1. Cơ sở pháp lý:
– Luật hộ tịch 2014;
– Nghị định 123/2015/NĐ-CP;
– Thông tư 15/2015/TT-BTP.
2. Giải quyết vấn đề:
Khoản 12 Điều 4 Luật hộ tịch 2014 quy định:
"12. Cải chính hộ tịch là việc chỉnh sửa thông tin cá nhân trong Sổ hộ tịch hoặc trong bản chính giấy tờ hộ tịch và chỉ được thực hiện khi có đủ căn cứ để xác định có sai sót do lỗi của công chức làm công tác hộ tịch hoặc của người yêu cầu đăng ký hộ tịch."
Theo thông tin bạn cung cấp, trong giấy khai sinh của bạn, tên của mẹ bạn bị thiếu chữ "Thị" thì phải làm thủ tục cải chính hộ tịch. Tuy nhiên phải đảm bảo điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định 123/2015/NĐ-CP:
"2. Cải chính hộ tịch theo quy định của Luật Hộ tịch là việc chỉnh sửa thông tin cá nhân trong Sổ hộ tịch hoặc trong bản chính giấy tờ hộ tịch và chỉ được thực hiện khi có đủ căn cứ để xác định có sai sót do lỗi của công chức làm công tác hộ tịch hoặc của người yêu cầu đăng ký hộ tịch."
Như vậy, nếu bạn có căn cứ chứng minh có sai sót do lỗi của công chức làm công tác hộ tịch hoặc của người đăng ký khai sinh cho bạn ngày trước thì bạn sẽ thực hiện thủ tục cải chính hộ tịch nội dung giấy khai sinh.
Thủ tục cải chính hộ tịch theo quy định tại Điều 28 Luật hộ tịch 2014 như sau:
– Hồ sơ: Tờ khai cải chín hộ tịch theo quy định tại Thông tư 15/2015/TT-BTP, giấy khai sinh bản chính của bạn, giấy khai sinh bản chính của mẹ bạn, sổ hộ khẩu gia đình và chứng minh thư nhân dân của người đi thực hiện thủ tục.
– Nơi thực hiện thủ tục hành chính: Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân có thẩm quyền giải quyết việc cải chính hộ tịch cho người chưa đủ 14 tuổi; Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân có thẩm quyền giải quyết việc cải chính hộ tịch cho người trên 14 tuổi.
– Thời hạn giải quyết: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ.
+ Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 03 ngày làm việc.
– Trường hợp đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch không phải tại nơi đăng ký hộ tịch trước đây thì Ủy ban nhân dân cấp xã phải thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao trích lục hộ tịch đến Ủy ban nhân dân nơi đăng ký hộ tịch trước đây để ghi vào Sổ hộ tịch.
+ Trường hợp nơi đăng ký hộ tịch trước đây là Cơ quan đại diện thì Ủy ban nhân dân cấp xã phải thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao trích lục hộ tịch đến Bộ Ngoại giao để chuyển đến Cơ quan đại diện ghi vào Sổ hộ tịch.