Giáo dục của Việt Nam được xem là bị tụt hậu xa so với thế giới, trong những năm qua đã chứng kiến rất nhiều thay đổi trong giáo dục từ cấp tiểu học cho đến tuyển sinh đại học. Cùng điểm lại một số thay đổi này nhé:
Không cho điểm, giáo viên tự sáng tạo ra cách nhận xét
Để tránh áp lực và lo lắng cho học sinh và phụ huynh bậc tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra Thông tư số 30/2014/TT/BGDĐT ban hành ngày 28/8/2014 chỉ đạo các Sở Giáo dục thực hiện đánh giá định kỳ đối với học sinh tiểu học.
Theo đó, việc kiểm tra định kỳ chỉ dùng để kiểm chứng học sinh, không được dùng để so sánh thành tích rằng học sinh này giỏi hơn học sinh khác, không gây áp lực, lo lắng, băn khoăn cho học sinh và phụ huynh. Trước đây ở cấp tiểu học, mỗi năm có 2 học kỳ, và mỗi học kỳ có hai lần thi kiểm tra. Nay mỗi học kỳ chỉ có một lần thi kiểm tra có điểm.
Giáo viên sẽ thường xuyên kiểm tra và đánh giá học sinh bằng cách viết lời phê vào vở học sinh chứ không cho điểm, những đánh giá theo chiều hướng tích cực để động viên học sinh học tốt hơn chứ không phải là phê bình.
Năm 2015, các trường tiểu học trên cả nước tiếp tục thực hiện Thông tư này, từ đó giáo dục tiểu học đã có sự thay đổi lớn, giáo viên không cho điểm mà phải sáng tạo ra lời phê hay lên, khen động viên học sinh
Với những thay đổi này, giáo dục cấp tiểu học đã bớt đi áp lực đối với trẻ em Việt Nam, học sinh không còn chán nản bài vở như trước, đồng thời cũng giúp các em phát huy tính sáng tạo.
Cấm thi tuyển vào lớp 6, bỏ trường chuyên lớp chọn
Trong những năm gần đây, Bộ Giáo dục đã cấm thi tuyển sinh vào lớp 6, các trường tuyển sinh theo địa bàn, học sinh thuộc hộ khẩu ở đâu sẽ học tại trường đó, việc này giúp giáo dục Việt Nam loại bỏ trường chuyên lớp chọn vốn là vấn nạn từ trước đến nay.
Kết quả thi tốt nghiệp PTTH là căn cứ xét đậu đại học
Năm 2015 cũng là năm Bộ Giáo dục đổi mới thi tốt nghiệp PTTH và Đại học, qua đó kết quả thi tốt nghiệp PTTH sẽ được làm căn cứ để xét tuyển đại học.
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT gồm 4 môn tối thiểu, trong đó có 3 môn bắt bắt buộc và 1 môn tự chọn. Ngoài 4 môn trên thí sinh có thể đăng ký thêm các môn khác nữa để xét vào các trường đại học. Các trường sau khi nhận hồ sơ của thí sinh, sẽ chọn các học sinh có số điểm từ cao xuống thấp cho đến khi vừa đủ số lượng chỉ tiêu. Việc nộp hồ sơ này khiến các thí sinh bất an không biết mình có đậu hay không, nhiều thí sinh đạt 8, 9 điểm mỗi môn nhưng nếu nộp hồ sơ vào các trường thuộc hạng TOP vẫn rất lo lắng. Nhiều thí sinh sau khi nộp hồ sơ, theo thông tin do trường cập nhật thì tên mình đang nằm trong số chỉ tiêu được chọn, sau đó các thí sinh khác cũng nộp hồ sơ vào, sau 3 ngày trường cập nhật lại thì nhiều thí sinh bị rơi ra ngoài chỉ tiêu của trường, tức bị rớt nên lại phải lên trường rút hồ sơ ra nộp trường khác.
Có thí sinh tới nơi để rút hồ sơ ra, thì thấy tên của mình đã được đôn lên trên gần với số chỉ tiêu được chọn (do nhiều thí sinh khác đã rút hồ sơ trước), nên khoan chưa rút hồ sơ mà hồi hộp chờ đợi. Trong khi đó, những thí sinh có điểm cao lại rất ung dung, không nộp hồ sơ ngay, mà chỉ theo dõi diễn biến, và đợi đến những ngày cuối cùng mới nộp. Việc rút hay nộp hồ sơ trở nên rất khó khăn khi đến có hàng trăm thí sinh đến nộp hay rút hồ sơ cùng một lúc
Vào giây phút kết thúc thời gian nộp hồ sơ đợt 1 là hình ảnh thí sinh cùng phụ huynh chạy đôn chạy đáo nộp hồ sơ cho kịp, và giọt nước mắt lăn trên gò má các thí sinh đã khép lại kỳ xét tuyển đại học nguyện vọng 1.
Phương án dùng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển ĐH tưởng chừng sẽ tiết kiệm chi phí đi lại cho kỳ thi đại học. Thế nhưng thực tế, phụ huynh và thí sinh các tỉnh xa cũng vẫn phải thuê trọ ở các thành phố để theo dõi việc rút nộp hồ sơ, mà chi phí còn tốn kém hơn do thời gian lâu hơn.
Nhiều thí sinh đã phải rút hồ sơ trường mình thích để nộp vào trường mình không thích, từ bỏ ước mơ của mình, khiến không có đam mê trong học tập, ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục.
Nhưng dù sao vẫn phải ghi nhận sự cố gắng thay đổi của Bộ Giáo dục. Người xưa có câu “vạn sự khởi đầu nan”, dù có những điểm chưa hoàn thiện nhưng so với cách tuyển sinh trước đây, thì năm nay đã có những thay đổi. Và hy vọng sang năm Bộ Giáo dục sẽ có những điều chỉnh thích hợp, để không còn cảnh náo loạn nộp rồi rút hồ sơ như năm nay nữa.
Ngừng tuyển sinh hệ cao đẳng và trung cấp
Năng suất lao động Việt Nam ngày càng kém xa các nước trong khu vực, tỷ lệ sinh viên thất nghiệp rất cao, báo Pháp Luật và Đời Sống đưa tin, thống kê đầu năm 2015 cho thấy có 280.000 cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp (chưa tính hệ cao đẳng và trung cấp), dự kiến sau 4 năm con số này sẽ tăng gấp đôi.
Đứng trước thực trạng này, năm 2015, Bộ Giáo dục đã phải ra lộ trình “giảm đến dừng” tuyển sinh hệ cao đẳng và trung cấp.
Đối với hệ cao đẳng thì chỉ tiêu tuyển sinh mỗi năm giảm 30%, và dừng tuyển sinh hệ này trước năm 2020.
Cơ sở giáo dục đại học đang đào tạo trung cấp phải dừng tuyển sinh đào tạo trình độ này trước năm 2017.
Năng suất lao động kém, thất nghiệp ngày càng cao, Bộ Giáo dục phải ra quy định ngừng tuyển sinh cao đẳng và trung cấp cho thấy giáo dục Việt Nam đang gặp khủng hoảng nghiêm trọng
Gia đình là nơi cuộc sống bắt đầu và tình yêu không bao giờ kết thúc.