Bộ Y tế vừa ban hành danh mục thuốc, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm được áp dụng hình thức đàm phán giá
(1) Thuốc và thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm được áp dụng hình thức đàm phán giá
Bộ y tế vừa ban hành Thông tư 05/2024/TT-BYT quy định danh mục thuốc, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm được áp dụng hình thức đàm phán giá; thủ tục lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu áp dụng hình thức đàm phán giá.
Theo Điều 1 Thông tư 05/2024/TT-BYT quy định, thuốc, thiết bị y tế và vật tư xét nghiệm được áp dụng hình thức đàm phán giá phải tuân thủ các nguyên tắc, tiêu chí mà Bộ Y tế quy định. Cụ thể:
- Thuốc được đưa vào danh mục phải đáp ứng một trong các nguyên tắc, tiêu chí sau đây:
+ Thuốc, sinh phẩm tham chiếu thuộc danh mục thuốc biệt dược gốc, sinh phẩm tham chiếu do Bộ Y tế công bố;
+ Thuốc chỉ có 01 hoặc 02 hàng sản xuất theo dạng bào chế (riêng vắc xin cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng chỉ có 01 hoặc 02 hãng sản xuất theo thành phần vắc xin, công nghệ sản xuất vắc xin).
- Thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm được đưa vào danh mục phải đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chí sau đây:
+ Thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm được lưu hành hợp pháp tại Việt Nam;
+ Thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm chỉ có 01 hoặc 02 hàng sản xuất theo nguyên lý, công nghệ hoặc mục đích sử dụng.
Dựa trên các nguyên tắc và tiêu chí này, Bộ Y tế ban hành danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá quy định tại Phụ lục I và thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm được áp dụng hình thức đàm phán giá quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 05/2024/TT-BYT.
(2) Danh mục hơn 600 loại thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá năm 2024
Danh mục thuốc, thiết bị y tế và vật tư xét nghiệm áp dụng hình thức đàm phán giá được Bộ Y tế quy định trong Phụ lục I và Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 05/2024/TT-BYT.
>> Xem Danh mục thuốc, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm được áp dụng hình thức đàm phán giá tại đâyhttps://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/05/17/danh-muc-thuoc-thiet-bi-vat-tu-y-te-dam-phan-gia-2024.docx
(3) Tổ chức thực hiện đàm phán giá thuốc, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm như thế nào?
Việc tổ chức thực hiện đàm phán giá thuốc, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm được Bộ Y tế quy định trong Mục 4 của Thông tư 05/2024/TT-BYT.
Theo đó, đơn vị đàm phán giá thông báo mời cung cấp thuốc, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm theo hình thức đàm phán giá và phát hành hồ sơ yêu cầu công khai trên Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế, Trang thông tin điện tử của Đơn vị đàm phán giá và theo quy định của pháp luật về đấu thầu (Điều 12 Thông tư 05/2024/TT-BYT)
Nhà thầu căn cứ thông báo mời cung cấp thuốc, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm, hồ sơ yêu cầu để chuẩn bị hồ sơ đề xuất và gửi hồ sơ đề xuất đến Đơn vị đàm phán giá bằng cách gửi trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện.
Thời gian nhà thầu chuẩn bị hồ sơ đề xuất tối thiểu là 18 ngày, kể từ ngày hồ sơ yêu cầu được phát hành đến ngày có thời điểm đóng thầu.
Trong trường hợp cần có kết quả đàm phán giá sớm thời gian chuẩn bị hồ sơ đề xuất tối thiểu là 05 ngày làm việc, kể từ ngày hồ sơ yêu cầu được phát hành đến ngày có thời điểm đóng thầu nhưng phải bảo đảm nhà thầu có đủ thời gian chuẩn bị hồ sơ đề xuất.
Trường hợp nhà thầu được mời đến đàm phán lại lần tiếp theo, nhà thầu phải nộp bản giá đề xuất mới trong thời gian quy định tại thư mời đàm phán của Đơn vị đàm phán giá.
Việc thực hiện đàm phán giá được quy định tại Điều 15 Thông tư 05/2024/TT-BYT như sau:
Việc đàm phán giá được thực hiện theo một trong các hình thức: trực tiếp hoặc thông qua văn bản hoặc phối hợp hình thức trực tiếp và thông qua văn bản.
Tổ liên ngành quyết định lựa chọn hình thức đàm phán trực tiếp hoặc thông qua văn bản hoặc phối hợp hình thức trực tiếp và thông qua văn bản.
- Đàm phán giá trực tiếp: Đơn vị đàm phán giá là đầu mối tổ chức các cuộc họp đàm phán giá giữa Tổ liên ngành và nhà thầu; có trách nhiệm gửi thư mời đàm phán giá kèm theo mức giá mong muốn
- Đàm phán giá thông qua văn bản: Đơn vị đàm phán giá là đầu mối dự thảo và gửi văn bản thông báo đến nhà thầu về ý kiến của Tổ liên ngành trong quá trình đàm phán giá và tiếp nhận văn bản đàm phán giá của nhà thầu.
Tổ liên ngành thực hiện đàm phán giá đối với mỗi mặt hàng đã được phê duyệt phương án đàm phán giá.
Trường hợp phương án đàm phán giá chỉ có một mức giá:
- Nhà thầu đề xuất giá thấp hơn hoặc bằng với mức giá mong muốn: Tổ liên ngành thống nhất mức giá của nhà thầu và kết thúc đàm phán giá;
- Nhà thầu đề xuất giá cao hơn mức giá mong muốn: Tổ liên ngành đề nghị nhà thầu rà soát điều chỉnh giá đề xuất. Việc đề nghị nhà thầu rà soát điều chỉnh giá được thực hiện tối đa 03 lần:
+ Trường hợp nhà thầu đề xuất giá thấp hơn hoặc bằng với mức giá mong muốn: Tổ liên ngành thống nhất mức giá của nhà thầu và kết thúc đàm phán giá;
+ Trường hợp nhà thầu vẫn đề xuất giá cao hơn mức giá mong muốn: Tổ liên ngành xem xét, đề xuất về kết quả đàm phán.
Trường hợp phương án đàm phán giá có khoảng giá:
- Nhà thầu đề xuất giá thấp hơn hoặc bằng với mức giá mong muốn thấp nhất trong khoảng giá: Tổ liên ngành thống nhất mức giá của nhà thầu và kết thúc đàm phán giá;
- Nhà thầu đề xuất giá trong khoảng giá: Tổ liên ngành đề nghị nhà thầu rà soát để điều chỉnh giá đề xuất. Căn cứ ý kiến của nhà thầu, Tổ liên ngành thống nhất mức giá của nhà thầu và kết thúc đàm phán giá.
- Nhà thầu đề xuất giá cao hơn mức giá cao nhất trong khoảng giá: Tổ liên ngành đề nghị nhà thầu rà soát để điều chỉnh giá đề xuất. Việc đề nghị nhà thầu rà soát để điều chỉnh giá được thực hiện tối đa 03 lần:
+ Trường hợp nhà thầu đề xuất giá thấp hơn hoặc bằng mức giá cao nhất trong khoảng giá: Tổ liên ngành thống nhất mức giá của nhà thầu và kết thúc đàm phán giá;
+ Trường hợp nhà thầu vẫn đề xuất giá cao hơn mức giá cao nhất trong khoảng giá: Tổ liên ngành xem xét, đề xuất về kết quả đàm phán.
Trường hợp nhà thầu đề xuất giá cao hơn giá đàm phán mong muốn:
- Tổ liên ngành đề nghị Đơn vị đàm phán giá thực hiện việc xin ý kiến về khả năng thay thế của thuốc, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm đàm phán giá bảo đảm nguyên tắc tổng số lượng nhu cầu của các đơn vị được xin ý kiến phải chiếm tối thiểu 50% tổng số lượng nhu cầu đề xuất:
+ Trường hợp có từ 70% trở lên các cơ sở y tế được tham khảo có ý kiến thuốc, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm cần thiết cho nhu cầu điều trị và không thể thay thế thì Tổ liên ngành thống nhất mức giá đề xuất của nhà thầu và kết thúc đàm phán giá;
+ Trường hợp có dưới 70% các cơ sở y tế được tham khảo có ý kiến thuốc, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm cần thiết cho nhu cầu điều trị và không thể thay thế thì Tổ liên ngành kết thúc đàm phán giá.
Cuối cùng, Tổ liên ngành thống nhất kết quả đàm phán giá, quyết định kết thúc đàm phán giá trên cơ sở có ý kiến đồng thuận của ít nhất 2/3 thành viên Tổ liên ngành. Căn cứ kết quả đàm phán giá do Tổ liên ngành thực hiện (bằng biên bản hoặc kết quả tổng hợp phiếu xin ý kiến), Đơn vị đàm phán giá thông báo kết quả đàm phán giá.