Điều 664 BLDS 2005 quy định về sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc chung của vợ, chồng như sau:
"1. Vợ, chồng có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc chung bất cứ lúc nào.
2. Khi vợ hoặc chồng muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc chung thì phải được sự đồng ý của người kia; nếu một người đã chết thì người kia chỉ có thể sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản của mình".
Quy định về việc vợ chồng có thể lập di chúc chung để định đoạt tài sản chung là một chế định hợp thực tiễn. Vợ chồng cùng chung sống, cùng tạo lập nên tài sản chung, cùng định đoạt tài sản chung trong các giao dịch dân sự và do vậy, cũng có quyền lập di chúc chung để cùng để lại tài sản của mình cho một ai đó. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là khi có sự thay đổi của một người mà không có sự đồng ý của người kia thì giải quyết thế nào?
Việc lập di chúc để định đoạt tài sản, về mặt bản chất, là khác hoàn toàn so với việc định đoạt tài sản trong các giao dịch dân sự như mua bán, tặng cho…. Nghĩa là họ có quyền tự mình định đoạt phần tài sản của mình bằng hình thức để lại cho người khác thừa kế mà không cần thiết phải có sự đồng ý bằng văn bản của đồng chủ sở hữu khác như trong các giao dịch dân sự thông thường. Do vậy, việc quy định khi vợ hoặc chồng muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc thì phải có sự đồng ý của người kia, là không cần thiết bởi lẽ chỉ cần có sự thay đổi ý kiến của một bên vợ hoặc chồng thì phần định đoạt chung đương nhiên không còn giá trị. Pháp luật không cấm sau khi lập di chúc chung thì vợ hoặc chồng không thể lập di chúc riêng, do đó giả sử có di chúc chung nhưng sau đó lại có di chúc riêng thì vẫn phải công nhận di chúc riêng và trong trường hợp này di chúc chung đương nhiên không còn giá trị cho dù không có sự đồng thuận của vợ chồng.
Tuy nhiên, BLDS 2015 đã bỏ chế định di chúc chung của vợ chồng.