ lại phương tiện và không đóng phạt.
Cập nhật bởi chaugiang9897 ngày 12/01/2020 10:46:09 CH
Cập nhật bởi chaugiang9897 ngày 12/01/2020 10:43:42 CH