Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 71/2020/NĐ-CP quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.
https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/8/06/du-thao-nd-sua-doi-71.doc Dự thảo Nghị định
(1) Đề xuất: Giáo viên đi học nâng chuẩn bằng kinh phí tự túc sẽ được thanh toán học phí
Theo Dự thảo Tờ trình, Bộ GD&ĐT nêu rõ, hiện còn nhiều giáo viên phải tự tìm cơ sở đào tạo, tự chi trả kinh phí đào tạo để đạt yêu cầu trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định
Cạnh đó, theo báo cáo của địa phương, thực tế có nhiều giáo viên phải tự tìm cơ sở đào tạo, tự túc kinh phí đào tạo, thậm chí có địa phương có 100% giáo viên thuộc đối tượng nâng trình độ chuẩn phải tự túc kinh phí.
Theo số liệu thống kê từ báo cáo của địa phương, tính từ thời điểm triển khai Nghị định 71/2020/NĐ-CP, số giáo viên tự túc kinh phí đi học nhiều hơn số giáo viên được cử đi và được hỗ trợ kinh phí theo quy định, cụ thể như sau:
Năm
|
Số giáo viên được hỗ trợ kinh phí đào tạo
|
Số giáo viên phải tự túc kinh phí đào tạo
|
Tỷ lệ giữa số phải tự túc kinh phí và số được hỗ trợ kinh phí
|
(1)
|
(2)
|
(3) = (2) / (1)
|
Năm 2022
|
9.326
|
16.160
|
Gấp 1,73 lần
|
Năm 2023
|
5.158
|
17.238
|
Gấp 3,34 lần
|
Tổng cộng
|
14.484
|
33.398
|
Gấp 2,31 lần
|
Theo đó, để khắc phục tình trạng nêu trên, tại Dự thảo Nghị định, Bộ GD&ĐT đã đưa ra đề xuất như sau:
- Bổ sung quy định thanh toán học phí đào tạo cho những giáo viên (thuộc đối tượng được đào tạo theo Nghị định 71/2020/NĐ-CP) đã tự đi học và được cấp bằng kể từ ngày 01/7/2020.
- Bổ sung quy định giáo viên được chủ động lựa chọn, đăng ký học nâng trình độ chuẩn trực tiếp với cơ sở đào tạo công lập khi ngành hoặc chuyên ngành mà giáo viên đăng ký đào tạo không đủ điều kiện để địa phương mở lớp theo phương thức giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng. Việc đào tạo nâng trình độ chuẩn phải được sự đồng ý bằng văn bản của hiệu trưởng hoặc giám đốc cơ sở giáo dục nơi giáo viên đang công tác và báo cáo cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp của cơ sở giáo dục.
(2) Giáo viên chưa đạt trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non vẫn được hưởng chính sách hỗ trợ
Đối với nội dung này, Dự thảo Tờ trình có nêu, giáo viên mầm non hiện chưa đạt trình độ chuẩn được đào tạo không được hưởng chế độ hỗ trợ theo quy định.
Cụ thể, tại Điều 10 Nghị định 105/2020/NĐ-CP có quy định giáo viên mầm non có trình độ đạt chuẩn theo quy định, trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ là con công nhân tại cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập ở địa bàn có khu công nghiệp, nơi có nhiều lao động có từ 30% trẻ em là con công nhân, người lao động thì được hỗ trợ tối thiểu 800.000 đồng/tháng. Mức hỗ trợ do HĐND cấp tỉnh quyết định.
Tuy nhiên, theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, tính đến hết năm học 2022-2023 (tháng 5 năm 2023), tại 51 tỉnh/thành phố thực hiện chính sách mới chỉ có 5.577/35.606 giáo viên mầm non đủ điều kiện hưởng hỗ trợ, chiếm tỷ lệ 15,7% (so với số giáo viên mầm non ở khu vực này).
Số giáo viên mầm non còn lại chưa được hưởng chính sách nêu trên là do đang có trình độ trung cấp sư phạm mầm non nên không đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo.
Theo đó, Bộ GD&ĐT có đề xuất bổ sung quy định trong thời gian thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo, những giáo viên chưa đạt trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 72 Luật Giáo dục 2019, làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp được hưởng chính sách theo quy định tại Điều 10 Nghị định 105/2020/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, Dự thảo Nghị định còn sửa đổi, bổ sung một số quy định khác có liên quan và để bảo đảm thực hiện đồng bộ với những nội dung sửa đổi nêu trên. Chẳng hạn như: Sửa đổi, bổ sung quy định về kinh phí thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên phù hợp với các phương thức đào tạo sửa đổi; sửa đổi quyền của giáo viên tham gia đào tạo nâng trình độ chuẩn để bảo đảm quyền được thanh toán học phí đào tạo nâng trình độ chuẩn; bổ sung trách nhiệm của Bộ Tài chính để các phương thức đào tạo được triển khai thuận lợi hơn trong thực tiễn; bỏ các từ “đấu thầu” trong quy định tại Nghị định 71/2020/NĐ-CP để bảo đảm phù hợp với việc điều chỉnh phương thức đào tạo.