Cụ Thường lật đật dẫn tôi ra chùa Phụ Chính. Chùa và đình ở cạnh nhau. Theo cụ, xưa kia đình và chùa cùng trong một khuôn viên, nhưng quá trình làm đường, người dân lấn chiếm ở, nên tách ra.
Cụ Thường chỉ 2 cây cổ thụ, thân sừng sững, cành lá vươn cao chót vót, sát tường bao chùa Phụ Chính và bảo đó là 2 cây sưa cổ thụ. Quả thực, tôi bị choáng ngợp trước sự kỳ vĩ của 2 cây sưa này.
Gốc cây khổng lồ, với đường kính chừng 1m.
Tôi đã từng đi xem nhiều cây sưa, từ “vườn sưa” ở gò Đống Đa, “đồi sưa” trong công viên Bách Thảo, “ngọn núi sưa” ở Kim Bảng (Hà Nam), đến cây sưa khổng lồ ở đền Chóa (Yên Phong, Bắc Ninh), song chưa từng thấy cây sưa nào lớn, già cỗi như thế.
Toàn bộ thân cây bị bao phủ bởi một lớp tầm gửi, da nứt nẻ, chỗ mốc trắng, chỗ đen xì. Cụ Thường chỉ vết cưa một cành ở giữa thân cây, tôi thấy giữa cành có một cái lỗ, to như ống điếu cày. Cụ bảo, đó là minh chứng của sự mục ruỗng.
Ở vết cưa cành thấp hơn, cách mặt đất chừng 2,5m thì chỉ có khe nhỏ hình ngôi sao 4 cánh. Cụ Thường bảo, cành này cũng mục ruỗng bên trong, tuy nhiên, các cụ cưa sát vào thân, nên vết ruỗng mới nhỏ như thế. Hồi cưa xong, các cụ đã đổ xi măng, bít lỗ lại, để nước khỏi ngấm vào làm hoại tử thân cây.
Tôi dùng chìa khóa cạo chỗ mặt cưa, thấy lõi đỏ của gỗ sát tới vỏ. Như vậy, có thể thấy rằng, cây sưa này đã quá già, lõi của nó rất lớn nên cho lượng gỗ sưa rất nhiều.
Tôi và cụ Thường đã giang hết cỡ sải tay, nhưng vẫn không hết chu vi thân cây. Theo cụ Thường, đường kính thân phía dưới gốc cây sưa này cỡ 1m. Các cụ chẳng có ý định hạ cây để bán, nhưng giới buôn gỗ sưa ngắm nghía qua, cũng tính được lượng gỗ của nó, kể cả cành, rễ chừng 10 mét khối, tức khoảng 12 ngàn kg.
Chỉ cần tính theo giá mua bán 2 cành sưa vào năm 2010, là 11 triệu đồng/kg, thì cây sưa này phải có giá hơn 100 tỷ đồng! Người dân Phụ Chính nói vui, nếu đốn cây sưa này đem bán, thì mua được một vạn con trâu bò, thả ra đồng nhung nhúc như muỗi, đủ chia cho mỗi hộ vài chục con. Nếu đem tiền chia cho các hộ gia đình, thì làng Phụ Chính biến thành tỷ phú hết. Quả là một nguồn lợi lớn không thể tưởng tượng được.
Đấy là chưa kể cây sưa ở phía trong, cách cây sưa khổng lồ này hơn 10m. Cây sưa này tuy không già cỗi, vằn vện bằng cây sưa trước cửa chùa, song cũng phải 1,5 người ôm mới xuể. Giới buôn bán sưa cũng định giá nó tới 50 tỷ đồng.
Ôi trời! Vậy là trước cửa ngôi chùa dột nát, với tường đổ nghiêng ngả, chẳng có cổng rả kia, có tới 2 “cây vàng” trị giá khoảng 150 tỷ đồng đứng sừng sững. Quả là một chuyện khiến bọn sưa tặc thèm khát đến điên đảo.
Sự bảo vệ 2 “cây vàng” này quả là quá đơn sơ, không có gì ngoài nhiệt huyết của các cụ. Sợi kẽm gai mỏng manh với vài vòng quấn ở gốc kia đâu thể ngăn được lòng tham con người và những chiếc cưa máy hiện đại?
Cây bồ đề khổng lồ, to 5-6 người ôm trước chùa Phụ Chính.
Để bảo vệ được 2 cây sưa, các cụ trong thôn Phụ Chính phải chia nhau canh gác, tuần tra suốt ngày đêm. Đã có lần, nửa đêm về sáng, bọn sưa tặc kéo đến định hạ cây, nhưng các cụ phát hiện ra ngay, tri hô cả làng ra đuổi. Bọn trộm chạy bán sống bán chết, không thấy quay lại lần nào nữa.
Hỏi về tuổi “cụ sưa”, cụ Thường trầm ngâm bảo: “Dân làng chúng tôi đều không biết rõ cây sưa có từ khi nào, nhưng đều thống nhất tin rằng nó đã 500 tuổi. Tôi đã sống gần 80 năm ở làng này, từ khi còn bé, đã thấy cây sưa to như thế, già như thế, chẳng khác bây giờ tý nào”.
Ông cụ Vũ Văn Quyển, hơn 90 tuổi, già nhất làng cũng bảo: “Lúc bé ông xem nó vẫn thế này, chẳng thấy lớn thêm tí nào. Bố mẹ ông cũng bảo chả biết đời nào trồng cây sưa này, nhưng từ thời nhà Nguyễn nó cũng đã xum xuê như bây giờ”.
Theo cụ Thường, xưa kia, trong sân chùa có tổng cộng 6 cây sưa. Năm 1959, hợp tác xã đã đốn hạ 4 cây. Một cây xẻ ra làm đình, một cây làm chùa Phụ Chính, một cây làm được mấy chục cái guồng nước phục vụ đồng ruộng. Số gỗ còn lại vứt chồng đống giữa làng, ai thích thì khuân về làm củi đun.
Gỗ sưa khi đốt rất thơm, mùi cực kỳ quyến rũ, nên Tết đến, cụ Thường hay đốt gỗ sưa trong đỉnh hương, để không gian ấm cúng. Mấy cái Tết, cụ đốt hết cả đống gỗ sưa.
Năm 2009, đình dột nát quá, các cụ sửa đình, dỡ ra, còn lấy được 300kg gỗ sưa, bán được 600 triệu đồng. Tu sửa đình không những hết veo số tiền đó, mà còn phải vay mượn đầm đìa. Hồi năm ngoái, các cụ đang tính dỡ nốt chùa lấy gỗ sưa bán, rồi khai thác thêm cành để trả nợ xây đình, tu sửa chùa khang trang. Nào ngờ, kế hoạch của các cụ đổ bể.
Tôi quan sát xung quanh, thì thấy ngoài 2 cây sưa cổ thụ, còn có cây đa phía ngoài đê sông Đáy, cách cây sưa này chừng 30m và ở góc bên phải chùa là một cây bồ đề khổng lồ. Cây bồ đề này còn lớn gấp rưỡi cây bồ đề 700 tuổi ở đền Kiêu Kỵ, có lẽ phải 5-6 người ôm mới xuể. Nếu như cây sưa này được trồng cùng thời kỳ với cây bồ đề, thì tuổi của nó phải tính bằng nhiều trăm năm, thậm chí là cả ngàn năm.
Ngôi chùa Phụ Chính còn rất nhiều bí ẩn chưa được khám phá. Không còn tài liệu nào ghi chép về ngôi chùa cổ này. Tuy nhiên, tài liệu về ngôi đình thì các cụ nắm được lơ mơ.
Mới đây, các cụ đã mang các tài liệu chữ Hán lên Viện Hán Nôm nhờ các chuyên gia dịch. Dù chưa có kết quả cụ thể, song theo các chuyên giá Hán Nôm, ngôi đình này thờ 3 ông tướng phò Hùng Vương thứ 18.
3 vị tướng này quê ở Hải Dương. Đấu tranh chống tiêu cực không thành, nên 3 vị xin về vùng này dạy học. Đình và chùa xây dựng từ thời kỳ nào thì không rõ, nhưng ít nhất phải 500 năm rồi. Cứ sự suy diễn như thế, các cụ khẳng định cây sưa đã 500 tuổi. Vậy nên, các cụ già cũng như dân làng Phụ Chính đều kính cẩn gọi là “cụ sưa”.
Lúc chuẩn bị rời làng Phụ Chính, cụ Thường bí mật kể cho tôi một chuyện: “Trước ngày dân làng cưa cành sưa, trời bỗng nổi giông tố, lúa đổ hàng loạt, cây cối nghiêng ngả, mây đen vần vũ khiến bầu trời đen kịt. Bữa đó cả làng xôn xao, kinh sợ, ai cũng nhụt chí, không dám chặt sưa, nhưng tôi thì vẫn quyết định làm lễ và đốn hạ. Người ta bảo, chúng tôi mà động vào cụ sưa thì sẽ chết, nhưng đến nay, chúng tôi vẫn sống khỏe. Tôi tin rằng, thánh thần đã ủng hộ việc làm của chúng tôi”.