Đổ hoá chất nhằm phá hoại cây xanh đô thị sẽ bị xử lý thế nào?

Chủ đề   RSS   
  • #610196 02/04/2024

    btrannguyen
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:13/03/2024
    Tổng số bài viết (1181)
    Số điểm: 23218
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 503 lần


    Đổ hoá chất nhằm phá hoại cây xanh đô thị sẽ bị xử lý thế nào?

    Cây xanh đô thị mang đến nhiều lợi ích cho con người. Pháp luật có quy định nghiêm cấm các hành vi phá hoại cây xanh, gây ảnh hưởng đến môi trường. Như vậy, hành vi đổ hoá chất nhằm phá hoại cây xanh đô thị sẽ bị xử lý thế nào?

    Vụ việc cây sao đen trên phố Lò Đúc chết khô

    Theo bảo VOV đưa tin, vừa qua người dân cả nước xôn xao thông tin về các cây sao đen trăm tuổi chết khô trên phố Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) mà không rõ nguyên nhân.

    Vụ việc trên làm nhiều người nhớ lại trước đây năm 2019, cây sao đen ở số nhà 71 phố Lò Đúc, đang phát triển xanh tươi thì chỉ vài ngày sau khi bị đổ loại nước màu xanh xuống gốc, cây rụng lá và chết trong “nháy mắt”.

    Như vậy, nếu thật sự có người cố ý đổ hóa chất vào các cây xanh đô thị để phá hoại thì hành vi này sẽ bị xử lý như thế nào?

    Cây xanh đô thị là gì?

    Theo Điều 2 Nghị định 64/2010/NĐ-CP về cây xanh đô thị như sau:

    - Cây xanh đô thị là cây xanh sử dụng công cộng, cây xanh sử dụng hạn chế và cây xanh chuyên dụng trong đô thị.

    - Cây xanh sử dụng công cộng đô thị là các loại:

    + Cây xanh được trồng trên đường phố (gồm cây bóng mát, cây trang trí, dây leo, cây mọc tự nhiên, thảm cỏ trồng trên hè phố, dải phân cách, đảo giao thông); 

    + Cây xanh trong công viên, vườn hoa;

    + Cây xanh và thảm cỏ tại quảng trường và các khu vực công cộng khác trong đô thị.

    - Cây xanh sử dụng hạn chế trong đô thị là cây xanh được trồng trong khuôn viên các trụ sở, trường học, bệnh viện, nghĩa trang, các công trình tín ngưỡng, biệt thự, nhà ở và các công trình công cộng khác do các tổ chức, cá nhân quản lý và sử dụng.

    - Cây xanh chuyên dụng trong đô thị là các loại cây trong vườn ươm hoặc phục vụ nghiên cứu.

    Như vậy, cây xanh đô thị là các cây được trồng ở các nơi công cộng, các vườn ươm hoặc để phục vụ nghiên cứu.

    Các hành vi bị cấm trong quản lý cây xanh đô thị

    Theo Điều 7 Nghị định 64/2010/NĐ-CP quy định nghiêm cấm các hành vi sau đây:

    - Trồng các loại cây trong danh mục cây cấm trồng; trồng các loại cây trong danh mục cây trồng hạn chế khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.

    - Tự ý trồng cây xanh trên hè, dải phân cách, nút giao thông và các khu vực sở hữu công cộng không đúng quy định.

    - Tự ý chặt hạ, dịch chuyển, chặt nhánh, tỉa cành, đào gốc, chặt rễ cây xanh khi chưa được cấp phép.

    - Đục khoét, đóng đinh vào cây xanh, lột vỏ thân cây; đổ rác, chất độc hại và vật liệu xây dựng vào gốc cây xanh; phóng uế, đun nấu, đốt gốc, xây bục, bệ quanh gốc cây.

    - Treo, gắn biển quảng cáo, biển hiệu và các vật dụng khác trên cây; giăng dây, giăng đèn trang trí vào cây xanh khi chưa được phép.

    - Lấn chiếm, xây dựng công trình trái phép trên đất cây xanh hiện có hoặc đã được xác định trong quy hoạch đô thị và ngăn cản việc trồng cây xanh theo quy định.

    - Các tổ chức, cá nhân quản lý hoặc được giao quản lý cây xanh đô thị không thực hiện đúng các quy định về quản lý cây xanh đô thị.

    - Các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật.

    Đổ hóa chất nhằm phá hoại cây xanh đô thị sẽ bị xử lý thế nào?

    Xử lý hành chính

    Theo Điều 54 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định xử phạt về hành vi trồng sai quy định, phá hoại cây xanh đô thị như sau:

    - Phạt cảnh cáo đối với một trong các hành vi sau đây:

    + Đục khoét, đóng đinh vào cây xanh, cắt cành cây, lột vỏ thân cây, phóng uế quanh gốc cây;

    + Chăm sóc, cắt tỉa cây không tuân thủ quy trình kỹ thuật.

    - Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

    + Đổ chất độc hại, vật liệu xây dựng vào gốc cây xanh; đun nấu, đốt gốc, xây bục, bệ quanh gốc cây;

    + Trồng cây xanh trên hè, dải phân cách, đường phố, nút giao thông hoặc khu vực công cộng không đúng quy định;

    + Trồng các loại cây trong danh mục cây cấm trồng hoặc cây trong danh mục cây trồng hạn chế khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép;

    + Ngăn cản việc trồng cây xanh theo quy định;

    + Trồng cây xanh đô thị không đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật, không đúng chủng loại, tiêu chuẩn cây và bảo đảm an toàn.

    - Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi tự ý chặt hạ, dịch chuyển, đào gốc cây xanh đô thị hoặc chặt rễ cây xanh khi chưa được cấp phép.

    - Biện pháp khắc phục hậu quả:

    + Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu với hành vi phá hoại cây xanh.

    + Buộc trồng cây xanh đô thị đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật, chủng loại, tiêu chuẩn cây với hành vi trồng cây sai quy định.

    Đồng thời, theo điểm c Khoản 3 Điều 4 quy định mức phạt trên là mức phạt đối với tổ chức. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.

    Như vậy, đối với hành vi đổ hóa chất vào cây nhằm mục đích phá hoại cây xanh đô thị, tổ chức sẽ bị phạt từ 20 - 30 triệu đồng, cá nhân sẽ bị phạt 10 - 15 triệu đồng. Đồng thời, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu.

    Xử lý hình sự

    Nếu cây xanh đô thị được giao cho cơ quan, đơn vị quản lý, chăm sóc thì cũng được xem là tài sản của cơ quan, đơn vị đó. Trường hợp này, nếu đổ hóa chất hay có hành vi nào khác nhằm phá hoại cây thì sẽ bị xử lý theo Điều 178 Bộ luật hình sự 2015 như sau:

    1) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đối với:

    - Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng

    - Dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây:

    + Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều 178 Bộ luật hình sự 2015 mà còn vi phạm;

    + Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

    + Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

    + Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

    + Tài sản là di vật, cổ vật.

    2) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

    - Có tổ chức;

    - Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

    - Tài sản là bảo vật quốc gia;

    - Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

    - Để che giấu tội phạm khác;

    -  Vì lý do công vụ của người bị hại;

    - Tái phạm nguy hiểm.

    3) Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

    4) Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

    5) Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

    Như vậy, đối với hành vi đổ hóa chất phá hoại cây xanh đô thị là tài sản của cơ quan, đơn vị có thể bị xử lý hình sự khung hình phạt thấp nhất là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm;

    Khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 10 đến 20 năm. 

    Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

     
    754 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận