Đây là 1 phần của bài khóa luận tốt nghiệp năm 2010 "tội buôn lậu trong luật hình sự việt nam. Những vấn đề lý luận và thực tiễn" của bạn Nguyễn Thị Bình Nguyên, SV khóa 31 Đại học luật HN. Bạn có thể đọc và tham khảo
Dấu hiệu pháp lý của tội này gồm: khách thể, mặt khách quan, chủ thể, mặt chủ quan. Cụ thể:
1.2.1. Khách thể của tội buôn lậu
Theo Luật hình sự Việt Nam, buôn lậu là hành vi buôn bán hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý các loại vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hóa, các loại hàng cấm qua biên giới một cách trái phép, theo đó, khách thể bị xâm hại trong tội buôn lậu là các quy định pháp luật của Nhà nước về buôn bán hàng hóa qua biên giới mà cụ thể là xâm hại trật tự quản lý Nhà nước về ngoại thương (xuất – nhập khẩu hàng hóa). ([1])
Trước đây theo quy định tại Điều 97 BLHS năm 1985, “tội buôn lậu” được quy định trong chương các tội xâm phạm an ninh quốc gia, tuy nhiên đến nay, trong BLHS 1999 tại Điều 153 “tội buôn lậu” được đưa về chương XVI – “Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế”, điều này thể hiện quan điểm đúng đắn của các nhà lập pháp hình sự, phản ánh được đúng bản chất kinh tế của hành vi phạm tội buôn lậu vì mục đích mà người phạm tội buôn lậu muốn đạt tới chỉ đơn thuần là mục đích kinh tế chứ không phải là xâm hại an ninh quốc gia như trước kia quy định.
Theo quy định tại Điều 153 BLHS 1999, đối tượng của hành vi phạm tội buôn lậu rất đa dạng, bao gồm các loại hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý, vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hóa và các loại hàng cấm. Cụ thể như sau:
- Hàng hóa: Là sản phẩm được làm ra trong quá trình sản xuất, có thể thỏa mãn nhu cầu nào đó của con người và dùng để trao đổi trên thị trường. Hàng hóa có hai thuộc tính là giá trị và giá trị sử dụng. Trên thực tế, hàng hóa có thể là hàng tiêu dùng cần thiết cho đời sống hàng ngày của con người như tivi, tủ lạnh, xe đạp, xe máy… hoặc những tư liệu sản xuất như máy móc, thiết bị… Như vậy, hàng hóa với tư cách là đối tượng của tội phạm buôn lậu là một khái niệm có nội hàm rất rộng, bao gồm tất cả các sản phẩm, chỉ trừ một số loại hàng hóa do tính chất đặc biệt đã được quy định là đối tượng của các tội phạm khác như: Các chất ma túy, vũ khí quân dụng và phương tiện kỹ thuật, vũ khí thô sơ và công cụ hỗ trợ, chất phóng xạ…
- Tiền Việt Nam: Đồng tiền ở đây không thực hiện chức năng trao đổi hay thanh toán mà là hàng hóa, là đối tượng của hành vi mua, bán. Tiền là đối tượng của “tội buôn lậu” phải là tiền Việt Nam hiện hành (do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành). Các đồng tiền Việt Nam đang lưu hành hiện nay là tiền giấy và tiền kim loại([2]).
- Ngoại tệ: Trên thực tế, ngoại tệ được hiểu là tiền nước ngoài, không phải là đồng tiền do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành. Có thể hiểu ngoại tệ là các loại tiền do nước ngoài phát hành bao gồm: Tiền giấy, tiền bằng kim loại còn hiệu lực lưu hành.
- Kim khí quý: Là các loại kim khí thuộc loại quý hiếm dạng tự nhiên hoặc các chế phẩm làm từ kim khí quý theo danh mục do Nhà nước Việt Nam ban hành như: vàng, bạc, bạch kim… Theo quy định tại khoản b Điều 3 Điều lệ quản lý ngoại hối của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1988 thì kim khí quý bao gồm: Vàng, bạc và các kim loại thuộc nhóm bạch kim.([3])
- Đá quý: Là các loại đá tự nhiên và các loại thành phẩm từ đá quý theo danh mục do Nhà nước Việt Nam ban hành. Theo quy định tại Điều 1 Quy chế quản lý các hoạt động điều tra địa chất, khai thác mỏ, chế tác và buôn bán đá quý ngày 7/10/1993 của Chính phủ thì “đá quý là các loại ngọc tự nhiên như: rubi, kim cương, saphia, eromot và các loại đá quý tự nhiên khác có giá trị tương đương”.([4])
- Vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hóa: Theo khoản 3 Điều 4 “Luật di sản văn hóa” được Quốc hội thông qua ngày 29/6/2001 quy định thì “di tích lịch sử, văn hóa là công trình xây dựng, địa điểm và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc công trình, địa điểm có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học”.([5])
Tuy nhiên “Luật di sản văn hóa” lại không quy định thế nào là vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hóa nhưng căn cứ vào định nghĩa di tích lịch sử, văn hóa của “Luật di sản văn hóa” thì có thể thấy rằng vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hóa bao gồm: Cổ vật, di vật, bảo vật quốc gia. Vật phẩm thuộc di tích lịch sử văn hóa chính là những sản phẩm vật chất có giá trị văn hóa, thể hiện lý tưởng thẩm mỹ của dân tộc ta vào những thời kỳ lịch sử nhất định và được lưu giữ đến nay. Theo quy định tại khoản 5,6,7 Điều 4 “Luật di sản văn hóa” được Quốc hội thông qua ngày 29/6/2001 thì:
“…5. Di vật là vật được lưu truyền lại có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học.
6. Cổ vật là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị tiêu biểu về lịch sử văn hóa, khoa học, có từ một trăm năm tuổi trở lên.
7. Bảo vật quốc gia là hiện vật được truyền lại, có giá trị đặc biệt quý hiếm, tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học”.
- Hàng cấm: Là những loại hàng hóa mà Nhà nước cấm buôn bán trên lãnh thổ Việt Nam và cấm xuất – nhập khẩu. Ở “tội buôn lậu” có thể hiểu rằng hàng cấm là những mặt hàng cấm thuộc phạm vi quy định của Điều 155 BLHS 1999. Danh mục các loại hàng cấm không cố định mà có sự thay đổi ở mỗi giai đoạn nhất định phù hợp với tình hình thực tế và sự chuyển đổi của nền kinh tế. Hiện nay theo Phụ lục 1 – Danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh (Ban hành kèm theo Nghị định số59/2006/NĐ-CP ngày 12/06/2006 của Chính phủ) có quy định cụ thể về 18 loại hàng hóa cấm kinh doanh, ví dụ: Vũ khí quân dụng, trang thiết bị kỹ thuật, khí tài...; các sản phẩm văn hóa phản động, đồi trụy, mê tín dị đoan hoặc có hại tới giáo dục thẩm mỹ, nhân cách; các chất ma túy; các loại pháo;…Tuy nhiên theo quy định của BLHS 1999, một số hàng cấm đã là đối tượng của tội phạm khác thì sẽ không là đối tượng của “tội buôn lậu” như: Điều 193 – Tội sản xuất trái phép chất ma túy; Điều 194 – Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy; Điều 195 – Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy;...
1.2.2. Mặt khách quan của tội buôn lậu
Cũng như bất cứ một tội phạm nào, mặt khách quan của “tội buôn lậu” là tập hợp tất cả những biểu hiện bên ngoài của “tội buôn lậu” diễn ra hoặc tồn tại bên ngoài thế giới khách quan mà con người có thể nhận biết được, cho phép đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi buôn lậu, đồng thời đó cũng là căn cứ để phân biệt tội phạm buôn lậu với các tội phạm khác.
- Hành vi khách quan của tội buôn lậu
Hành vi khách quan của tội phạm là xử sự của con người đã gây ra và đe dọa gây ra cho xã hội, hành vi phạm tội chỉ có thể được biểu hiện qua hai hình thức đó là hành động hoặc không hành động. Theo quy định của BLHS 1999, mặt khách quan của “tội buôn lậu” được thể hiện ở hành vi buôn bán trái phép qua biên giới hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý, các vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hóa hoặc hàng cấm.
Hành vi buôn bán trái phép qua biên giới các mặt hàng nói trên của người phạm tội là hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới để trao đổi trái với các quy định của Nhà nước về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa qua biên giới như: Vận chuyển hàng hóa qua cửa khẩu mà không khai báo hoặc khai báo hàng hóa một cách gian dối; giấu giếm hàng hóa, tiền tệ; không có giấy tờ hợp lệ, sử dụng các giấy tờ giả mạo của các cơ quan có thẩm quyền; vận chuyển hàng hóa bí mật, lén lút không qua cửa khẩu để trốn tránh sự phát hiện của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (Hải quan, Bộ đội biên phòng, các lực lượng tuần tra, kiểm soát khác…)… Hành vi này có thể được thực hiện bằng đường bộ, đường thủy,
đường không hoặc đường bưu điện([6]). Cụ thể như sau:
+ Hành vi không khai báo thể hiện ở việc người buôn bán các mặt hàng kể trên qua biên giới nhưng không thực hiện nghĩa vụ khai báo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về chủng loại, số lượng theo đúng quy định, người phạm tội có thể bằng cử chỉ, lời nói từ chối thẳng thừng việc khai báo hoặc không chịu ghi vào tờ khai hải quan theo các mục của Hải quan yêu cầu…
+ Khai báo gian dối là hành vi người buôn bán hàng hóa, tiền tệ, kim khí quý, đá quý, vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hóa, hàng cấm qua biên giới quốc gia tuy có khai báo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhưng sự khai báo đó không phù hợp với thực tế về số lượng, chủng loại nhằm đánh lừa các cơ quan đó. Biểu hiện cụ thể của hành vi này có thể là: Khai không đúng về số lượng, chủng loại; hàng mới khai là hàng cũ; hàng cấm xuất – nhập khẩu lại khai là hàng được phép xuất – nhập khẩu; hàng bị đánh thuế cao lại khai là loại hàng bị đánh thuế thấp…
+ Giả mạo giấy tờ là việc người buôn bán các loại hàng hóa, tiền tệ, kim khí quý, đá quý, vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hóa, hàng cấm qua biên giới quốc gia tuy có xuất trình giấy tờ nhưng đó là giấy tờ giả mạo. Giấy tờ được coi là giả mạo trong trường hợp giấy tờ được làm giả hoặc giấy tờ của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhưng có được bằng con đường gian dối hoặc được sử dụng không đúng với mục đích cấp nó.
Không có giấy tờ hợp lệ được hiểu là không có giấy phép xuất - nhập khẩu theo hạn ngạch và các giấy tờ cần thiết khác theo quy định của Nhà nước hoặc có giấy phép xuất – nhập khẩu và các giấy tờ cần thiết khác nhưng hàng hóa xuất – nhập khẩu lại không đúng với loại hàng hóa quy định trong giấy phép hoặc tuy có giấy phép xuất – nhập khẩu nhưng giấy phép đó lại không phải là do người có thẩm quyền cấp hoặc giấy phép đó là giả mạo.
+ Hành vi trốn tránh sự kiểm soát của Hải quan hay các cơ quan quản lý
cửa khẩu biểu hiện ở việc đi đường tắt qua biên giới, không qua trạm kiểm soát, lợi dụng sơ hở của lực lượng chống buôn lậu để đưa hàng hóa qua biên giới, tìm cách tẩu tán hàng hóa khi bị phát hiện.
- Hậu quả của tội buôn lậu:
“Tội buôn lậu” là tội phạm mà pháp luật hình sự quy định có cấu thành hình thức nên hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm buôn lậu. “Tội buôn lậu” được coi là hoàn thành từ thời điểm người phạm tội thực hiện hành vi chuyển hàng hóa một cách trái phép qua biên giới Việt Nam. Tuy nhiên không phải mọi trường hợp mang hàng hàng hóa, tiền tệ qua biên giới quốc gia đều là hành vi buôn lậu và cấu thành “tội buôn lậu” (ví dụ như buôn bán hàng hóa qua biên giới mang tính chất trao đổi, phục vụ đời sống hàng ngày với số lượng không đáng kể thì không coi là phạm tội buôn lậu).
Mặc dù Luật hình sự không quy định hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của “tội buôn lậu” nhưng điều đó không có nghĩa là hậu quả không xảy ra. Thực tế cho thấy hành vi buôn lậu gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất nội địa, gây thất thu thuế của Nhà nước, gây mất ổn định thị trường... Hậu quả tuy không có ý nghĩa quyết định trong việc định tội song việc xác định hậu quả, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi buôn lậu và hậu quả có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giải quyết TNHS và quyết định hình phạt đối với người thực hiện hành vi phạm tội, nếu hậu quả do hành vi buôn lậu gây ra là ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng thì người phạm tội sẽ bị truy cứu TNHS theo khung hình phạt có mức tương ứng với hậu quả đó.
- Các dấu hiệu khách quan khác của tội buôn lậu:
Ngoài hành vi khách quan đối với “tội buôn lậu”, một dấu hiệu khách quan khác có tính chất bắt buộc của cấu thành tội phạm này đó là địa điểm thực hiện hành vi phạm tội, nếu thiếu dấu hiệu này thì dù một người có hành vi buôn bán trái phép hàng hóa, tiền tệ, kim khí quý, đá quý, vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hóa, hàng cấm cũng không phải là hành vi buôn lậu.
Điều 153 BLHS 1999 quy định “người nào buôn bán trái phép qua biên giới…”, theo đó, địa điểm phạm tội là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành “tội buôn lậu” đó là “qua biên giới”. Nếu người phạm tội thực hiện hành vi buôn bán trái phép hàng hóa không qua biên giới thì không cấu thành “tội buôn lậu” mà tùy từng trường hợp hành vi phạm tội đó cấu thành “tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm” (Điều 155 BLHS) hay “tội kinh doanh trái phép” (Điều 159 BLHS)… Vấn đề đặt ra là cần phải xác định rõ khái niệm biên giới trong cấu thành tội phạm này.
Khái niệm “biên giới” ở đây không chỉ được quan niệm máy móc là đường giáp ranh giữa hai quốc gia mà còn được hiểu theo nghĩa rộng là hàng rào biên giới thuế quan, vùng kiểm soát của Bộ đội biên phòng, An ninh cửa khẩu, vùng kiểm tra của Hải quan trên tất cả các tuyến đường (đường bộ, đường thủy, đường hàng không, đường xe lửa, đường bưu điện quốc tế) ở mọi khu vực (kể cả các khu chế xuất).
Vì vậy, việc xác định “qua biên giới” không có nghĩa là chỉ căn cứ vào việc xác định hàng hóa đã qua đường biên giới địa lý hay chưa để xác định hành vi buôn lậu mà còn căn cứ vào hàng rào kiểm soát hàng hóa qua biên giới của các cơ quan quản lý như: Hải quan sân bay, Hải quan các cửa khẩu khác, địa điểm của các cơ quan này có khi là những địa điểm nằm sâu trong lãnh thổ nước ta do đó, hành vi buôn lậu vẫn xảy ra. Chính vì vậy, để xác định hàng hóa đã qua biên giới hay chưa nên căn cứ vào việc hàng hóa đó đã thoát khỏi sự kiểm soát của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc xuất – nhập khẩu hàng hóa đó hay chưa? Hàng hóa có thể là hàng xuất khẩu hoặc hàng nhập khẩu nên cần phân
biệt hai trường hợp:
+ Đối với hàng nhập khẩu: Chỉ khi nào người buôn lậu đưa hàng hóa qua biên giới quốc gia thì mới cấu thành “tội buôn lậu”. Trường hợp khi hàng hóa đã nhập vào nội địa mới bị phát hiện nếu có đủ căn cứ chứng minh là đã nhập trái phép nhằm buôn bán kiếm lời thì cũng cấu thành “tội buôn lậu”. Nếu hàng hóa mới được đưa tập kết đến gần đường biên giới nhưng chưa vào nước ta thì không coi là tội phạm hoàn thành vì hàng nhập khẩu vẫn còn đang nằm ngoài sự
kiểm soát của ta.
+ Đối với hàng xuất khẩu: Khi người phạm tội đưa hàng hóa qua khu vực kiểm soát của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và bị phát hiện thì coi là thỏa mãn dấu hiệu qua biên giới và bị coi là phạm tội buôn lậu. Trường hợp người phạm tội đã đưa hàng hóa trót lọt ra ngoài biên giới sau đó mới bị phát hiện thì cũng cấu thành tội phạm này.
1.2.3. Chủ thể của tội buôn lậu
Theo Luật hình sự Việt Nam, chủ thể của tội phạm được hiểu là con người cụ thể đã thực hiện hành vi phạm tội ở thời điểm họ có năng lực TNHS và đạt độ tuổi chịu TNHS theo quy định của pháp luật. Cũng như chủ thể của các tội phạm khác, chủ thể của “tội buôn lậu” chỉ cần là người có năng lực TNHS và đạt đến độ tuổi nhất định theo quy định của pháp luật.
Năng lực TNHS là năng lực nhận thức và điều khiển hành vi. Năng lực TNHS là điều kiện cần thiết để có thể xác định con người có lỗi khi họ thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Chỉ người có năng lực TNHS mới có thể là chủ thể của tội phạm. Người có năng lực TNHS là người khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có khả năng nhận thức được tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi và có khả năng điều khiển được hành vi ấy. Người có năng lực TNHS theo luật Hình sự Việt Nam là người đã đạt độ tuổi chịu TNHS (Điều 12 BLHS 1999) và không thuộc trường hợp ở trong tình trạng không có năng lực TNHS (Điều 13 BLHS 1999)([7]).
Trong “tội buôn lậu”, người phạm tội là người có năng lực TNHS tức là họ nhận thức được hành vi buôn bán trái phép qua biên giới quốc gia là nguy hiểm cho xã hội, bị pháp luật cấm thực hiện và họ hoàn toàn có khả năng điều khiển hành vi của mình để không thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đó nhưng họ vẫn thực hiện hành vi phạm tội, điều đó có nghĩa là người phạm tội hoàn toàn tự chủ và ý thức rõ ràng về hành vi nguy hiểm cho xã hội khi thực hiện nó.
Bên cạnh năng lực TNHS, chủ thể của tội phạm nói chung cũng như “tội buôn lậu” nói riêng còn phải là người đạt đến độ tuổi nhất định. Điều 12 BLHS 1999 quy định về tuổi chịu TNHS như sau: “ Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu TNHS về mọi tội phạm; người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu TNHS về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”. Đồng thời theo khoản 3 Điều 8 BLHS có quy định: “…tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù; tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình”. Đối chiếu giữa Điều 153 với Điều 12 và khoản 3 Điều 8 BLHS 1999 có thể thấy rằng: Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu TNHS về tội buôn lậu trong các trường hợp quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 của điều luật, còn người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu TNHS về tội buôn lậu trong các trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 của điều luật.
Qua những phân tích ở trên có thể thấy rằng chủ thể của “tội buôn lậu” theo quy định của pháp luật hình sự Việt Nam bao gồm: Công dân Việt Nam, người nước ngoài, người không quốc tịch có năng lực TNHS và đạt độ tuổi luật định. Bên cạnh việc thỏa mãn điều kiện về năng lực TNHS và độ tuổi thì chủ thể của tội buôn lậu còn phải thỏa mãn điều kiện: Nếu vật phạm pháp là hàng hóa, tiền Việt Nam, kim khí quý, đá quý dưới 100 triệu đồng hoặc hàng cấm có số lượng chưa lớn, người phạm tội phải là người đã bị xử phạt hành chính về hành vi buôn lậu hoặc hành vi quy định tại một trong các điều 154, 155, 156, 157, 158, 159, 160 và 161 của BLHS hoặc đã bị kết án về một trong các tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm mới cấu thành “tội buôn lậu”.
1.2.4. Mặt chủ quan của tội buôn lậu
Cũng như các tội khác, khi xem xét dấu hiệu thuộc mặt chủ quan chúng ta cần làm rõ ba dấu hiệu:
- Lỗi của người phạm tội buôn lậu:
Đối với “tội buôn lậu”, tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp vì: Về cấu trúc tâm lý của người phạm tội trong trường hợp này cho thấy về mặt lý trí, người thực hiện hành vi buôn lậu nhận thức rõ hành vi do mình thực hiện là hành vi nguy hiểm cho xã hội, bị pháp luật cấm và người phạm tội cũng thấy trước được thiệt hại cho xã hội do hành vi phạm tội đó gây ra nhưng vẫn thực hiện hành vi đó.
Mặc dù “tội buôn lậu” là tội phạm có cấu thành hình thức, hậu quả cụ thể của tội phạm không được nêu lên trong điều luật quy định về “tội buôn lậu” song đối với trường hợp này muốn xác định người phạm tội có lỗi cố ý trực tiếp hay không chỉ cần xác định người đó đã nhận thức được tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi mà vẫn thực hiện hành vi đó([8]). Đối chiếu với người thực hiện hành vi buôn lậu, điều này hoàn toàn phù hợp, do đó lỗi của người thực hiện hành vi phạm tội này là lỗi cố ý trực tiếp. Việc xác định lỗi của người phạm tội khi thực hiện hành vi buôn lậu có ý nghĩa rất quan trọng bởi trong trường hợp một người thực hiện hành vi buôn bán trái phép qua biên giới nhưng không nhận thức được hành vi nguy hiểm cho xã hội của mình tức là không có lỗi thì người đó không bị truy cứu TNHS về “tội buôn lậu”.
- Động cơ và mục đích phạm tội buôn lậu:
Đối với “tội buôn lậu”, mặc dù động cơ, mục đích không phải là dấu hiệu bắt buộc cũng như không được quy định cụ thể trong Điều 153 BLHS 1999 nhưng thực chất động cơ của người phạm tội là vụ lợi, mục đích là để buôn bán kiếm lời, trong đó, mục đích buôn bán kiếm lời là dấu hiệu cần thiết và là căn cứ để phân biệt “tội buôn lậu” với “tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới” (Điều 154 BLHS 1999).
Tóm lại, qua việc nghiên cứu và phân tích bốn yếu tố cấu thành tội phạm của “tội buôn lậu” có thể thấy rằng chúng là một thể thống nhất, có quan hệ biện chứng với nhau, cho phép nhận thức sâu sắc bản chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi buôn lậu đồng thời là căn cứ pháp lý quan trọng để phân biệt “tội buôn lậu” với một số tội phạm cụ thể khác.
([1]) TS. Phùng Thế Vắc – TS Trần Văn Luyện – LS, Th.S Phạm Thanh Bình – Th.S Nguyễn Đức Mai – Th.S Nguyễn Sĩ Đại – Th.S Nguyễn Mai Bộ, Bình luận khoa học Bộ luật hình sự 1999 (phần các tội phạm), NXB Công an nhân dân, tr.253
([6]) TS. Phùng Thế Vắc – TS Trần Văn Luyện – LS, Th.S Phạm Thanh Bình – Th.S Nguyễn Đức Mai – Th.S Nguyễn Sĩ Đại – Th.S Nguyễn Mai Bộ, “Bình luận khoa học Bộ luật hình sự năm 1999” (phần các tội phạm), Nxb Công an nhân dân, năm 2001, tr. 253-254
([7]) Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam, Nxb Công an nhân dân, năm 2008, tr. 119-120
([8]) Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam, Nxb Công an nhân dân, năm 2008, tr.133
Đường chông gai chờ ngày mai ta bước tiếp!