Câu chuyện về mũ bảo hiểm thật giả có lẽ còn lâu lắm mới có hồi kết; hôm qua (23/5/2013) Tổ chức Y tế thế giới đã chính thức công bố kết quả khảo sát chất lượng mũ bảo hiểm tại Việt Nam.
Theo đó, thị trường Việt Nam hiện nay chỉ có 46% nón bảo hiểm đạt chất lượng; điều đáng ngại nhất là không ít nón dán mác “tem thật” trên nón bảo hiểm “giả”.
Chỉ 46% nón bảo hiểm trên thị trường đảm bảo chất lượng
Các cơ quan nhà nước đang rục rịch đòi xử phạt “ông dân” nào đội nón bảo hiểm “giả”, nón bảo hiểm “kém chất lượng”. Những lời "ngụy biện" của các cơ quan này đầy rẫy sự “khiên cưỡng”, bởi nếu nói “do quản lý yếu kém” thì ngồi ăn lương từ ngân sách quá khó coi; phải tìm nơi nào đó trút bỏ trách nhiệm, đổ lên đầu người dân có lẽ là giải pháp “cưỡng chế khả thi nhất”.
Rầm rì với tem thật, tem giả, không ít người tặc lưỡi nói rằng cơ quan nhà nước đang “tuyển người mẫu”, chỉ nhìn “cái mác bên ngoài” để nhận định chất lượng bên trong. Bởi đa số tem dán trên mũ bảo hiểm hiện nay hoàn toàn có thể “chuyển đổi từ nón này sang nón khác”.
Nhìn "tem" có thể biết chất lượng nón thật/giả? giả (Ảnh minh họa)
Với những thông tin “cứng rắn” từ chính quyền, người dân chất phác phải chạy đôn chạy đáo đi tìm mua nón bảo hiểm có tem thật (mà chưa chắc đảm bảo chất lượng); kẻ gian xảo thì trộm cắp, tráo tem, lấy tem thật từ nón người khác dán vào nón mình; thị trường nón bảo hiểm hỗn độn và khó kiểm soát hơn vì “thật giả bất minh”. Vậy nên đề xuất Bộ Công thương cho mẫu tem mới xem ra không thay đổi được gì, gây thiệt hại cho dân và doanh nghiệp, đồng thời thị trường nón bảo hiểm sẽ loạn thêm, nạn trộm cắp nón tăng lên!
Tem thật dán trên mũ bảo hiểm giả, câu chuyện đau đầu và không phải là trách nhiệm của dân, nhưng dân đã và đang lãnh đủ!