Chào Anh Huỳnh Nông và các bạn,
Tôi cũng rất quan tâm tới chủ đề này và đánh giá cao những suy nghĩ, lập luận của Anh. Tôi có một ý kiến khác như sau:
Đối với loại Hợp đồng thứ hai, (Hợp đồng góp vốn xây dựng nhà ở, Hợp đồng góp vốn kinh doanh nhà, Hợp đồng góp vốn....), A cho rằng: là loại hợp đồng mà chủ đầu tư chưa thỏa mãn các điều kiện luật định như loại thứ nhất, đây là hợp đồng mang tính chất đầu tư kinh doanh bất động sản. Trường hợp “cá nhân bình thường” tham gia hợp đồng loại thứ hai là đường nhiên vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật. và kết luận: Không thể thu thuế đối với hành vi vi phạm pháp luật. Ban đầu tôi cũng nghĩ giống như A, nhưng sau đó, cân nhắc suy nghĩ thêm, tôi cho rằng, khó có thể qui loại hợp đồng này là vô hiệu. Tuy tên gọi có thể khác nhau, nhưng nếu đưa về Hợp đồng hợp tác kinh doanh theo luật đầu tư thì sẽ không có vấn đề gì, tức không phải là vô hiệu, vì chủ thể của HDHTDT theo luật đầu tư là các Nhà đầu tư, không phải Chủ đầu tư - chủ thể trực tiếp kinh doanh, và có thể Nhà đầu tư là Chủ đầu tư hoặc không, vấn đề này tôi chỉ nói tóm tắt vậy.
Nếu theo luật kinh doanh bất động sản, cũng giống như kinh doanh các lĩnh vực khác thì phải có các điều kiện nhất định về chủ thể. Nhưng luật kinh doanh bất động sản không cấm chủ thể (trực tiếp) kinh doanh Hợp tác kinh doanh với các chủ thể khác, theo các qui định khác của pháp luật. Khi đó, chủ thể kinh doanh chính có thể áp dụng luật đầu tư để tiến hành ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh. Cũng giống như 1 cá nhân bỏ vốn mua cổ phần của công ty bảo hiểm (đòi hỏi chủ thể kinh doanh phải có điều kiện) – là một phương thức đầu tư theo luật đầu tư, thì giao dịch đó không vô hiệu… Nguyên tắc áp dụng pháp luật chắc A biết, về cùng một vấn đề, phải áp dụng luật chuyên ngành trước, nếu không có, áp dụng luật khác, hoặc quay lại luật dân sự là luật gốc. Mặt khác, chắc A biết, tùy loại hợp đồng, nếu đưa ra tranh chấp, sẽ phải xét xem bản chất đó là quan hệ gì: Mua-bán, Góp vốn hợp tác, hay thậm chí vay tiền kèm theo quyền của người vay, đặt trong bối cảnh khi ký kết, sẽ phải xét xem quan hệ thực chất đó có vi phạm pháp luật (điều cấm) không thì mới xét đến yếu tố vô hiệu, còn giao dịch giả tạo không vi phạm điều cấm nào, thì khó có thể qui đó là giao dịch vô hiệu mà sẽ áp dụng các qui định của pháp luật liên quan đến giao dịch thực chất đó (vay – mượn sẽ điều chỉnh theo vay mượn, đầu tư sẽ theo đầu tư…).
Tôi cho rằng, việc thu thuế hay không thu thuế là chính sách của chính quyền, chỉ có điều tôi thấy không hợp lý là: Nếu đã thu thuế, tức thừa nhận cho nhà đầu tư được góp vốn, thì phải cho người ta được đăng ký chủ sở hữu sản phẩm được phân chia do hợp tác kinh doanh lời ăn lỗ chịu (chẳng hạn Căn hộ - theo thỏa thuận), nhưng lại không cho, vì sau này đều bắt phải chuyển hóa hợp đồng đó thành hợp đồng mua bán thì mới được đăng ký chủ quyền, như vậy là không thống nhất và không hợp lý về chính sách.
Trân trọng, TDT