Đề xuất: Từ 01/01/2025, không còn được sử dụng CMND

Chủ đề   RSS   
  • #597171 18/01/2023

    xuanuyenle
    Top 25
    Dân Luật bậc 1

    Vietnam
    Tham gia:02/08/2022
    Tổng số bài viết (2349)
    Số điểm: 81119
    Cảm ơn: 84
    Được cảm ơn 1695 lần


    Đề xuất: Từ 01/01/2025, không còn được sử dụng CMND

    Theo Dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Bộ Công an đề xuất thời hạn sử dụng chứng minh nhân dân (CMND) đến hết ngày 31/12/2024.

    Ngày 13/01/2023, Bộ Công an bắt đầu lấy ý kiến dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) đến hết ngày 13/3/2023. Theo đó, nhiều điểm mới nổi bật, như sau:

    Cụ thể, theo Dự thảo Luật Căn cước công dân sửa đổi nêu rõ tại quy định chuyển tiếp theo hướng CMND còn thời hạn sử dụng đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì được sử dụng đến hết ngày ngày 31/12/2024.

    Ngoài ra, khi CMND hết hiệu lực thì các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ CMND vẫn nguyên hiệu lực pháp luật. 

    Cơ quan quản lý nhà nước không được quy định các thủ tục về đính chính, thay đổi thông tin liên quan đến Chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân trong các giấy tờ nêu trên.

    Về thời hạn sử dụng CMND, tại Thông tư 04/1999/TT-BCA(C13) hướng dẫn Nghị định 05/1999/NĐ-CP quy định, CMND có giá trị sử dụng 15 năm.

    Theo đó, mỗi công dân Việt Nam chỉ được cấp một CMND và có một số CMND riêng. Nếu có sự thay đổi hoặc bị mất CMND thì được làm thủ tục đổi, cấp lại một giấy CMND khác nhưng số ghi trên CMND vẫn giữ đúng theo số ghi trên CMND đã cấp.

    Còn theo khoản 2 Điều 38 Luật Căn cước công dân 2014, CMND đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định; khi công dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ Căn cước công dân.

    Như vậy, Luật Căn cước công dân 2014 cho phép sử dụng CMND đã cấp đến khi hết thời hạn quy định (15 năm). 

    Song dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) đã đề xuất CMND chỉ được sử dụng đến hết 31/12/2024.

    Về thời hạn sử dụng căn cước công dân (CCCD), Luật Căn cước công dân 2014 nêu rõ, thời hạn sử dụng căn cước công dân sẽ được in trực tiếp trên thẻ theo nguyên tắc: 

    Thẻ CCCD phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi. Trường hợp thẻ CCCD được cấp, đổi, cấp lại trong thời hạn 2 năm trước tuổi quy định nêu trên này thì vẫn có giá trị sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo.

    Theo thủ tục hiện hành công dân xin cấp căn cước công dân ở đâu?

    Theo quy định tại Điều 11 Thông tư 59/2021/TT-BCA quy định:

    Công dân đến cơ quan Công an có thẩm quyền tiếp nhận đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân nơi công dân thường trú, tạm trú để yêu cầu được cấp thẻ Căn cước công dân.

    Đồng thời, tại Điều 13 Thông tư 59/2021/TT-BCA quy định về nơi tổ chức thu nhận hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân cụ thể như sau:

    Nơi tổ chức thu nhận hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân

    - Cơ quan quản lý căn cước công dân Công an cấp huyện, cấp tỉnh bố trí nơi thu nhận và trực tiếp thu nhận hồ sơ đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân cho công dân có nơi đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú tại địa phương mình.

    - Cơ quan quản lý căn cước công dân Bộ Công an bố trí nơi thu nhận và trực tiếp tiếp nhận đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân cho những trường hợp cần thiết do thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước công dân Bộ Công an quyết định.

    Theo đó, công dân có thể yêu cầu cấp căn cước công dân gắn chip tại nơi thường trú hoặc tạm trú.

    1) Thủ tục làm căn cước công dân gắn chip lần đầu?

    Bước 1: Yêu cầu cấp thẻ căn cước công dân gắn chip

    Công dân trực tiếp đến cơ quan Công an có thẩm quyền để đề nghị cấp thẻ CCCD.

    Đối với trường hợp công dân đề nghị cấp thẻ CCCD trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an thì công dân lựa chọn dịch vụ, kiểm tra thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

    Đối với trường hợp thông tin đã chính xác thì đăng ký thời gian, địa điểm đề nghị cấp thẻ CCCD gắn chip thì hệ thống sẽ tự động chuyển đề nghị của công dân về cơ quan Công an nơi công dân đề nghị.

    Trường hợp công dân kiểm tra thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nếu thông tin của công dân chưa có hoặc có sai sót thì công dân mang theo giấy tờ hợp pháp để chứng minh nội dung thông tin khi đến cơ quan Công an nơi tiếp nhận đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân gắp chip.

    Bước 2: Tiếp nhận đề nghị cấp căn cước công dân gắn chip

    Đối với trường hợp tiếp nhận đề nghị cấp căn cước công dân gắn chip thì Cán bộ thu nhận thông tin công dân tìm kiếm thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lập hồ sơ cấp thẻ.

    Bước 3: Chụp ảnh, thu thập vân tay

    Cán bộ tiến hành mô tả đặc điểm nhân dạng của công dân, chụp ảnh, thu thập vân tay để in trên Phiếu thu nhận thông tin căn cước công dân gắn chip cho công dân kiểm tra, ký tên.

    Ảnh chân dung của công dân khi làm thủ tục cấp thẻ căn cước công dân là ảnh màu, phông nền trắng, chụp chính diện, đầu để trần, rõ mặt, rõ hai tai, không đeo kính; trang phục, tác phong nghiêm túc, lịch sự.

    Đối với trường hợp công dân theo tôn giáo, dân tộc thì được mặc lễ phục tôn giáo, trang phục dân tộc đó, nếu có khăn đội đầu thì được giữ nguyên nhưng phải đảm bảo rõ mặt, rõ hai tai.

    Bước 4: Trả kết quả

    Công dân nộp lệ phí, sau đó nhận giấy hẹn trả thẻ căn cước công dân. Người dân đi nhận căn cước công dân gắn chip tại cơ quan Công an nơi tiếp nhận hồ sơ theo thời gian ghi trên giấy hẹn hoặc trả qua đường bưu điện (công dân tự trả phí).

    2) Cấp đổi từ CMND qua CCCD gắn chíp

    Đối với trường hợp người dân cấp đổi từ CMND qua CCCD gắn chip thì thủ tục cấp đổi cụ thể như sau:

    Bước 1: Người dân đến cơ quan Công an có thẩm quyền để đề nghị đổi thẻ Căn cước công dân hoặc khai trên Cổng dịch vụ công trực tuyến.

    Bước 2: Cán bộ tiếp nhận đề nghị tìm kiếm thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lập hồ sơ cấp thẻ. Nếu chưa có thông tin trong Cơ sở dữ liệu thì công dân phải xuất trình một trong các loại giấy tờ hợp pháp chứng minh nội dung thông tin nhân thân.

    Bước 3: Trường hợp công dân đủ điều kiện, thủ tục thì cán bộ cơ quan quản lý căn cước công dân chụp ảnh, thu thập vân tay, đặc điểm nhận dạng của người đến làm thủ tục cấp thẻ căn cước công dân để in trên Phiếu thu nhận thông tin căn cước công dân.

    Bước 4: Nhận giấy hẹn trả thẻ căn cước công dân gắn chip.

    Công dân nhận giấy hẹn trả kết quả và nhận kết quả theo giấy hẹn.

     
    814 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn xuanuyenle vì bài viết hữu ích
    ThanhLongLS (18/01/2023)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận