Vào những ngày Tết, nhu cầu về tiền mệnh giá nhỏ, đặc biệt là tiền mới nguyên seri chưa qua sử dụng thường tăng cao, chủ yếu được sử dụng vào các hoạt động lễ hội, tín ngưỡng hay để lì xì. Chính bởi nhu cầu tiền mới mệnh giá nhỏ tăng cao nên đã phát sinh hiện tượng kinh doanh dịch vụ đổi tiền nhằm hưởng % chênh lệch.
Theo pháp luật hiện hành, hoạt động đổi tiền lẻ nhằm hưởng % chênh lệch là hành vi trái pháp luật và bị nghiêm cấm. Vì thế, nếu cá nhân nào thực hiện các hành vi đổi tiền có phí sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 5 Điều 30 Nghị định 88/2019/NĐ-CP với mức thấp nhất là 20 triệu đồng và cao nhất tới 40 triệu đồng (tổ chức vi phạm sẽ bị phạt gấp 02 lần).
Điều 30. Vi phạm quy định về quản lý tiền tệ và kho quỹ
5. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật.
|
Hiện nay, Thông tư 25/2013/TT-NHNN về hoạt động thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông quy định chỉ có những tổ chức được nhà nước cho phép mới được hoạt động đổi tiền, trong đó chỉ có: Ngân hàng nhà nước, Ngân hàng nhà nước chi nhánh, Sở giao dịch ngân hàng nhà nước, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, kho bạc nhà nước. Ngoài các đơn vị này, mọi hoạt động đổi tiền ở cá nhân, tổ chức khác đều là bất hợp pháp.
Theo đó, những cá nhân, tổ chức kinh doanh, trục lợi tiền mới, tiền lẻ mà không được Ngân hàng Nhà nước cho phép thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.