Dạy trẻ nắm rõ 7 kỹ năng thoát hiểm khi bị mắc kẹt trong xe ô tô

Chủ đề   RSS   
  • #612669 12/06/2024

    motchutmoingay24
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (1129)
    Số điểm: 20288
    Cảm ơn: 22
    Được cảm ơn 458 lần


    Dạy trẻ nắm rõ 7 kỹ năng thoát hiểm khi bị mắc kẹt trong xe ô tô

    Qua vụ việc bé trai tử vong do bị bỏ quên trên xe ô tô, các bậc phụ huynh cần dạy con mình các kỹ năng sau đây để thoát hiểm trong tình huống bị mắc kẹt, bỏ quên trong xe ô tô

    (1) Trẻ bị mắc kẹt trên ô tô nguy hiểm ra sao?

    Hầu hết các nguyên nhân dẫn đến việc trẻ bị mắc kẹt trên ô tô, bỏ quên trong xe ô tô đều đến từ lỗi của người lớn. cha mẹ cho con ngồi trong xe ô tô để làm việc riêng, sau đó quên hoặc bận việc khác mà không chú ý đến trẻ.

    Hoặc có thể đến từ nguyên nhân do trẻ ngủ quên trên xe, thường xảy ra đối với các trẻ em thường xuyên đi xe đưa đón của trường học, trong quá trình di chuyển trẻ đã ngủ quên trên xe, sau đó giáo viên/tài xế không kiểm tra lại kỹ lưỡng số lượng học sinh sau đưa đón, dẫn đến tình trạng bỏ quên trẻ trong xe.

    Do cơ thể trẻ em không có khả năng điều tiết nhiệt tốt như người lớn nên dễ bị say nắng, cộng thêm yếu tố như vào ngày nắng nóng, nhiệt độ trên xe có thể tăng đến mức gây nguy hiểm cho con người, nếu trẻ em bị kẹt trong xe ô tô mà không được giải cứu kịp thời rất có khả năng sẽ dẫn đến việc tử vong. 

    Ngoài ra, khi phát hiện bị mắc kẹt trên xe, trẻ sẽ có các biểu hiện như hoảng loạn, la hét, dẫn đến việc trẻ nhanh bị kiệt sức và lượng oxy có trên xe bị giảm hụt nhiều sẽ khiến cho trẻ khó giữ được tỉnh táo, làm giảm khả năng tự thoát hiểm của trẻ.

    Do vậy, các bậc phụ huynh cần dạy cho con mình các kỹ năng sau đây để thoát hiểm khi bị mắc kẹt trong xe ô tô.

    (2) 7 kỹ năng thoát hiểm khi bị mắc kẹt trong xe ô tô trẻ em nhất định phải biết

    1- Cố gắng giữ bình tĩnh

    Các bậc phụ huynh cần khuyên trẻ không nên hoảng loạn, cố gắng giữ bình tĩnh khi bị mắc kẹt trong xe vì sẽ làm giảm khả năng thoát hiểm của trẻ, thay vào đó phải bình tĩnh, quan sát các vật dụng và tìm ra cách để thoát hiểm. 

    Yếu tố bình tĩnh là yếu tố tiên quyết để trẻ có thể thoát hiểm trong tình huống này.

    2- Bật lẫy mở cửa xe

    Cửa xe ô tô luôn có lẫy để mở khóa cửa từ bên trong.

    Nếu thử bật lẫy mở cửa xe từ vị trí ghế sau mà không được thì có thể leo lên ghế trước của tài xế để thử lại.

    3- Bấm còi xe

    Trong trường hợp không mở được cửa xe, hãy bấm còi xe.

    Còi xe thường nằm ở giữa vô lăng ở ghế lái, còi được chạy bằng nguồn điện riêng, nên cho dù xe tắt máy thì còi vẫn có thể hoạt động được. Nguồn điện của còi rất nhiều, nên hãy bấm còi thật nhiều để thu hút sự chú ý và tìm kiếm sự giúp đỡ của những người xung quanh.

    4- Bật đèn cảnh báo (đèn Hazard)

    Tương tự như còi xe, đèn cảnh báo cũng sử dụng nguồn điện riêng và có thể hoạt động ngay cả khi xe đã tắt máy.

    Nút bật đèn Hazard thường được đặt ở bảng điều khiển trước xe, trên nút bấm thường có biểu tượng hai hình tam giác lồng vào nhau khá nổi bật, nếu thấy có nút này, trẻ có thể bấm để thu hút thêm sự chú ý của người xung quanh, làm tăng khả năng có người thấy và đến giúp đỡ.

    5- Thu hút sự chú ý bằng tay

    Kết hợp với việc bấm còi và bật đèn cảnh báo, khi ở ghế trước, trẻ hãy đứng lên và vẫy tay, vỗ tay vào cửa kính,...để thu hút thêm sự để ý của người bên ngoài. 

    Các cửa sổ thường có kính tối màu để hạn chế ánh nắng nhưng kính chắn gió (kính trước mặt tài xế) của xe luôn là kính trong, nên người ngoài sẽ thấy hành động vẫy tay dễ dàng hơn.

    6- Búa thoát hiểm

    Nếu trên xe có búa thoát hiểm (trên xe đưa đón của trường học thường có búa thoát hiểm gần cửa sổ xe hoặc dưới ghế ngồi), có thể lấy và đập vỡ cửa kính để thoát ra ngoài hoặc kêu cứu, tìm sự trợ giúp.

    Kính xe là loại kính được thiết kế để bảo đảm sự an toàn, khi bị phá vỡ sẽ tạo thành các mảnh vỡ dạng hạt ngô nên không lo dẫm phải mảnh kính và bị thương.

    Trường hợp không có búa, hãy quan sát và tìm những vật nặng hay vật kim loại bất kì có trong xe hoặc trong người như cặp sách, ô, chốt của dây đeo an toàn trên xe,...để phá cửa.

    7- Liên lạc với bên ngoài

    Nếu có điện thoại hoặc đồng hồ thông minh, hãy gọi ngay đến số của bố mẹ để cầu cứu, hoặc gọi tới các số khẩn cấp như 113, 114, 115 để nhờ sự trợ giúp kịp thời nhất.

    (3) Những điều bố mẹ cần lưu ý khi có trẻ em trong xe ô tô

    Đầu tiên, xe ô tô KHÔNG có chức năng trông trẻ, hay là sân chơi của trẻ, do đó,  khi rời ô tô hãy đưa con đi cùng, dù chỉ là một khoảng thời gian ngắn.

    Thứ hai, luôn để chìa khóa tránh xa tầm nhìn của trẻ, trẻ có thể vô ý tự khóa mình ở trong xe khi không có sự giám sát của người lớn.

    Thứ ba, kiểm tra ghế ngồi trên xe trước khi xuống, bố mẹ có thể để túi hoặc ví hoặc những đồ vật không thể thiếu ở gần chỗ con như một mẹo để luôn nhắc nhở bố mẹ rằng con có ngồi ở đó. giúp việc kiểm tra sự có mặt của con trở thành thói quen.

    Thứ tư, để ghế ngồi riêng cho trẻ ở giữa hàng ghế sau của xe, việc trẻ không bị che khuất tầm nhìn bởi hàng ghế trước sẽ làm giảm khả năng trẻ bị bỏ quên ở lại trong xe ô tô.

    Thứ năm, liên lạc với nhà trường hoặc cơ sở trông trẻ và yêu cầu thông báo cho bố mẹ nếu không thấy con đến lớp.

    Cuối cùng, hãy lưu số điện thoại của thợ sửa khóa tin tưởng trong điện thoại, trong trường hợp cấp thiết, hãy gọi cho họ nhờ họ đến mở cửa xe giúp cho con.

    Trên đây là các kỹ năng bỏ túi cho trẻ và bố mẹ để thoát hiểm và ngăn ngừa hậu quả xấu nhất cho trẻ khi bị mắc kẹt trong xe ô tô.

     
    1079 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn motchutmoingay24 vì bài viết hữu ích
    admin (15/08/2024)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận