3. QUỐC HỘI THÔNG QUA THÔNG QUA LUẬT TRỒNG TRỌT
Với 455 đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành chiếm 93,81% tổng số đại biểu, Quốc hội đã chính thức thông qua thông qua Luật Trồng trọt.
Gồm 7 chương, 85 điều, Luật Trồng trọt quy định về hoạt động trồng trọt; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động trồng trọt; quản lý nhà nước về trồng trọt.
Luật quy định rõ các nguyên tắc trong hoạt động trồng trọt. Theo đó, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với định hướng thị trường, phù hợp với chiến lược phát triển trồng trọt, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các nguồn tài nguyên khác; tạo điều kiện thuận lợi để phát triển hợp tác, liên kết sản xuất, xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, sản xuất có hợp đồng, sản xuất được cấp chứng nhận chất lượng; bảo đảm an ninh lương thực; bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước với lợi ích của tổ chức, cá nhân. Sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, bền vững tài nguyên thiên nhiên, cơ sở hạ tầng; sử dụng an toàn và hiệu quả các loại vật tư nông nghiệp.
Tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng môi trường đất, nước; quy trình sản xuất; bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường. Phát huy lợi thế vùng, gắn với bảo tồn các giống cây trồng đặc sản, bản địa; bảo vệ các hệ thống canh tác bền vững, các di sản, cảnh quan, văn hóa trong nông nghiệp gắn với phát triển du lịch sinh thái và xây dựng nông thôn mới. Chủ động dự báo, phòng, chống thiên tai và sinh vật gây hại cây trồng; thích ứng với biến đổi khí hậu. Đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; tuân thủ điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Đối với việc lưu mẫu giống cây trồng, Luật khẳng định: Mẫu giống cây trồng khi đăng ký lưu hành giống cây trồng phải được lưu trong suốt quá trình khảo nghiệm và lưu hành giống cây trồng (sau đây gọi là mẫu lưu) do cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về trồng trọt quản lý. Việc lưu mẫu giống cây trồng có thể thực hiện theo một trong ba hình thức sau đây: Lưu vật liệu nhân giống cây trồng; lưu giải trình tự gen của giống cây trồng; lưu vật liệu nhân giống cây trồng và giải trình tự gen của giống cây trồng.
Mẫu lưu được sử dụng làm giống khảo nghiệm, giống đối chứng, giống tương tự, giống điển hình trong khảo nghiệm; thử nghiệm, kiểm tra chất lượng giống cây trồng; thanh tra, kiểm tra, giải quyết các tranh chấp về giống cây trồng. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết Điều này.
Về điều kiện mua bán phân bón, Luật quy định: tổ chức, cá nhân mua bán phân bón phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện mua bán phân bón. Trường hợp mua bán phân bón do mình sản xuất thì không phải cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện mua bán phân bón. Theo đó, điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện mua bán phân bón là: có địa điểm giao dịch hợp pháp, rõ ràng; có đầy đủ hồ sơ, giấy tờ truy xuất nguồn gốc phân bón theo quy định; người trực tiếp mua bán phân bón phải được tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn về phân bón theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trừ trường hợp đã có trình độ từ trung cấp trở lên thuộc một trong các chuyên ngành về lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật, nông hóa thổ nhưỡng, khoa học đất, nông học, hóa học, sinh học.
Bên cạnh đó, các quy định về hành vi bị nghiêm cấm; điều kiện của tổ chức, cá nhân sản xuất, mua bán giống cây trồng; xuất khẩu, nhập khẩu giống cây trồng; điều kiện sản xuất phân bón; sử dụng và bảo vệ đất trong canh tác; trang thiết bị và vật tư nông nghiệp trong canh tác… cũng được quy định rất đầy đủ, cụ thể tại Luật Trồng trọt.
Luật Trồng trọt sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2020. Pháp lệnh Giống cây trồng số 15/2004/PL-UBTVQH11 ngày 24 tháng 3 năm 2004 sẽ hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
...
Xem chi tiết tại đây: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ QUỐC HỘI
4. QUỐC HỘI THÔNG QUA LUẬT CHĂN NUÔI VỚI ĐA SỐ PHIẾU TÁN THÀNH
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Chăn nuôi với đa số phiếu tán thành.
Về giống và sản phẩm giống vật nuôi (Chương II), một số vị ĐBQH đề nghị nghiên cứu và quy định cụ thể việc quản lý đối với từng loại Danh mục giống vật nuôi, nhất là đối với vật nuôi quý, hiếm cần bảo tồn; bổ sung quy định định kỳ cập nhật danh mục này cho phù hợp với tình hình thực tế và pháp luật có liên quan, báo cáo giải trình nêu rõ:
Dự thảo Luật đã quy định Danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn và Danh mục giống vật nuôi cấm xuất khẩu để giữ gìn nguồn gen giống vật nuôi quý, hiếm của Việt Nam; quy định cụ thể về việc trao đổi nguồn gen giống vật nuôi quý, hiếm và trình tự, thủ tục trao đổi (Điều 15 và Điều 16) để khuyến khích việc xuất khẩu, chuyển giao giống vật nuôi từ Việt Nam ra nước ngoài phù hợp với Luật Chuyển giao công nghệ. Vì thế, đã tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về bổ sung quy định giao Chính phủ cập nhật 02 danh mục này tại Điều 19.
Đối với quy định về điều kiện cơ sở chăn nuôi (Mục 1, Chương IV), có ý kiến đại biểu đề nghị nghiên cứu quy định điều kiện chăn nuôi nông hộ cho chặt chẽ hơn vì đây là hình thức chăn nuôi chủ yếu ở nước ta hiện nay, có tác động lớn đến môi trường, an toàn thực phẩm và sức khỏe con người. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và yêu cầu hội nhập quốc tế, thời gian qua số lượng hộ chăn nuôi đã giảm mạnh và có xu hướng giảm nữa. Hơn nữa, chăn nuôi nông hộ chủ yếu ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, do đó, để bảo đảm sinh kế của người dân, Dự thảo Luật quy định chăn nuôi nông hộ tại Điều 56 và yêu cầu về xử lý chất thải trong chăn nuôi nông hộ tại Điều 60 là phù hợp.
Nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đề nghị làm rõ trách nhiệm xử lý chất thải chăn nuôi thuộc về tổ chức, cá nhân sở hữu trang trại chăn nuôi hay tổ chức, cá nhân sở hữu vật nuôi, Dự thảo Luật quy định tổ chức, cá nhân sở hữu trang trại chăn nuôi có trách nhiệm trong việc xử lý chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ, nước thải, khí thải và tiếng ồn phát ra từ hoạt động chăn nuôi (Điều 59 và Điều 61).
Theo đó, Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2020, gồm 08 chương, 83 điều.
Phạm vi điều chỉnh của Luật chăn nuôi quy định về hoạt động chăn nuôi, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động chăn nuôi, quản lý nhà nước về chăn nuôi. Nội dung Luật chăn nuôi quy định cụ thể về công tác quản lý giống và sản phẩm giống vật nuôi; Thức ăn chăn nuôi; Điều kiện cơ sở chăn nuôi, xử lý chất thải chăn nuôi;Chăn nuôi động vật khác; Đối xử nhân đạo với vật nuôi; Quản lý nhà nước về chăn nuôi./.
....
Xem chi tiết tại đây: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ QUỐC HỘI
Tôi yêu Việt Nam! "Từ bao lâu tôi đã yêu nụ cười của bạn Từ bao lâu tôi đã yêu quê hương Việt Nam Những con đường nên thơ và những dòng sông ước mơ Từ trái tim xin 1 lời Tôi yêu Việt Nam"