Đề xuất công việc nấu ăn cho trường mầm non công lập là nghề nặng nhọc, độc hại

Chủ đề   RSS   
  • #611472 13/05/2024

    btrannguyen
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:13/03/2024
    Tổng số bài viết (1181)
    Số điểm: 23218
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 503 lần


    Đề xuất công việc nấu ăn cho trường mầm non công lập là nghề nặng nhọc, độc hại

    Vừa qua Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị bổ sung nghề nấu ăn ở trường mầm non vào danh mục nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Cụ thể qua bài viết sau đây.

    Đề xuất công việc nấu ăn cho trường mầm non công lập là nghề nặng nhọc, độc hại

    Vừa qua, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đề nghị Bộ giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) theo thẩm quyền nghiên cứu, đề xuất, đánh giá, quyết định bổ sung công việc “nấu ăn cho các trường mầm non công lập có từ 100 suất ăn trở lên” thuộc Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

    Trong văn bản gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, đây là nội dung trong đơn kiến nghị của nhân viên nuôi dưỡng đang công tác tại các trường mầm non công lập thuộc TP Hà Nội gửi về Tổng Liên đoàn.

    Đơn có nêu, các nhân viên nuôi dưỡng phải chuẩn bị từ 300 - 800 suất ăn mỗi ngày, diễn ra trong điều kiện thiếu đảm bảo, tiềm ẩn nhiều rủi ro, dễ ảnh hưởng đến sức khỏe, khả năng lao động như: môi trường ẩm ướt, tiếp xúc với nhiệt độ cao, tiếng ồn lớn, tư thế làm việc gò bó, thường xuyên làm việc với trang thiết bị dễ gây tai nạn, chịu ảnh hưởng từ các hóa chất tẩy rửa... Thực tế đã có nhiều nhân viên trong quá trình lao động đã gặp tai nạn, chịu thương tật vĩnh viễn.

    Tuy nhiên, theo quy định tại Thông tư 11/2020/TT-BLĐTBXH nghề nấu ăn cho từ 100 suất trở lên chỉ được công nhận là nghề nặng nhọc, độc hại nguy hiểm khi diễn ra tại "các nhà hàng, khách sạn, các bếp ăn tập thể" và trong lĩnh vực du lịch (điều kiện lao động loại IV). Còn lại thì công việc nấu ăn của nhân viên nuôi dưỡng cho các trường mầm non công lập lại không thuộc đối tượng trong danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

    Trên cơ sở nghiên cứu đơn phản ánh, các quy định hiện hành, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ LĐ-TB&XH theo thẩm quyền nghiên cứu, đề xuất, đánh giá, quyết định bổ sung công việc "nấu ăn cho các trường mầm non công lập có từ 100 suất ăn trở lên" thuộc Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

    Xem đầy đủ:

    Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm kèm theo Thông tư 11/2020/TT-BLĐTBXH: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/13/danh-muc.doc 

    Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm bổ sung kèm theo Thông tư 19/2023/TT-BLĐTBXH: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/13/danh-muc-bo-sung.docx 

    Nếu thuộc nhóm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm sẽ được hưởng quyền lợi gì?

    Chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm

    Theo Điều 103 Bộ luật Lao động 2019 quy định: Chế độ nâng lương, nâng bậc, phụ cấp, trợ cấp và các chế độ khuyến khích đối với người lao động được thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc quy định của người sử dụng lao động

    Nếu người lao động làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì mức phụ cấp độc hại, nguy hiểm sẽ tùy theo sự thỏa thuận giữa người lao động và đơn vị sử dụng lao động khi giao kết hợp đồng lao động.

    Thời gian làm việc

    Theo Khoản 3 Điều 105 Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm giới hạn thời gian làm việc tiếp xúc với yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại đúng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và pháp luật có liên quan.

    Nghỉ phép năm

    Theo khoản 1 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019, người lao động làm đủ 12 tháng cho người sử dụng lao động được nghỉ hằng năm hưởng nguyên lương như sau:

    - 14 ngày làm việc: Người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;

    - 16 ngày làm việc: Người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

    Ngoài ra, còn một số quyền lợi khác với NLĐ làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm như Lao động nữ làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo khoản 2 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019, người lao động cao tuổi theo khoản 3 Điều 149 Bộ luật Lao động 2019, người lao động là người khuyết tật theo khoản 2 Điều 160 Bộ luật Lao động 2019, người học nghề, tập nghề trong môi trường nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo khoản 4 Điều 61 Bộ luật Lao động 2019.

    Đồng thời, người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm còn được hưởng nhiều chế độ như:

    Chế độ hưu trí

    Theo khoản 3 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019, người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường tại thời điểm nghỉ hưu.

    Chế độ ốm đau

    Theo Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được nghỉ hưởng chế độ ốm đau với số ngày:

    - 40 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm (điều kiện bình thường là 30 ngày);

    - 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 - dưới 30 năm (điều kiện bình thường là 40 ngày);

    - 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên (điều kiện bình thường là 60 ngày);

    Chế độ bệnh nghề nghiệp

    Để được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp, người lao động phải đảm bảo các điều kiện tại Điều 44 Luật Bảo hiểm xã hội 2014:

     - Bị bệnh thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành khi làm việc trong môi trường hoặc nghề có yếu tố độc hại;

    - Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị bệnh bệnh nghề nghiệp.

    Như vậy, khi thuộc nhóm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động sẽ được hưởng quyền lợi, như phụ cấp nghề nặng nhọc, tuổi nghỉ hưu được thấp hơn, nhiều chế độ, chính sách...

    Định mức số lượng người làm việc vị trí nấu ăn cho trường mầm non công lập

    Theo Điều 7 Thông tư 19/2023/TT-BGDĐT quy định về định mức số lượng người làm việc vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ (y tế học đường, bảo vệ, phục vụ, nấu ăn) như sau:

    - Các cơ sở giáo dục mầm non bố trí tối thiểu 01 lao động hợp đồng để thực hiện nhiệm vụ y tế học đường, tối thiểu 01 lao động hợp đồng để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, tối thiểu 01 lao động hợp đồng để thực hiện nhiệm vụ phục vụ. Căn cứ tính chất, khối lượng công việc và điều kiện thực tế, các cơ sở giáo dục mầm non xác định số lượng lao động hợp đồng đối với từng vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ.

    - Cơ sở giáo dục mầm non có tổ chức bán trú thì được bố trí lao động hợp đồng để thực hiện công việc nấu ăn cho trẻ em. Căn cứ số lượng trẻ em, khối lượng công việc và điều kiện thực tế, cơ sở giáo dục mầm non xác định số lượng lao động hợp đồng phù hợp để thực hiện nhiệm vụ nấu ăn.

    - Việc ký kết hợp đồng lao động thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật.

    Như vậy, nếu trường mầm non công lập bán trú thì sẽ căn cứ vào số lượng trẻ em, khối lượng công việc và điều kiện thực tế, cơ sở giáo dục mầm non sẽ xác định số lượng lao động hợp đồng phù hợp để thực hiện nhiệm vụ nấu ăn.

     
    443 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn btrannguyen vì bài viết hữu ích
    admin (16/07/2024)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận