Câu chuyện bản quyền, sở hữu trí tuệ ở nước ta không còn mới mẻ, mà ở phương Tây lại càng là quy tắc không thể làm lơ. Thế nhưng vừa qua, nữ khoa học gia Alexandra Elbakyan đã làm một việc mà giới khoa học phải ngã ngửa.
Thông tin tham khảo từ nguồn Tinhte.vn
48 triệu nghiên cứu khoa học đã được phát hành miễn phí trên internet bởi Alexandra Elbakyan. Đây đa số là các nghiên cứu đã được bình duyệt và bà đã lập hẳn một trang web để chia sẻ các nghiên cứu này dễ dàng hơn tới những ai cần nó. Mặc dù có ý kiến cho rằng đây là việc làm vi phạm pháp luật, người khác lại cho rằng khoa học không thuộc sở hữu của ai,... nhưng hiện tại, nhiều người gọi bà là một Robin Hood của giới học thuật.
Từ năm 2011, Elbakyan đã thành lập trang chia sẻ báo cáo khoa học Sci-Hub và người ta thường gọi đùa đây chính là Pirates Bay của giới học thuật. Elbakyan là một nhà thần kinh học người Nga. Xuất phát từ việc không thể truy cập tới các tài liệu để phục vụ nghiên cứu của cá nhân, bà đã thành lập trang web này để mọi người có hoàn cảnh như bà có thể dễ dàng tìm được tài liệu cần thiết. Cho tới hồi cuối năm ngoái, tòa án New York đã ra yêu cầu gỡ bỏ trang web này và Elbakyan quyết định phản đối với lập luận rằng khoa học không thuộc về bất cứ ai.
Elbakyan cho biết: "Việc trả 32 đô la cho một nghiên cứu mà bạn cần chỉ để đọc lướt qua hàng chục hoặc hàng trăm trang báo cáo để phục vụ nghiên cứu là vô lý. Tôi lấy được những nghiên cứu đó bằng cách đánh cắp. Tất cả mọi người cần có quyền truy cập tới những kiến thức bất kể khả năng tài chính hoặc nguồn gốc của họ và đây là điều hoàn toàn hợp pháp."
Năm ngoái, tòa án New York đã yêu cầu tịch thu tên miền của Sci-Hub và Elbakyan phải đối mặt với số tiền bồi thường ít nhất là 750 tới 150.000 đô la cho mỗi nghiên cứu bị đánh cắp. Tổng cộng thì số tiền có thể lên tới hàng triệu đô la. Phía Elbakyan cũng không phải là chịu thua. Bà quyết định đâm đơn kháng cáo và kiện ngược lại nhà xuất bản Elsevier bởi mô hình kinh doanh của họ là vi phạm pháp luật. Bà cho rằng tri thức không thuộc sở hữu của bất kỳ ai và phải được cung cấp tới tất cả mọi người cần nó. Tuy nhiên, đây vẫn là một vấn đề còn tiếp tục gây tranh cãi và kết quả của vụ kiện này dù ai thắng ai thua sẽ tạo thành một tiền lệ trong tương lai.
Tự hỏi nếu chuyện này xảy ra ở Việt Nam thì sẽ như thế nào? Và, như bài viết đã nói "dù ai thắng ai thua sẽ tạo thành một tiền lệ trong tương lai". Nếu nữ khoa học gia thắng thì các nghiên cứu khoa học sẽ được công bố rộng rãi, miễn phí phục vụ cộng đồng hay không (nếu làm vậy thì cách nào để thu lại nguồn kinh phí hỗ trợ các nhà khoa học thực hiện nghiên cứu của họ?)? Mà nếu phạt bà, và vẫn khư khư cái Luật sở hữu trí tuệ thì những cá nhân có nhu cầu tiếp cận khoa học phải làm sao (cũng là một thiệt thòi lớn cho đất nước và nền khoa học chung của nhân loại!)?
Tình thế phân tích ra nghe bên nào cũng có lý, có tình. Không biết phải làm sao đây?