Xin mạn phép đăng bài dưới đây của 1 trường hợp mà độc giả đã gửi câu hỏi cho Luật Sư. Xin mạn phép qua đây chia sẻ với các bạn độc Giả cùng mọi người tham khảo (nếu vướng vào các vụ việc tương tự để áp dụng nhé).
Độc giả hỏi:
“Tôi là Minh tại Hà Nội, đang có mua 1 loại font chữ để dùng riêng cho mục đích thương mại tại thị trường Việt Nam. Tôi muốn đăng ký bản quyền font chữ đó tại Cơ quan Cục Sở Hữu Trí Tuệ Việt nam.
Vậy, tôi cần làm những thủ tục gì và chuẩn bị những giấy tờ nào?”
Luật sư trả lời:
Chào bạn!
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến công ty Luật Newvision. Đối với trường hợp của bạn, chúng tôi xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Theo khoản 7 Điều 4 – Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, quy định tác phẩm là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào.
Đối với bản quyền font chữ, đó là loại hình được bảo hộ khá mới mẻ tại Việt Nam. Bản quyền về Font chữ được coi đó là tác phẩm tạo hình, mĩ thuật ứng dụng, được quy định là 1 loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả được quy định cụ thể tại điều 14 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005.
Vậy, tại sao phải đăng ký bản quyền tác giả đối với loại hình này? Quyền tác giả có nghĩa là được pháp luật, xã hội, quần chúng … công nhận cho cá nhân, tập thể, tổ chức đối với một tác phẩm văn học, khoa học, tác phẩm tạo hình,mĩ thuật ứng dụng … do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Các tác phẩm đó phải là sản phẩm trí óc của tác giả mà không đơn thuần là sự sao chép từ nguồn đã biết. Đăng ký bảo hộ bản quyền tác giả đối với tác phẩm sẽ đảm bảo cho người sáng tạo ra tác phẩm chống lại các hành vi sử dụng trái phép tác phẩm: như ăn trộm, sao chép, lạm dụng tác phẩm đó. Để tạo ra một tác phẩm có giá trị và sáng tạo, đòi hỏi sự lao động trí óc, trí tuệ, thời gian và tài chính. Việc đăng ký bản quyền tác giả là sự chứng nhận cho sự sáng tạo của con người, cụ thể đối với font chữ đó là bảo hộ sự sáng tạo đối với sự sáng tạo với hình dáng, kích thước, sự cách điệu đối với font chữ đó…
Để đăng ký bản quyền tác giả đối với font chữ, bạn cần chuẩn bị những giấy tờ sau:
- 03 mẫu tác phẩm;
- 03 bản giải trình về nội dung tác phẩm (giải trình chi tiết);
- Thông tin liên quan đến tác phẩm: Tên tác phẩm, thời gian công bố;
- Ý tưởng của tác giả sáng tạo tác phẩm;
- Bút danh của tác giả (nếu có);
- Thông tin cụ thể về tác giả: bản sao chứng thực chứng minh thư nhân dân, số điện thoại, Email; Fax;
- Giấy phép thành lập của tổ chức là chủ sở hữu tác phẩm (nếu có);
Theo đó, chúng tôi sẽ nộp đơn lên cục bản quyền tác giả theo những nội dung cần chuẩn bị theo quy định tại điều 50 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 như sau:
a) Tờ khai đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan.
Tờ khai phải được làm bằng tiếng Việt và do chính tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan hoặc người được ủy quyền nộp đơn ký tên và ghi đầy đủ thông tin về người nộp đơn, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hoặc chủ sở hữu quyền liên quan; tóm tắt nội dung tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình hoặc chương trình phát sóng; tên tác giả, tác phẩm được sử dụng làm tác phẩm phái sinh nếu tác phẩm đăng ký là tác phẩm phái sinh; thời gian, địa điểm, hình thức công bố; cam đoan về trách nhiệm đối với các thông tin ghi trong đơn.
Bộ Văn hóa – Thông tin quy định mẫu tờ khai đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan;
b) Hai bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả hoặc hai bản sao bản định hình đối tượng đăng ký quyền liên quan;
c) Giấy uỷ quyền, nếu người nộp đơn là người được uỷ quyền;
d) Tài liệu chứng minh quyền nộp đơn, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác do được thừa kế, chuyển giao, kế thừa;
đ) Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả;
e) Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả, quyền liên quan thuộc sở hữu chung.
(Nguồn: dangkybaohothuonghieu.vn)