Phòng Công chứng số 2 (Sở Tư pháp TP.HCM) vừa lập biên bản tạm giữ một giấy đỏ nghi vấn làm giả và chuyển công an làm rõ. Ông Lê Ngọc Tình - Phó Trưởng phòng Công chứng số 2, công chứng viên thụ lý hồ sơ trên kể lại vớiPháp Luật TP.HCM: “Ngày 15-10, tôi tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng một thửa đất ở quận 6. Rà soát hợp đồng, kiểm tra các giấy tờ, thông tin lịch sử... thì thấy việc chuyển nhượng có căn cứ pháp lý. Tuy nhiên, khi cầm bản chính “giấy đỏ” thì tôi có cảm giác là lạ. Giấy này rất bóng, mịn, trơn láng, không giống loại giấy dùng để làm giấy đỏ”.
Râu ông nọ cắm cằm bà kia
. Phóng viên: Căn cứ vào các chi tiết nào mà ông nghi ngờ giấy đỏ trên có vấn đề, thưa ông?
+ Ông Lê Ngọc Tình: Tháng 5-2015, chủ đất (được UBND TP cấp giấy vào năm 2001) đã công chứng bán cho ông C. Ngày
15-10, ông C. đến Phòng Công chứng số 2 đề nghị làm thủ tục bán lại thửa đất trên. Trong chương trình quản lý hồ sơ công chứng có ghi nhận việc chuyển nhượng từ tháng 5-2015 và ông C. có quyền sử dụng đất với thửa đất trên, không có giả mạo gì về chủ sở hữu.
Nhưng khi cầm giấy đỏ được cấp cách nay khoảng 15 năm, tôi thấy các nếp gấp giấy được dán băng keo nhưng màu sắc, nếp gấp, màu nền giấy và màu chữ lại khá mới. Nó không giống các giấy đỏ đã được cấp hàng chục năm. Ngoài ra, bằng nghiệp vụ, chúng tôi còn phát hiện nhiều chi tiết khác (ông Tình soi kính lúp chỉ rõ cho PV nhưng đề nghị không nêu cụ thể - NV) cũng khiến tôi nghi vấn. Do đó tôi trì hoãn việc công chứng để làm rõ.
. Khi yêu cầu công chứng không được đáp ứng, các bên đã phản ứng thế nào?
+ Từ các căn cứ trên, tôi thông báo nghi vấn về giấy đỏ là giả nên không thể công chứng giao dịch. Thế là cả bên bán cho rằng chúng tôi đặt chuyện làm khó và còn dọa sẽ “làm lớn” chuyện. Họ chất vấn vì sao cùng giấy này vào tháng 5-2015 đã được công chứng rồi mang đi đăng bộ, nay bán lại thì bị từ chối công chứng.
Ông C. đã gọi điện thoại kêu người nhà đem bản sao khi nhận chuyển nhượng hồi tháng 5-2015 đến. Thật bất ngờ, bản phôtô giấy đỏ trong hồ sơ chuyển nhượng lần trước có thông tin khác với bản chính trong hồ sơ lần này. Thông tin trong bản phôtô lại phù hợp với quy định và thực tế. Ví dụ, trong bản phôtô, người ký là Phó Chủ tịch UBND Vũ Hùng Việt, đóng dấu là UBND TP. Vậy nhưng ở phần con dấu của bản chính giấy đỏ yêu cầu công chứng hôm 15-10 ghi là UBND quận 6. Chi tiết này là không phù hợp.
Trước các nghi vấn nêu trên, chúng tôi đã lập biên bản tạm giữ giấy để chuyển sang công an làm rõ.
Bản phôtô giấy đỏ thật (trên) và bản chính giấy đỏ nghi vấn là giấy giả. Ảnh: QN
Trả tiền tỉ “vớ” phải đồ giả
. Người mua có phản ứng thế nào khi may mắn không mua nhầm thửa đất mà giấy đỏ có nghi vấn, thưa ông?
+ Người mua nói họ đã đặt cọc 60 triệu đồng để mua thửa đất trên. Họ mong muốn giao dịch sớm hoàn tất. Vì vậy, khi chúng tôi đặt vấn đề nghi ngờ giấy đỏ được làm giả, ban đầu họ tỏ vẻ khó chịu. Đến khi chúng tôi chỉ ra những điểm bất hợp lý của bản chính giấy đỏ và phân tích về các rủi ro thì họ vui mừng và cảm ơn. Nếu không họ có thể sẽ mất vài tỉ đồng.
. Ông có thể nói rõ hơn nguyên nhân nạn làm giả giấy tờ và hậu quả pháp lý cho người mua?
+ Trong trường hợp trên, chúng tôi chưa kết luận mà phải chuyển cho cơ quan điều tra. Chúng tôi cũng liên hệ UBND quận 6 để xác thực việc nộp lệ phí, ghi nhận chuyển nhượng lần trước... Từ các kết quả này mới có thể kết luận.
Trong thực tế, lý do làm giả giấy đỏ thì rất nhiều. Chẳng may người nào đó mua nhà, đất “trúng” phải giấy tờ giả thì sau khi trả tiền, nhận chuyển nhượng họ vẫn không thể chuyển qua tên mình được. Tất nhiên, họ cũng không thể dùng nhà, đất đó thế chấp vay ngân hàng. Thậm chí nếu giao dịch bằng giấy giả và dù đã trả tiền rồi thì vẫn có thể bị tuyên hủy giao dịch. Bản thân công chứng viên cũng sẽ gặp nhiều rắc rối nếu để “lọt lưới” việc sử dụng giấy tờ mà sau này xác minh là giả.