Thời gian vừa qua trong bối cảnh giá xăng dầu leo thang thì hàng hóa cũng tăng giá theo, điều này khiến hàng loạt hàng hóa, dịch vụ đội giá lên rất cao trong một thời gian.
Đến ngày 01/8/2022 giá xăng giảm lần thứ tư liên tiếp, tuy nhiên hàng hóa vẫn chưa thể giảm đột ngột theo được, điều này tạo ra sự bất lợi cho người tiêu dùng. Vậy, hành vi không điều chỉnh theo giá thị trường thì người kinh doanh hàng hóa sẽ xử lý ra sao?
Thì vào chiều ngày 04/8/2022, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức buổi tọa đàm với nhan đề: “Xăng dầu giảm giá, hàng hóa không giảm: Thực trạng và giải pháp”. Trong buổi tọa đàm diễn ra trong bối cảnh giá xăng dầu đã có bốn kỳ giảm liên tiếp, từ mức trên 33.000 đồng/lít về sát mốc 24.600 đồng/lít. Thế nhưng mặt bằng giá cả hàng hóa, dịch vụ hiện vẫn giữ giá, neo cao.
1. Giảm giá hàng hóa, dịch vụ cần có độ trễ nhưng không nên trễ quá
Tại buổi tọa đàm có một số ý kiến như sau:
- Một số mặt hàng chịu ảnh hưởng tác động của giá xăng dầu khi điều chỉnh giảm cần có thời gian, độ trễ.
- Độ trễ này để các đơn vị sản xuất, kinh doanh, nhất là các đơn vị có mặt hàng chịu tác động trực tiếp của giá xăng dầu rà soát lại các yếu tố chi phí hình thành giá, từ đó mới xác định giá bán giảm theo giá xăng dầu.
- Thông thường các doanh nghiệp tính toán: Khi giá xăng dầu giảm, nếu giảm ngay giá mặt hàng khác có liên quan, họ lại sợ rằng sau này tăng lên sẽ cực kỳ khó.
Theo đó, người dân có quyền phản ánh với các cơ quan chức năng nếu thấy giá xăng dầu giảm mà giá vận tải, giá một số mặt hàng vẫn như cũ.
Qua một số thông tin từ buổi tọa đàm trên có thể rút ra một vài điểm đáng chú ý như sau:
Việc giá thành hàng hóa, dịch vụ vẫn chưa giảm liền vẫn được xem là hợp lý vì phải chịu nhiều yếu tố khác nhau từ các quy định về pháp lý đến việc đánh giá biến động thị trường thuộc về doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, dịch vụ vận chuyển hay những dịch vụ chịu tác động trực tiếp đến xăng dầu cần phải lập quy trình thay đổi về giá cũng như quy trình phù hợp trong việc vận hành cần có thời gian nhất định.
Tuy nhiên, độ trễ trong việc điều chỉnh giá của cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh cần phải nhanh và bắt kịp thị trường, không được chậm trễ hoặc lợi dụng việc tăng giá cao hơn so với giá niêm yết được đưa ra.
2. Giải pháp và mức phạt niêm yết giá không đúng quy định
Để điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ theo giá xăng, dầu cần đáp ứng các biện pháp từ khuyến khích đến việc phải sử dụng các chế tài phù hợp theo quy định pháp luật.
Thứ nhất là sử dụng biện pháp tuyên truyền, khuyến khích người dân, hộ kinh doanh hay doanh nghiệp,... kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu tác động của xăng, dầu phải điều chỉnh lại giá thành một cách hợp lý theo giá xăng hoặc theo thông báo từ cơ quan chính quyền, báo đài.
Nhiệm vụ này không những thuộc về cơ quan có thẩm quyền mà ngay cả người tiêu dùng, nếu thấy giá cao thất thường so với quy định hoặc mặt bằng chung người dân có thể thông báo đến cơ quan có thẩm quyền như các cơ sở quản lý thị trường, cơ quan công an,...
Thứ hai là điều chỉnh việc tăng giá tập trung chủ yếu từ khâu trung gian, tức là các đầu mối, các khâu trung gian này là mắt xích trong việc tăng hay giảm giá đến cho các đại lý bán lẻ.
Thứ ba là các biện pháp xử phạt hành chính đối với hành vi chỉ có tăng mà không có giảm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính.
Căn cứ Điều 13 Nghị định 109/2013 quy định cá nhân có hành vi tăng hoặc giảm giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý sẽ bị xử phạt như sau:
Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 5 triệu đồng nếu hàng hóa, dịch vụ bán tăng giá có tổng giá trị đến 50 triệu đồng, đối với một trong những hành vi tăng giá sau:
Tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ cao hơn mức giá đã kê khai hoặc đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Tăng giá theo giá ghi trong Biểu mẫu đăng ký hoặc văn bản kê khai giá với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nhưng cơ quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản yêu cầu giải trình mức giá đăng ký hoặc kê khai hoặc có văn bản yêu cầu đình chỉ áp dụng mức giá mới và thực hiện đăng ký lại, kê khai lại mức giá.
Phạt 5 - 10 triệu đồng đối với hành vi vi phạm có tổng giá trị từ trên 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng.
Phạt 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi vi phạm có tổng giá trị từ trên 100 triệu đồng đến 200 triệu đồng.
Phạt 20 - 40 triệu đồng đối với hành vi vi phạm có tổng giá trị từ trên 200 triệu - 500 triệu đồng.
Phạt 40 - 60 triệu đồng đối với hành vi vi phạm có tổng giá trị trên 500 triệu đồng.
Phạt 25 - 55 triệu đồng hành vi tăng hoặc giảm giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý khi kiểm tra yếu tố hình thành giá theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Ngoài ra còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như buộc nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu lợi do vi phạm hành chính.
Lưu ý: mức phạt trên là đối với cá nhân, tổ chức có cùng hành vi tăng giá thành hàng hóa dịch vụ không đúng quy định pháp luật tương tự sẽ chịu mức phạt gấp 02 lần.
Trên đây là một số thông tin cơ bản về việc điều chỉnh giá cả hàng hóa, dịch vụ theo biến động giá xăng, dầu. Qua đó, cá nhân, tổ chức khi kinh doanh cần lưu ý việc điều chỉnh giá cả hàng hóa hợp lý tránh việc lợi dụng tăng giá có thể bị xử phạt hành chính lên đến 110 triệu đồng.