Điều kiện công nhận và việc cấp Giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh động vật

Chủ đề   RSS   
  • #617713 21/10/2024

    nguyenduy303
    Top 500
    Male
    Lớp 1

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:19/10/2016
    Tổng số bài viết (348)
    Số điểm: 2977
    Cảm ơn: 37
    Được cảm ơn 61 lần


    Điều kiện công nhận và việc cấp Giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh động vật

    Điều kiện công nhận cơ sở an toàn dịch bệnh động vật và việc cấp, hiệu lực của Giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh động vật được quy định tại Thông tư 24/2022/TT-BNNPTNT.

    1. Điều kiện được công nhận cơ sở an toàn dịch bệnh động vật

    Cơ sở an toàn dịch bệnh động vật theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Luật Thú y 2015 là cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sản xuất giống động vật được xác định không xảy ra bệnh truyền nhiễm thuộc Danh mục bệnh động vật phải công bố dịch trong một khoảng thời gian quy định cho từng bệnh, từng loài động vật và hoạt động thú y trong cơ sở đó bảo đảm kiểm soát được dịch bệnh.

    Để được công nhận cơ sở an toàn dịch bệnh động vật phải đáp ứng các điều kiện sau theo quy định tại Điều 10 Thông tư 24/2022/TT-BNNPTNT, cụ thể:

    - Thực hiện các biện pháp phòng bệnh động vật đáp ứng các quy định tương ứng của pháp luật về thú y, chăn nuôi hoặc thủy sản và hướng dẫn chuyên môn của Cơ quan thú y:

    + Vị trí địa lý đáp ứng các quy định của pháp luật về thú y, chăn nuôi hoặc thủy sản; tách biệt với cơ sở khác có chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cùng loài động vật cảm nhiễm; tách biệt với các nguồn có khả năng làm lây nhiễm bệnh đăng ký công nhận an toàn;

    + Khu vực xử lý xác động vật, chất thải đáp ứng điều kiện theo quy định về bảo vệ môi trường và thú y; khu vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phải ngăn cách với các khu vực khác của cơ sở; các khu vực có nguy cơ nhiễm chéo phải có biển cảnh báo và bố trí tách biệt với nhau, bao gồm: Kho để vật tư nông nghiệp; khu nuôi cách ly động vật; khu vực mổ khám; khu xử lý xác động vật; khu vệ sinh, khử trùng tiêu độc dụng cụ dùng trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản;

    + Hệ thống xử lý nước cấp, nước thải bảo đảm yêu cầu kỹ thuật để giảm thiểu nguy cơ mang tác nhân gây bệnh theo quy định hiện hành;

    + Có biện pháp ngăn chặn động vật hoang dã, các loài động vật khác và vật chủ trung gian truyền bệnh xâm nhập vào khu vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản;

    + Có hệ thống khử trùng, tiêu độc cho người, phương tiện, dụng cụ, trang thiết bị và vật tư cần thiết khác tại lối ra, vào cơ sở, khu vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản;

    + Có trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận chuyển chuyên dụng, phù hợp với đối tượng chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, dễ vệ sinh, khử trùng để giảm thiểu nguy cơ mang tác nhân gây bệnh;

    + Có kế hoạch và tổ chức thực hiện các biện pháp an toàn sinh học theo quy định tại Điều 5 Thông tư này.

    - Có kế hoạch và tổ chức thực hiện giám sát dịch bệnh động vật theo quy định tại Điều 6 và Điều 7 Thông tư này.

    - Không xảy ra dịch bệnh động vật: Thực hiện theo quy định tại Điều 11 Thông tư này.

    - Hoạt động thú y tại cơ sở bảo đảm kiểm soát được dịch bệnh động vật:

    + Thực hiện theo quy định tương ứng tại các Điều 14, 15, 19, 20, 25, 27, 28, 29, 32, 33 và Điều 35 Luật Thú y 2015, quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật của Bộ NN&PTNT và các quy định tại Thông tư này;

    + Có kế hoạch và tổ chức thực hiện các biện pháp ứng phó dịch bệnh theo quy định tại Điều 8 Thông tư này.

    Như vậy, để được công nhận cơ sở an toàn dịch bệnh động vật thì cơ sở phải đáp ứng các điều kiện theo quy định trên, trong đó phải đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng bệnh động vật đáp ứng các quy định tương ứng của pháp luật về thú y, chăn nuôi hoặc thủy sản và hướng dẫn chuyên môn của Cơ quan thú y.

    2. Quy định việc cấp và hiệu lực của Giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh động vật

    Về mẫu Giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh động vật quy định tại khoản 2, 3 Điều 17 Thông tư 24/2022/TT-BNNPTNT như sau:

    - Cục Thú y cấp Giấy chứng nhận theo mẫu quy định tại mục 1 Phụ lục XII ban hành kèm theo Thông tư này hoặc theo yêu cầu của nước nhập khẩu;

    - Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận theo mẫu quy định tại mục 2 Phụ lục XII ban hành kèm theo Thông tư này.

    - Trường hợp cơ sở thay đổi địa điểm chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phải thực hiện các kế hoạch an toàn sinh học, giám sát dịch bệnh và ứng phó dịch bệnh theo quy định tại các Điều 5, 6, 7 và Điều 8 Thông tư này; thực hiện đăng ký công nhận theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 13 và Điều 14 Thông tư này. Cơ quan thú y thực hiện cấp Giấy chứng nhận theo quy định tại các Điều 15, 16, 17 và Điều 18 Thông tư này.

    - Giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh động vật có hiệu lực 05 năm kể từ ngày cấp và Giấy chứng nhận sẽ hết hiệu lực khi thuộc một trong các trường hợp sau theo quy định tại khoản 2 Điều 18 Thông tư này:

    + Sau 05 năm kể từ ngày cấp;

    + Cơ sở bị giải thể hoặc không còn hoạt động chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đối với loại động vật đã được công nhận an toàn dịch bệnh;

    + Xảy ra bệnh hoặc phát hiện tác nhân gây bệnh đã được công nhận an toàn tại cơ sở;

    + Không thực hiện các biện pháp duy trì điều kiện cơ sở an toàn dịch bệnh theo quy định tại Điều 21 Thông tư này hoặc không thực hiện khắc phục sai lỗi theo kết quả kiểm tra của Cơ quan thú y;

    + Cung cấp hồ sơ, dữ liệu không chính xác theo quy định tại điểm b khoản 6 Điều 16 Thông tư này.

    Như vậy, tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể mà Cục Thú y hoặc Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh sẽ cấp Giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh. Đồng thời, nếu thuộc vào một trong các trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 18 Thông tư 24/2022/TT-BNNPTNT thì Giấy chứng nhận sẽ hết hiệu lực và cơ quan thú y đưa tên cơ sở ra khỏi danh sách cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với các cơ sở thuộc trường hợp này.

     
    44 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận