Thân chào bạn!
Giữa hai bài hỏi, bạn nêu tình huống diễn biến sự việc có sự mâu thuẫn.
- Ở bài viết đầu tiên bạn nêu người kia xách dao ném vào anh bạn, nhưng anh bạn tránh được và dùng dao này chém lại người kia. (1)
- Ở bài viết sau đó, bạn nêu người kia chạy vào nhà lấy dao chém anh bạn, anh bạn giành lấy dao đó và chém lại.(2)
Theo đó giưa hai hành vi trên là khác nhau, ở tình huống mô tả thứ nhất có thể anh của bạn vi phạm vào Tội cố ý gây thương tích và phải chịu trách nhiệm hình sự với hành vi mà mình đã thực hiện. Và trách nhiệm dân sự cũng phải bồi thường cho người bị hại theo quy định.
Nhưng ở tình huống thứ hai mà bạn nêu thì có thể đây là hành vi phòng vệ, nhưng đã vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Nhưng với mức thương tật gây ra cho người cầm dao tấn công anh bạn là 7% thì chưa vi phạm tội Cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng theo quy định của BLHS:
Điều 106. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên hoặc dẫn đến chết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.
2. Phạm tội đối với nhiều người thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm.
Nên trong trường hợp (2) là anh của bạn không phạm tội, có thể bị phạt hành chính nếu chưa bị xử phạt hành chính về hành vi này mà chưa được xóa tiền sự.
Và trong trường hợp này anh bạn phải có trách nhiệm bồi thường cho người kia:
Điều 613. Bồi thường thiệt hại trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng
1. Người gây thiệt hại trong trường hợp phòng vệ chính đáng không phải bồi thường cho người bị thiệt hại.
2. Người gây thiệt hại do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải bồi thường cho người bị thiệt hại.
Theo đó các khoản và mức bồi thường do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì bồi thường theo quy định của pháp luật, căn cứ BỘ luật dân sự:
Điều 609. Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm
1. Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.
2. Người xâm phạm sức khoẻ của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá ba mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
Bạn tham khảo thêm!
"Sông có thể cạn, núi có thể mòn_Song chân lý không bao giờ thay đổi"