1
|
Điều 3. Xác định hàng hoá bị bán phá giá nhập khẩu vào Việt Nam
1. Hàng hóa có xuất xứ từ nước hoặc vùng lãnh thổ bị coi là bán phá giá khi nhập khẩu vào Việt Nam (sau đây gọi là hàng hoá bán phá giá vào Việt Nam) nếu hàng hoá đó được bán với giá thấp hơn giá thông thường theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
2. Giá thông thường của hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam là giá có thể so sánh được của hàng hoá tương tự đang được bán trên thị trường nội địa của nước hoặc vùng lãnh thổ xuất khẩu theo các điều kiện thương mại thông thường.
3. Trong trường hợp không có hàng hoá tương tự được bán trên thị trường nội địa của nước hoặc vùng lãnh thổ xuất khẩu hoặc có hàng hoá tương tự được bán trên thị trường nội địa của nước hoặc vùng lãnh thổ xuất khẩu nhưng với khối lượng, số lượng hoặc trị giá hàng hóa không đáng kể thì giá thông thường của hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam được xác định theo một trong hai cách sau đây:
a) Giá có thể so sánh được của hàng hoá tương tự của nước hoặc vùng lãnh thổ xuất khẩu đang được bán trên thị trường một nước thứ ba trong các điều kiện thương mại thông thường;
b) Giá thành hợp lý của hàng hoá cộng thêm các chi phí hợp lý khác và lợi nhuận ở mức hợp lý, xét theo từng công đoạn từ sản xuất đến lưu thông trên thị trường của nước hoặc vùng lãnh thổ xuất khẩu hoặc nước thứ ba.
Điều 4. Các biện pháp chống bán phá giá
1. Áp dụng thuế chống bán phá giá.
2. Cam kết về các biện pháp loại trừ bán phá giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu hàng hóa bị yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá với cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp chống bán phá giá của Việt Nam hoặc với các nhà sản xuất trong nước nếu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp chống bán phá giá của Việt Nam đồng ý.
|
Điều 77. Biện pháp chống bán phá giá
1. Biện pháp chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam (sau đây gọi là biện pháp chống bán phá giá) là biện pháp được áp dụng trong trường hợp hàng hóa được xác định bị bán phá giá khi nhập khẩu vào Việt Nam gây ra thiệt hại đáng kể hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.
2. Hàng hóa được xác định bị bán phá giá khi nhập khẩu vào Việt Nam với giá thấp hơn giá thông thường là giá có thể so sánh được của hàng hóa tương tự bán tại nước xuất khẩu hoặc tại một nước thứ ba trong các điều kiện thương mại thông thường hoặc mức giá mà Cơ quan điều tra xác định bằng phương pháp tự tính toán.
3. Các biện pháp chống bán phá giá bao gồm:
a) Áp dụng thuế chống bán phá giá;
b) Cam kết về các biện pháp loại trừ bán phá giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu hàng hóa bị yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá với Cơ quan điều tra của Việt Nam hoặc với các nhà sản xuất trong nước nếu được Cơ quan điều tra chấp thuận.
|
2
|
Điều 6. Điều kiện áp dụng biện pháp chống bán phá giá
Biện pháp chống bán phá giá chỉ được áp dụng đối với hàng hóa bán phá giá vào Việt Nam khi có hai điều kiện sau đây:
1. Hàng hoá bị bán phá giá vào Việt Nam và biên độ bán phá giá phải được xác định cụ thể;
2. Việc bán phá giá hàng hoá quy định tại khoản 1 Điều này là nguyên nhân gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước.
|
Điều 78. Điều kiện áp dụng biện pháp chống bán phá giá
1. Biện pháp chống bán phá giá được áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam bị bán phá giá với biên độ bán phá giá được xác định cụ thể, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này;
b) Ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại đáng kể hoặc bị đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước;
c) Tồn tại mối quan hệ nhân quả giữa việc nhập khẩu hàng hóa bị bán phá giá quy định tại điểm a khoản này với thiệt hại của ngành sản xuất trong nước quy định tại điểm b khoản này.
2. Không áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu có biên độ bán phá giá không vượt quá 2% giá xuất khẩu hàng hóa vào Việt Nam.
3. Trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ một nước có khối lượng hoặc số lượng không vượt quá 3% tổng khối lượng hoặc số lượng hàng hóa tương tự nhập khẩu vào Việt Nam và tổng khối lượng hoặc số lượng hàng hóa có xuất xứ từ các nước đáp ứng điều kiện trên không vượt quá 7% tổng khối lượng hoặc số lượng hàng hóa tương tự nhập khẩu vào Việt Nam thì các nước này được loại khỏi phạm vi áp dụng biện pháp chống bán phá giá.
|
3
|
Điều 8. Căn cứ tiến hành điều tra
1. Việc điều tra để áp dụng biện pháp chống bán phá giá được thực hiện khi có hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá của tổ chức, cá nhân đại diện cho ngành sản xuất trong nước.
Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá được coi là đại diện cho ngành sản xuất trong nước khi có hai điều kiện sau đây:
a) Khối lượng, số lượng hoặc trị giá hàng hoá do họ sản xuất hoặc đại diện chiếm ít nhất 25% tổng khối lượng, số lượng hoặc trị giá hàng hoá tương tự của ngành sản xuất trong nước;
b) Khối lượng, số lượng hoặc trị giá của hàng hoá quy định tại điểm a khoản này và của các nhà sản xuất trong nước ủng hộ việc nộp hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá phải lớn hơn khối lượng, số lượng hoặc trị giá hàng hoá tương tự của các nhà sản xuất trong nước phản đối yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá.
2. Bộ trưởng Bộ Thương mại có thể ra quyết định điều tra khi có bằng chứng rõ ràng về việc bán phá giá hàng hoá gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước.
|
Điều 79. Căn cứ tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá
1. Việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá được thực hiện khi có hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá của tổ chức, cá nhân đại diện cho ngành sản xuất trong nước.
2. Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá được coi là đại diện cho ngành sản xuất trong nước khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Tổng khối lượng hoặc số lượng hàng hóa tương tự được sản xuất của các nhà sản xuất trong nước nộp hồ sơ và các nhà sản xuất trong nước ủng hộ việc yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá phải lớn hơn tổng khối lượng hoặc số lượng hàng hóa tương tự được sản xuất của các nhà sản xuất trong nước phản đối việc yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá;
b) Tổng khối lượng hoặc số lượng hàng hóa tương tự được sản xuất của các nhà sản xuất trong nước nộp hồ sơ và các nhà sản xuất trong nước ủng hộ việc yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá chiếm ít nhất 25% tổng khối lượng hoặc số lượng hàng hóa tương tự được sản xuất của ngành sản xuất trong nước.
3. Bộ trưởng Bộ Công Thương có trách nhiệm quyết định điều tra khi có bằng chứng rõ ràng về việc nhập khẩu hàng hóa bị bán phá giá gây ra thiệt hại đáng kể hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.
|
4
|
Điều 12. Nội dung điều tra để áp dụng biện pháp chống bán phá giá
1. Xác định hàng hóa bán phá giá vào Việt Nam và biên độ bán phá giá
2. Xác định thiệt hại đáng kể hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước trên cơ sở xem xét các nội dung sau:
a) Khối lượng, số lượng hoặc trị giá hàng hóa bán phá giá vào Việt Nam so với khối lượng, số lượng hoặc trị giá hàng hóa tương tự được sản xuất hoặc tiêu thụ trong nước đã, đang hoặc sẽ tăng lên đáng kể một cách tuyệt đối hoặc tương đối;
b) Tác động về giá của hàng hóa bị yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá đến việc phải hạ giá hoặc kìm hãm khả năng tăng giá hợp lý của hàng hoá tương tự trong nước;
c) Tác động xấu đến ngành sản xuất trong nước hoặc đến sự hình thành ngành sản xuất trong nước.
3. Quan hệ giữa việc bán phá giá hàng hoá vào Việt Nam với thiệt hại đáng kể hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước.
|
Điều 80. Nội dung điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá
1. Xác định hàng hóa bị bán phá giá nhập khẩu vào Việt Nam và biên độ bán phá giá bao gồm:
a) Xác định giá thông thường;
b) Xác định giá xuất khẩu;
c) Thực hiện việc so sánh công bằng giữa giá thông thường với giá xuất khẩu và xác định biên độ bán phá giá cụ thể của hàng hóa thuộc đối tượng điều tra cho từng tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu hàng hóa bị điều tra (sau đây gọi là nhà sản xuất, xuất khẩu).
2. Xác định thiệt hại đáng kể hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.
3. Xác định mối quan hệ nhân quả giữa việc nhập khẩu hàng hóa bị bán phá giá với thiệt hại đáng kể hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.
4. Xác định tác động của biện pháp chống bán phá giá đối với kinh tế - xã hội.
|
5
|
Điều 20. Áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời
1. Sau sáu mươi ngày, kể từ ngày có quyết định điều tra, căn cứ vào kết luận sơ bộ, Bộ trưởng Bộ Thương mại có thể ra quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời.
2. Thuế suất thuế chống bán phá giá tạm thời không được vượt quá biên độ bán phá giá trong kết luận sơ bộ.
3. Thuế chống bán phá giá tạm thời có thể được bảo đảm thanh toán bằng tiền mặt đặt cọc hoặc được bảo đảm bằng các biện pháp khác theo quy định của pháp luật.
4. Thời hạn áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời không được quá một trăm hai mươi ngày, kể từ ngày có quyết định áp dụng biện pháp này.
5. Khi có yêu cầu của các nhà xuất khẩu hàng hóa tương tự, Bộ trưởng Bộ Thương mại có thể gia hạn áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời nhưng không quá sáu mươi ngày.
Điều 21. Áp dụng biện pháp cam kết
1. Sau khi có kết luận sơ bộ và trước khi kết thúc giai đoạn điều tra, tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc xuất khẩu hàng hoá thuộc đối tượng điều tra có thể đưa ra cam kết với Bộ Thương mại, với các nhà sản xuất trong nước về một hoặc các nội dung sau đây:
a) Điều chỉnh giá bán;
b) Tự nguyện hạn chế khối lượng, số lượng hoặc trị giá hàng hoá bán phá giá vào Việt Nam.
2. Bộ trưởng Bộ Thương mại có thể chấp nhận, không chấp nhận hoặc đề nghị điều chỉnh nội dung cam kết nhưng không được ép buộc các bên phải cam kết.
3. Cơ quan điều tra công bố công khai nội dung cam kết cho các bên liên quan đến quá trình điều tra được biết.
4. Trường hợp không chấp nhận cam kết của các bên liên quan, Bộ trưởng Bộ Thương mại phải thông báo lý do không chấp nhận cam kết đó và cho tiếp tục tiến hành điều tra để áp dụng biện pháp chống bán phá giá theo quy định của Pháp lệnh này.
5. Bộ trưởng Bộ Thương mại ra quyết định đình chỉ điều tra chống bán phá giá và áp dụng biện pháp cam kết nếu xét thấy việc thực hiện cam kết đó không gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước.
Các bên có cam kết phải định kỳ cung cấp cho cơ quan điều tra thông tin, tài liệu liên quan đến việc thực hiện cam kết và chứng minh tính chính xác của các thông tin đó theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Thương mại.
6. Trường hợp các bên liên quan không thực hiện đúng theo cam kết, gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước, Bộ trưởng Bộ Thương mại ra quyết định tiếp tục tiến hành điều tra để áp dụng biện pháp chống bán phá giá hoặc ra quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá theo quy định của Pháp lệnh này.
Điều 22. Áp dụng thuế chống bán phá giá
1. Trường hợp không đạt được cam kết quy định tại Điều 21 của Pháp lệnh này, căn cứ vào kết luận cuối cùng và kiến nghị của Hội đồng xử lý vụ việc chống bán phá giá, Bộ trưởng Bộ Thương mại ra quyết định áp dụng hay không áp dụng thuế chống bán phá giá.
2. Thuế suất thuế chống bán phá giá không được vượt quá biên độ bán phá giá trong kết luận cuối cùng.
3. Thời hạn áp dụng thuế chống bán phá giá không quá năm năm, kể từ ngày có quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá.
4. Thời hạn áp dụng thuế chống bán phá giá có thể được gia hạn trong trường hợp Bộ trưởng Bộ Thương mại ra quyết định rà soát việc áp dụng thuế chống phá giá theo quy định tại Chương IV của Pháp lệnh này.
5. Cơ quan điều tra thông báo bằng phương thức thích hợp quyết định áp dụng hay không áp dụng thuế chống bán phá giá cho các bên liên quan đến quá trình điều tra.
Điều 23. Áp dụng thuế chống bán phá giá có hiệu lực trở về trước
1. Trường hợp kết luận cuối cùng xác định có thiệt hại đáng kể hoặc có đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước và thuế chống bán phá giá tạm thời đã được áp dụng trước khi có kết luận cuối cùng thì thuế chống bán phá giá được áp dụng có hiệu lực trở về trước.
2. Thuế chống bán phá giá được áp dụng có hiệu lực trở về trước đối với hàng hoá nhập khẩu trong thời hạn chín mươi ngày trước khi áp dụng biện pháp tạm thời nếu có hai điều kiện sau đây:
a) Hàng hoá nhập khẩu đó bị bán phá giá;
b) Khối lượng, số lượng hoặc trị giá hàng hoá bán phá giá vào Việt Nam tăng nhanh đột biến gây ra thiệt hại khó có khả năng khắc phục cho ngành sản xuất trong nước.
3. Không truy thu khoản chênh lệch về thuế khi áp dụng mức thuế chống bán phá giá trong kết luận cuối cùng cao hơn mức thuế chống bán phá giá tạm thời quy định tại Điều 20 của Pháp lệnh này.
4. Hoàn lại khoản chênh lệnh về thuế khi áp dụng mức thuế chống bán phá giá trong kết luận cuối cùng thấp hơn mức thuế chống bán phá giá tạm thời quy định tại Điều 20 của Pháp lệnh này.
5. Trường hợp Bộ trưởng Bộ Thương mại ra quyết định không áp dụng thuế chống bán phá giá thì thuế chống bán phá giá tạm thời đã được thu hoặc các khoản bảo đảm thanh toán thuế chống bán phá giá tạm thời quy định tại Điều 20 của Pháp lệnh này sẽ được hoàn lại.
|
Điều 81. Áp dụng biện pháp chống bán phá giá
1. Việc áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời do Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định căn cứ vào kết luận sơ bộ của Cơ quan điều tra. Mức thuế chống bán phá giá tạm thời không được vượt quá biên độ bán phá giá trong kết luận sơ bộ.
Thời hạn áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời là không quá 120 ngày kể từ ngày quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời có hiệu lực. Khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân xuất khẩu hàng hóa tương tự vào Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương có thể gia hạn áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời nhưng không quá 60 ngày.
2. Việc áp dụng biện pháp cam kết được thực hiện như sau:
a) Sau khi có kết luận sơ bộ và trước khi kết thúc điều tra, nhà sản xuất, xuất khẩu hàng hóa bị điều tra có thể đưa ra cam kết với Cơ quan điều tra về việc tự nguyện điều chỉnh giá bán hoặc tự nguyện hạn chế khối lượng, số lượng hàng hóa bị điều tra xuất khẩu vào Việt Nam;
b) Cơ quan điều tra có thể chấp nhận, không chấp nhận hoặc đề nghị điều chỉnh nội dung cam kết trên cơ sở lấy ý kiến của tổ chức, cá nhân đại diện cho ngành sản xuất trong nước.
3. Việc áp dụng thuế chống bán phá giá được thực hiện như sau:
a) Trường hợp không đạt được cam kết quy định tại khoản 2 Điều này, sau khi kết thúc điều tra, Cơ quan điều tra công bố kết luận cuối cùng về các nội dung điều tra quy định tại Điều 80 của Luật này. Kết luận cuối cùng của Cơ quan điều tra và các căn cứ chính để ban hành kết luận cuối cùng phải được thông báo bằng phương thức thích hợp cho các bên liên quan trong vụ việc điều tra;
b) Căn cứ vào kết luận cuối cùng của Cơ quan điều tra, Bộ trưởng Bộ Công Thương ra quyết định áp dụng hay không áp dụng thuế chống bán phá giá;
c) Mức thuế chống bán phá giá không được vượt quá biên độ bán phá giá trong kết luận cuối cùng;
d) Thời hạn áp dụng thuế chống bán phá giá là không quá 05 năm kể từ ngày quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá có hiệu lực, trừ trường hợp được gia hạn theo quy định tại khoản 2 Điều 82 của Luật này.
4. Việc áp dụng thuế chống bán phá giá có hiệu lực trở về trước được thực hiện như sau:
a) Trong trường hợp kết luận cuối cùng của Cơ quan điều tra xác định có thiệt hại đáng kể hoặc có đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương có thể quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá có hiệu lực trở về trước;
b) Thuế chống bán phá giá được áp dụng có hiệu lực trở về trước đối với hàng hóa nhập khẩu trong thời hạn 90 ngày trước khi áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời nếu hàng hóa nhập khẩu được xác định bị bán phá giá; khối lượng hoặc số lượng hàng hóa bị bán phá giá nhập khẩu vào Việt Nam tăng nhanh đột biến trong giai đoạn từ khi tiến hành điều tra đến khi áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời và gây ra thiệt hại khó có khả năng khắc phục cho ngành sản xuất trong nước.
|
6
|
Điều 24. Rà soát việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá
1. Sau một năm, kể từ ngày có quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá, Bộ trưởng Bộ Thương mại có quyền quyết định rà soát việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá khi có đề nghị của một hoặc nhiều bên có liên quan quy định tại Điều 11 của Pháp lệnh này và trên cơ sở xem xét các bằng chứng do bên đề nghị cung cấp.
2. Một năm trước ngày thời hạn quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá hết hiệu lực, Bộ trưởng Bộ Thương mại ra quyết định rà soát việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá.
3. Cơ quan điều tra tiến hành rà soát việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá theo quy định tại các điều 9, 10, 11, 12, 13, 14 và 15 của Pháp lệnh này.
4. Việc tiến hành các thủ tục liên quan đến quá trình rà soát không được gây cản trở việc đang áp dụng biện pháp chống bán phá giá.
5. Thời hạn rà soát việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này là không quá mười hai tháng, kể từ ngày có quyết định rà soát.
Điều 25. Quyết định về kết quả rà soát việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá
Khi kết thúc rà soát việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá, Bộ trưởng Bộ Thương mại ra một trong các quyết định sau đây:
1. Tiếp tục áp dụng hoặc gia hạn áp dụng biện pháp chống bán phá giá;
2. Điều chỉnh mức thuế chống bán phá giá tương ứng với kết quả rà soát;
3. Chấm dứt việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá.
|
Điều 82. Rà soát việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá
1. Việc rà soát theo đề nghị của bên liên quan trong vụ việc điều tra được thực hiện như sau:
a) Sau 01 năm kể từ ngày có quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá, Bộ trưởng Bộ Công Thương có quyền quyết định rà soát việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá theo đề nghị của một hoặc nhiều bên liên quan trong vụ việc điều tra và trên cơ sở xem xét các bằng chứng do bên đề nghị cung cấp;
b) Việc tiến hành các thủ tục liên quan đến quá trình rà soát không được gây cản trở việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đang có hiệu lực;
c) Thời hạn rà soát quy định tại khoản này là không quá 06 tháng kể từ ngày có quyết định rà soát, trong trường hợp cần thiết có thể gia hạn một lần nhưng không quá 03 tháng.
2. Việc rà soát cuối kỳ được thực hiện như sau:
a) 01 năm trước khi kết thúc thời hạn áp dụng biện pháp chống bán phá giá, Bộ trưởng Bộ Công Thương ra quyết định tiến hành rà soát cuối kỳ đối với việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá;
b) Nội dung của việc rà soát nhằm xác định sự cần thiết, tính hợp lý và tác động kinh tế - xã hội của việc tiếp tục áp dụng biện pháp chống bán phá giá;
c) Căn cứ vào kết quả rà soát của Cơ quan điều tra, Bộ trưởng Bộ Công Thương ra quyết định gia hạn hoặc không gia hạn việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá;
d) Thời hạn rà soát cuối kỳ là không quá 09 tháng kể từ ngày có quyết định rà soát, trong trường hợp cần thiết có thể gia hạn một lần nhưng không quá 03 tháng.
3. Việc rà soát đối với nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài không bán hàng hóa bị điều tra vào lãnh thổ Việt Nam trong giai đoạn điều tra ban đầu nhưng sau đó xuất khẩu hàng hóa đó vào lãnh thổ Việt Nam (sau đây gọi là nhà xuất khẩu mới) được thực hiện như sau:
a) Nhà xuất khẩu mới có thể nộp hồ sơ yêu cầu Cơ quan điều tra tiến hành rà soát và xác định mức thuế chống bán phá giá riêng;
b) Căn cứ vào kết quả rà soát của Cơ quan điều tra, Bộ trưởng Bộ Công Thương ra quyết định áp dụng mức thuế chống bán phá giá riêng cho nhà xuất khẩu mới được rà soát;
c) Thời hạn rà soát đối với nhà xuất khẩu mới là không quá 03 tháng kể từ ngày có quyết định rà soát, trong trường hợp cần thiết có thể gia hạn 01 lần nhưng không quá 03 tháng.
4. Việc rà soát phạm vi hàng hóa bị áp dụng biện pháp chống bán phá giá được thực hiện như sau:
a) Các bên liên quan trong vụ việc điều tra có thể yêu cầu Cơ quan điều tra rà soát phạm vi hàng hóa bị áp dụng biện pháp chống bán phá giá;
b) Hồ sơ yêu cầu rà soát bao gồm các bằng chứng và thông tin chứng minh việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá với toàn bộ hàng hóa bị áp dụng biện pháp chống bán phá giá là không phù hợp;
c) Căn cứ vào kết luận rà soát của Cơ quan điều tra, Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định việc điều chỉnh phạm vi hàng hóa thuộc đối tượng bị áp dụng biện pháp chống bán phá giá;
d) Thời hạn rà soát phạm vi hàng hóa bị áp dụng biện pháp chống bán phá giá là không quá 06 tháng kể từ ngày có quyết định rà soát, trong trường hợp cần thiết có thể gia hạn một lần nhưng không quá 03 tháng.
|