Mới đây, chính phủ vừa ra Dự thảo về Nghị định quy định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Trong dự thảo, chính phủ đề xuất lấy ý kiến của các Bộ, ngành về việc xử lý kinh phí chi trả khi bồi thường, hỗ trợ, tái định cư…
(1) Đề xuất về cách xử lý chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
Luật Đất đai 2024 đã nêu rõ kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân có đất bị thu hồi sẽ do Nhà nước đảm bảo.
Theo Điều 94 Luật Đất đai 2024 quy định:
- Kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư do Nhà nước bảo đảm. Kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bao gồm: tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; chi phí bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và chi phí khác.
Theo đó, mới đây, Chính phủ đã có dự thảo Nghị định ban hành ngày 05/4/2024, đề xuất lấy ý kiến các bộ ngành về việc xử lý kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định tại Điều 94 của Luật Đất đai 2024.
Tại Điều 16 của dự thảo Nghị định quy định, trong trường hợp Quỹ phát triển đất ứng vốn cho tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất thì kinh phí, hỗ trợ, tái định cư được đề xuất xử lý theo 2 phương án:
1. Đối với trường hợp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất và không được miễn tiền sử dụng đất
Phương án 1: Người sử dụng đất phải nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật. Việc hoàn trả tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng cho Quỹ phát triển đất do ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về quỹ phát triển đất, pháp luật về ngân sách nhà nước.
Phương án 2: Người sử dụng đất phải nộp tiền cho Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện hoàn ứng cho Quỹ phát triển đất số tiền đã ứng vốn theo quy định; số tiền sử dụng đất còn lại sau khi đã trừ kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã hoàn ứng cho Quỹ phát triển đất (nếu có), trong thời hạn 15 ngày, Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm nộp lại ngân sách nhà nước.
2. Đối với trường hợp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất mà được miễn tiền sử dụng đất
Phương án 1: Người sử dụng đất phải hoàn trả kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo phương án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt vào ngân sách nhà nước và được tính số tiền này vào chi phí đầu tư của dự án theo quy định tại khoản 2 Điều 94 Luật Đất đai 2024. Việc hoàn trả tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng cho Quỹ phát triển đất do Nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về quỹ phát triển đất, ngân sách nhà nước.
Phương án 2: Người sử dụng đất phải hoàn trả kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo phương án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt cho Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng và được tính số tiền này vào chi phí đầu tư của dự án theo quy định tại khoản 2 Điều 94 Luật Đất đai 2024. Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện hoàn ứng cho Quỹ phát triển đất số tiền đã ứng vốn theo quy định (trong trường hợp Quỹ phát triển đất đã ứng kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư)
Nhìn chung, hai phương án của Chính phủ đề xuất có nội dung chính là số tiền mà người được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất phải nộp hoặc phải hoàn trả sẽ được nộp thẳng vào ngân sách nhà nước hay nộp cho Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Mỗi phương án mà Chính phủ đề ra đều có những nội hàm riêng.
Đơn cử, phương án 1 là nộp thẳng vào ngân sách nhà nước, nhà nước sẽ hoàn trả số tiền ứng bồi thường, giải phóng mặt bằng cho Quỹ phát triển đất theo quy định của pháp luật, điều này sẽ đảm bảo số tiền mà người sử dụng đất nộp hoặc hoàn trả kinh phí sẽ được xử lý đúng theo quy định của pháp luật về quỹ phát triển đất, pháp luật về ngân sách nhà nước.
Phương án 2 mà Chính phủ đề ra sẽ giúp giảm tải được khối lượng công việc cho Ngân hàng Nhà nước, Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng sẽ chịu trách nhiệm tính toán, xử lý khoản tiền mà người sử dụng đất nộp hoặc hoàn trả kinh phí để hoàn ứng lại cho Quỹ phát triển đất, sau đó số tiền còn lại sẽ nộp ngân sách nhà nước. Việc này còn có thể giúp cho việc hoàn ứng kinh phí cho Quỹ phát triển đất được diễn ra nhanh chóng, sát với thực tế hơn.
Chính phủ đề nghị các Bộ, ngành địa phương có ý kiến lựa chọn phương án cụ thể.
Tải để xem Dự thảo Nghị định/CP ban hành 05/4/2024
https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/10/550020.pdf
(2) Hồ sơ đề nghị khấu trừ kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
Theo bản dự thảo Nghị định, trong trường hợp Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất mà người thực hiện dự án tự nguyện ứng trước kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy định tại Điều 94 Luật Đất đai 2024 thì hồ sơ bao gồm:
- Văn bản của Chủ đầu tư thực hiện dự án đề nghị khấu trừ kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư: 01 bản chính
- Phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt: 01 bản sao
- Chứng từ chuyển tiền cua Chủ đầu tư cho Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng
- Bảng kê thanh toán kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư do Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng lập; trong đó có các nội dung về số tiền đã chi trả, số chứng từ chi trả, ngày, tháng chi tiền, người nhận tiền,...01 bản chính
- Văn bản của Ủy ban nhân dân cấp huyện xác nhận số tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được trừ vào tiền sử dụng đất
Chính phủ quy định Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng và Ủy ban nhân dân chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu và các thông tin trên Bảng kê trên văn bản xác nhận để làm căn cứ cho cơ quan thuế thực hiện việc khấu trừ vào tiền sử dụng đất phải nộp.
(3) Quy định về trường hợp ứng trước kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
Tại khoản 2 Điều 94 Luật Đất đai 2024 có quy định về người thực hiện dự án được Nhà nước giao đất mà tự nguyện ứng trước kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Theo bản dự thảo Nghị định, nếu dự án đầu tư đó có hình thức sử dụng đất hỗn hợp (Giao đất có thu tiền đất, giao đất không thu tiền đất, cho thuê đất) thì việc khấu trừ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng được tính theo từng loại diện tích và được phân bổ đều tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng của phần diện tích đất sử dụng vào mục đích công cộng vào các phần diện tích đất tương ứng.
Việc quy định rõ ràng và có phần có lợi cho Chủ đầu tư tự nguyện ứng trước kinh phí cho thấy chính sách công bằng của Nhà nước, khuyến khích nhà đầu tư ứng trước kinh phí cho công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giúp nguồn kinh phí của Nhà nước được đa dạng hơn, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Xem thêm Luật Đất Đai 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025