(1) Đề xuất bổ sung tiêu chuẩn Luật sư phải có bản lĩnh chính trị - nghề nghiệp
Cụ thể, Điều 10 Luật Luật sư năm 2006 quy định như sau:
Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, có bằng cử nhân luật, đã được đào tạo nghề luật sư, đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư, có sức khỏe bảo đảm hành nghề luật sư thì có thể trở thành luật sư.
Tại Điều 8 đề cương chi tiết Luật Luật sư (sửa đổi) đề cập tiêu chuẩn luật sư như sau:
- Kế thừa Điều 10 Luật Luật sư hiện hành, đồng thời sửa tiêu chuẩn “có bằng cử nhân luật” thành “có bằng cử nhân luật trở lên”.
- Bổ sung tiêu chuẩn của luật sư có “bản lĩnh chính trị - nghề nghiệp” và giao Chính phủ quy định chi tiết về tiêu chuẩn luật sư.
Bên cạnh đó, nội dung của chính sách xây dựng đội ngũ luật sư có đạo đức, có bản lĩnh chính trị - nghề nghiệp và năng lực chuyên môn trong về đề nghị xây dựng Luật Luật sư thay thế Luật Luật sư 2006 sửa đổi 2012 cũng đề cập như sau:
- Bổ sung tiêu chuẩn có “bản lĩnh chính trị - nghề nghiệp” và giao Chính phủ quy định chi tiết về tiêu chuẩn “Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, có bản lĩnh chính trị - nghề nghiệp, có phẩm chất đạo đức tốt”.
Như vậy, bên cạnh sửa tiêu chuẩn “có bằng cử nhân luật” thành “có bằng cử nhân luật trở lên” thì đề cương chi tiết cũng đã đề xuất bổ sung“ bản lĩnh chính trị - nghề nghiệp” trở thành một trong các tiêu chuẩn của luật sư.
Xem vài tải tờ trình 44/TTr-BTP tại đây:https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/06/18/to-trinh.pdf
Xem và tải đề cương chi tiết Luật Luật sư (sửa đổi) tại đây:https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/06/18/de-cuong-luat.pdf
(2) Bổ sung thêm các hành vi bị nghiêm cấm
Căn cứ vào Điều 9 Luật Luật sư năm 2006 được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Luật Luật sư sửa đổi 2012 quyết định các hành vi bị nghiêm cấm như sau:
Nghiêm cấm luật sư thực hiện các hành vi sau đây:
- Cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng có quyền lợi đối lập nhau trong cùng vụ án hình sự, vụ án dân sự, vụ án hành chính, việc dân sự, các việc khác theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là vụ, việc).
- Cố ý cung cấp hoặc hướng dẫn khách hàng cung cấp tài liệu, vật chứng giả, sai sự thật; xúi giục người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, đương sự khai sai sự thật hoặc xúi giục khách hàng khiếu nại, tố cáo, khiếu kiện trái pháp luật.
- Tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác.
- Sách nhiễu, lừa dối khách hàng.
- Nhận, đòi hỏi thêm bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác từ khách hàng ngoài khoản thù lao và chi phí đã thỏa thuận với khách hàng trong hợp đồng dịch vụ pháp lý.
-Móc nối, quan hệ với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, cán bộ, công chức, viên chức khác để làm trái quy định của pháp luật trong việc giải quyết vụ, việc.
- Lợi dụng việc hành nghề luật sư, danh nghĩa luật sư để gây ảnh hưởng xấu đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
- Nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích khác khi thực hiện trợ giúp pháp lý cho các khách hàng thuộc đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật; từ chối vụ, việc đã đảm nhận theo yêu cầu của tổ chức trợ giúp pháp lý, của các cơ quan tiến hành tố tụng, trừ trường hợp bất khả kháng hoặc theo quy định của pháp luật.
- Có lời lẽ, hành vi xúc phạm cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình tham gia tố tụng.
- Tự mình hoặc giúp khách hàng thực hiện những hành vi trái pháp luật nhằm trì hoãn, kéo dài thời gian hoặc gây khó khăn, cản trở hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan nhà nước khác.
Nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi cản trở hoạt động hành nghề của luật sư.
Theo Điều 10 của đề cương chi tiết Luật Luật sư (sửa đổi) bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm, bao gồm:
- Kế thừa Điều 9 Luật Luật sư hiện hành.
- Bổ sung quy định nghiêm cấm luật sư có hành vi gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của giới luật sư, cản trở hoạt động tố tụng; xúi giục người dân, khách hàng khiếu nại, khiếu kiện gây ảnh hưởng, phức tạp đến tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội.
- Bổ sung quy định Luật sư không kiêm nhiệm công chứng viên, thừa phát lại.
- Bổ sung quy định những người không đủ tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề luật sư thì không được cung cấp dịch vụ pháp lý.
Như vậy, bên cạnh việc kế thừa các hành vi bị nghiêm cấm theo Điều 9 Luật Luật sư năm 2006 thì đề cương chi tiết đã bổ sung thêm 03 quy định các hành vi bị nghiêm cấm thực hiện.
Tóm lại, đề cương chi tiết đã bổ sung xuất bổ sung“ bản lĩnh chính trị - nghề nghiệp” trở thành một trong các tiêu chuẩn của luật sư. Ngoài ra, đề cương còn bổ sung thêm 03 quy định các hành vi bị nghiêm cấm thực hiện.