Hiện nay việc làm thẻ Căn cước công dân (CCCD) được triển khai mạnh mẽ trên cả nước, thừa kế từ Chứng minh nhân dân cũ thì CCCD vẫn giữ lại ảnh thẻ trên giấy tờ tùy thân.
Vì thế, để có một bức ảnh hợp lệ thì người làm thủ tục cấp thẻ CCCD cũng cần phải mặc trang phục phù hợp. Ảnh CCCD được sử dụng để nhận diện nhân thân khi có yêu cầu xuất trình thẻ để thực hiện các thủ tục hành chính. Vậy, khi đi làm CCCD thì nên mặc đồ gì và quy định ra sao?
1. Quy định người khi chụp ảnh CCCD như thế nào?
Căn cứ khoản 4 Điều 5 Thông tư 60/2021/TT-BCA quy định người làm CCCD khi chụp ảnh chân dung của công dân tuân thủ các quy định sau:
Ảnh chân dung của công dân khi làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân là ảnh màu, phông nền trắng, chụp chính diện, đầu để trần, rõ mặt, rõ hai tai, không đeo kính.
Về phần trang phục, tác phong phải nghiêm túc, lịch sự. Đối với trường hợp công dân theo tôn giáo, dân tộc thì được mặc lễ phục tôn giáo, trang phục dân tộc đó, nếu có khăn đội đầu thì được giữ nguyên nhưng phải đảm bảo rõ mặt, rõ hai tai.
Theo đó, pháp luật không hề bắt buộc người làm CCCD phải mặc một trang phục cụ thể nào đó và cũng không ngăn cấm trang phục nào nhưng có quy định phải nghiêm túc và lịch sự.
Do đó, người dân khi đi chụp nên lựa chọn các trang phục đơn giản và lịch sự để tạo thiện cảm cũng như dễ nhận diện. Tránh các trang phục che khuất gương mặt, trang điểm lòe loẹt làm mất các đặc điểm nhận nhạn.
2. Chụp ảnh xấu có được chụp lại CCCD?
Chụp ảnh cho CCCD là một trong các thủ tục bắt buộc và phải theo một trình tự nhất định đối với mỗi công dân khi làm CCCD. Khi làm CCCD, cán bộ hướng dẫn sẽ thu nhận vân tay, sau đó chụp ảnh chân dung; in Phiếu thu nhận thông tin CCCD, Phiếu thu thập thông tin dân cư (nếu có), Phiếu cập nhật, chỉnh sửa thông tin dân cư (nếu có) cho công dân kiểm tra và ký.
Tại bước cuối cùng thì khi nhận phiếu thu nhận thông tin CCCD người dân có thể xem lại hình ảnh của mình trước khi xác nhận được đưa lên cơ sở dữ liệu quốc gia và in ra làm thẻ CCCD.
Việc thay đổi ảnh chân dung trên CCCD thực ra ko có quy định nhưng có thể thỏa thuận với cán bộ thực hiện nếu ảnh bị khuất, che mất đặc điểm nhận dạng hoặc ảnh phản cảm. Còn việc ảnh xấu thì sẽ rất khó thay đổi vì người làm CCCD sẽ khá đông mà để chụp lại cho đẹp sẽ làm khó cán bộ hướng dẫn làm thẻ.
3. Khi nào được cấp đổi lại thẻ CCCD?
Công dân được phép đổi lại thẻ CCCD của mình nếu thuộc các trường hợp được quy định tại Điều 23 Luật Căn cước công dân 2014 về việc đổi, cấp lại thẻ CCCD khi:
(1) Các trường hợp được đổi thẻ CCCD
- Thẻ CCCD phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.
- Thẻ bị hư hỏng không sử dụng được.
- Thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng.
- Xác định lại giới tính, quê quán.
- Có sai sót về thông tin trên thẻ Căn cước công dân.
- Khi công dân có yêu cầu.
(2) Các trường hợp cấp lại thẻ CCCD
- Bị mất thẻ Căn cước công dân.
- Được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật quốc tịch Việt Nam 2008.
4. Thủ tục đổi, cấp lại thẻ CCCD
Bước 1: Điền vào tờ khai theo mẫu quy định.
Bước 2: Người được giao nhiệm vụ thu thập, cập nhật thông tin, tài liệu kiểm tra, đối chiếu thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác định chính xác người cần cấp thẻ CCCD.
Trường hợp chưa có thông tin thì xuất trình các giấy tờ hợp pháp về những thông tin cần ghi trong tờ khai theo mẫu quy định.
Bước 3: Cán bộ cơ quan quản lý căn cước công dân chụp ảnh, thu thập vân tay của người đến làm thủ tục.
- Cán bộ cơ quan quản lý CCCD cấp giấy hẹn trả thẻ CCCD cho người đến làm thủ tục.
- Trả thẻ CCCD theo thời hạn và địa điểm trong giấy hẹn.
Trường hợp đổi thẻ CCCD do thay đổi thông tin quy định tại các điểm c, d và đ khoản 1 Điều 23 Luật Căn cước công dân 2014 mà chưa có thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì công dân nộp bản sao văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc thay đổi các thông tin này.
Bên cạnh đó, khi cấp thẻ CCCD mới thì thẻ cũ sẽ được thu lại.
Như vậy, khi đi làm thẻ CCCD thì công dân cần mặc đồ và trang điểm một cách lịch sự, trang nhã. Dễ nhận biết, không tạo dáng, mặc đồ phản cảm, trường hợp muốn thực hiện lại ảnh chụp chân dung thì công dân có thể thỏa thuận với cán bộ thực hiện.