Một quy định mới nữa trong Thông tư 70 là cơ quan điều tra phải tạo điều kiện thuận lợi cho người bào chữa đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án sau khi kết thúc điều tra.
Tháng 10-2011, bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 70 hướng dẫn chi tiết thi hành các quy định của BLTTHS liên quan đến việc bảo đảm quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra án hình sự (có hiệu lực thi hành từ ngày 25-12-2011).
Là một trong những đầu mối được Liên đoàn Luật sư Việt Nam giao nhiệm vụ tham gia đề xuất, tổng hợp ý kiến đóng góp vào quá trình hoàn thiện dự thảo thông tư, TS-LS Phan Trung Hoài, Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ quyền lợi luật sư, đã có bài viết về một số nội dung đáng chú ý của thông tư này. Chúng tôi xin giới thiệu tới bạn đọc.
Việc Bộ Công an ban hành Thông tư số 70 ngày 10-10-2011 (đúng ngày truyền thống luật sư) đã thể hiện bước đột phá về nhận thức của lãnh đạo và các cơ quan điều tra thuộc lực lượng công an về vị trí, vai trò của luật sư trong quá trình dân chủ hóa hoạt động tố tụng. Bởi lẽ, nhiều nội dung của thông tư đã trực tiếp tháo gỡ những khó khăn của luật sư khi tham gia tố tụng trong giai đoạn điều tra hiện nay.
Tôn trọng, bảo đảm quyền bào chữa
Điểm đáng chú ý đầu tiên là Thông tư 70 đã khẳng định ý nghĩa của nguyên tắc tôn trọng và bảo đảm quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra. Cụ thể, Điều 3 Thông tư khẳng định các nguyên tắc “tôn trọng và bảo vệ quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa của người bị tạm giữ, bị can; quyền của người bào chữa” và “bảo đảm sự vô tư, khách quan trong hoạt động bào chữa”.
Có thể thấy các nguyên tắc nói trên là sự quán triệt quan niệm, nhận thức và nội dung của quyền bào chữa và nhờ người khác bào chữa - một trong những quyền cơ bản của công dân được ghi nhận trong hiến pháp và BLTTHS. Song song đó, thông tư cũng đòi hỏi người bào chữa tham gia tố tụng trên tinh thần bảo đảm sự vô tư, khách quan trong hoạt động bào chữa.
Tạo thuận lợi về thủ tục
Lần đầu tiên, thông tư đã ràng buộc trách nhiệm của cơ quan điều tra, điều tra viên là ngay từ khi giao quyết định tạm giữ, quyết định khởi tố bị can, điều tra viên phải đọc, giải thích cho người bị tạm giữ, bị can về các quyền và nghĩa vụ. Đặc biệt, trong biên bản phải ghi rõ ý kiến của họ về việc có nhờ người bào chữa hay không.
Điều 4 Thông tư 70 quy định chi tiết từng trường hợp người bị tạm giữ, bị can viết giấy đề nghị người bào chữa, đồng thời quy định trong vòng 24 giờ kể từ khi họ viết giấy đề nghị, cơ quan điều tra phải thông báo và gửi bằng thư bảo đảm hoặc chuyển phát nhanh đến người bào chữa. Nếu người bị tạm giữ, bị can chưa nhờ người bào chữa thì trong lần đầu lấy lời khai, điều tra viên phải hỏi rõ họ có nhờ người bào chữa hay không và phải ghi ý kiến đó vào biên bản.
Một vấn đề quan trọng là sự thống nhất các loại giấy tờ khi luật sư liên hệ làm thủ tục cấp giấy chứng nhận người bào chữa phù hợp với quy định tại Điều 27 Luật Luật sư, tránh tình trạng cơ quan điều tra bắt luật sư nộp các loại giấy tờ luật không quy định. Điều 5 Thông tư đã giảm phiền hà, tăng trách nhiệm của cơ quan điều tra trong thủ tục, đảm bảo thời hạn cấp giấy chứng nhận người bào chữa và thời hạn thông báo về sự tham gia có mặt của luật sư trong các buổi làm việc với người bị tạm giữ, bị can. Ngoài ra, quy định còn cho phép mở rộng cách thức tiếp nhận và thủ tục cấp giấy chứng nhận người bào chữa trực tiếp, qua đường bưu điện hoặc đường công văn.
Thông tư còn quy định khi nhận được hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận người bào chữa, cơ quan điều tra phải đóng dấu công văn đến, ghi rõ giờ, ngày, tháng, năm nhận và giao ngay cho điều tra viên, cán bộ được phân công. Điều này làm cơ sở cho việc tính thời hạn cấp giấy chứng nhận người bào chữa trong vòng ba ngày đối với bị can và trong vòng 24 giờ đối với trường hợp tạm giữ người.
Tham gia hỏi cung dễ dàng hơn
Hiện nay, sau khi được cấp giấy chứng nhận người bào chữa, nhiều trường hợp luật sư không được cơ quan điều tra, điều tra viên giao các quyết định tố tụng, thông báo cách thức liên lạc, kế hoạch làm việc...
Điều 7 Thông tư 70 quy định rõ: Sau khi cấp giấy chứng nhận người bào chữa, điều tra viên phải giao các quyết định tố tụng liên quan đến người được bào chữa cho người bào chữa và thông báo cách thức liên lạc với họ khi cần thông báo về thời gian, địa điểm lấy lời khai người bị tạm giữ, hỏi cung bị can.
Đặc biệt, điều tra viên phải thông báo về thời gian, địa điểm lấy lời khai người bị tạm giữ, hỏi cung bị can cho người bào chữa trước 24 giờ, trường hợp người bào chữa ở xa có thể thông báo trước 48 giờ. Về nội dung, khi lấy lời khai, nếu điều tra viên đồng ý cho người bào chữa được hỏi người bị tạm giữ, bị can thì phải ghi câu hỏi và câu trả lời vào biên bản...
Cho ghi chép, sao chụp tài liệu
Một quy định mới nữa trong Thông tư 70 là cơ quan điều tra phải tạo điều kiện thuận lợi cho người bào chữa đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án sau khi kết thúc điều tra.
Cụ thể, theo Điều 11 Thông tư 70, điều tra viên phải tập trung những tài liệu có trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa thành một tập hồ sơ. Nếu người bào chữa đề nghị đọc và ghi chép, điều tra viên bố trí cho họ đọc, ghi chép tại phòng làm việc thuộc trụ sở cơ quan điều tra... Nếu người bào chữa đề nghị sao chụp tài liệu, điều tra viên trực tiếp sao chụp (bằng máy photocopy) đưa cho họ. Việc đọc, ghi chép, sao chụp phải được lập biên bản ghi nhận, tài liệu giao cho người bào chữa phải có bản thống kê các tài liệu kèm theo...
Cụ thể hóa quyền thu thập tài liệu, đồ vật...
Theo Điều 9 Thông tư 70, cơ quan điều tra, điều tra viên có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để người bào chữa thu thập đồ vật, tình tiết liên quan đến việc bào chữa từ người bị tạm giữ, bị can, người thân thích của những người này hoặc từ cơ quan, tổ chức, cá nhân theo yêu cầu của người bị tạm giữ, bị can nếu không thuộc bí mật Nhà nước, bí mật công tác.
Về thủ tục, khi người bào chữa thu thập được tài liệu, đồ vật liên quan đến việc bào chữa giao cho cơ quan điều tra thì điều tra viên lập biên bản tiếp nhận và đưa vào hồ sơ vụ án. Trường hợp người bào chữa yêu cầu, nếu thấy yêu cầu có liên quan đến việc bào chữa thì điều tra viên lập biên bản ghi nhận yêu cầu của người bào chữa.
Cho gặp người bị tạm giữ, tạm giam
Một vấn đề rất quan trọng được quy định tại Điều 10 Thông tư 70 là “khi người bào chữa có văn bản đề nghị cơ quan điều tra cho gặp người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam thì cơ quan điều tra phải làm các thủ tục theo quy định của pháp luật để người bào chữa gặp người bị tạm giữ, bị can; nếu từ chối cho gặp thì phải thông báo cho người bào chữa biết bằng văn bản và nêu rõ lý do từ chối”.
Điều này có nghĩa việc gặp người bị tạm giữ, bị can bị tạm giam là quyền của người bào chữa và là nghĩa vụ của cơ quan điều tra. Nếu thực thi nghiêm túc sẽ tránh được tình trạng trong giai đoạn điều tra, việc người bào chữa gặp người bị tạm giữ, bị can bị tạm giam phần lớn tùy thuộc vào việc cơ quan điều tra, điều tra viên cho phép hay không.
Theo phapluattp.vn
Luật sư: NGUYỄN VĂN NGUYÊN
CÔNG TY LUẬT HƯNG NGUYÊN - ĐOÀN LUẬT SƯ THÀNH PHỐ HÀ NỘI
http://dichvutuvanluat.com - http://dichvuluatsu247.com
Hotline: 0987.756.263/0947.347.268
ĐT: 04.8585 7869