Từ nửa đầu thế kỷ 20, thành ngữ "Cưỡi ngựa xem hoa" đã xuất hiện trong văn bản tiếng Việt. Vậy "cưỡi ngựa xem hoa" có nghĩa là gì? Văn hóa làm việc theo kiểu "cưỡi ngựa xem hoa" ngày nay có ảnh hưởng tiêu cực hay tích cực? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.
1. Cưỡi ngựa xem hoa nghĩa là gì?
Thành ngữ "Cưỡi ngựa xem hoa" trong tiếng Việt có nghĩa là làm việc một cách qua loa, không tập trung hoặc không chú ý đến chi tiết. Điển tích điển cố này bắt nguồn từ hình ảnh của một người cưỡi ngựa và chỉ nhìn ngắm hoa một cách lướt qua mà không thực sự ngắm nghía hay cảm nhận hết vẻ đẹp của chúng. Từ đó, nó được dùng để chỉ những người không hoàn toàn tập trung vào công việc, thực hiện công việc một cách cẩu thả và không cẩn thận.
Tuy câu chuyện này có một kết thúc vui vẻ hài hước, nhưng “cưỡi ngựa xem hoa” không phải là thái độ cần có khi làm việc hoặc khi quan sát sự việc.
2. Người lao động làm việc theo kiểu "cưỡi ngựa xem hoa" có bị xử lý kỷ luật lao động hay không?
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động có quyền quản lý, điều hành, giám sát đối với người lao động trong việc thực hiện công việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động.
Đồng thời, theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Bộ luật Lao động 2019, người lao động có nghĩa vụ thực hiện đúng, đủ công việc mà người sử dụng lao động đã đề ra. Việc làm việc theo cách "cưỡi ngựa xem hoa", không tập trung dẫn đến chậm tiến độ công việc sẽ ảnh hưởng tiến độ sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động, thậm chí một số trường hợp do cẩu thả, không cẩn thận còn có thể gây ra những thiệt hại nhất định cho người sử dụng lao động.
Tuy nhiên, người lao động chỉ bị xử lý kỷ luật lao động nếu hành vi thực hiện công việc theo cách "cưỡi ngựa xem hoa" được quy định là hành vi vi phạm nội quy lao động. Nếu nội quy lao động, hợp đồng lao động không quy định về vấn đề này, người lao động sẽ không thể bị xử lý kỷ luật lao động.
Ngược lại, nếu nội quy lao động liệt kê hành vi thực hiện công việc theo cách "cưỡi ngựa xem hoa" vào hành vi vi phạm kỷ luật thì theo Điều 124, Điều 125 Bộ luật Lao động 2019, tùy vào mức độ vi phạm mà người lao động có thể bị khiển trách hoặc kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng hoặc cách chức.
Trường hợp vi phạm đã bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương hoặc cách chức mà tái phạm trong thời gian chưa xóa kỷ luật thì người lao động có thể bị sa thải.
3. Có được phép trừ lương người lao động thường xuyên làm việc cẩu thả hay không?
Như đã phân tích, nếu việc người lao động thường xuyên làm việc cẩu thả là vi phạm nội quy lao động thì doanh nghiệp hoàn toàn có thể áp dụng các hình thức kỷ luật lao động mà doanh nghiệp đã quy định trong nội quy lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 118 Bộ luật Lao động 2019 nhưng không được trừ lương của người lao động. Bởi đây là một trong những hành vi bị cấm khi xử lý kỷ luật lao động tại Điều 127 Bộ luật Lao động 2019.
Với hành vi làm việc cẩu thả, không cẩn thận mà gây ra thiệt hại về tài sản cho công ty thì người lao động phải thực hiện bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 129 Bộ luật Lao động 2019. Thậm chí trong trường hợp gây thiệt hại với hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, người lao động còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
4. Có được đơn phương chấm dứt hợp đồng với người lao động thường xuyên làm việc cẩu thả hay không?
Đồng thời, việc thường xuyên làm việc cẩu thả dẫn đến chất lượng công việc không đáp ứng yêu cầu, người lao động có thể bị đánh giá là thường xuyên không hoàn thành công việc được giao. Đây là một trong những lý do mà người sử dụng lao động có thể tận dụng để đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động 2019.
Tuy nhiên, để chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động theo lý do này thì trước đó, người sử dụng lao động đã phải ban hành quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc, đồng thời chứng minh người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo các tiêu chí đánh giá đã được quy định.
Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc mặc dù do người sử dụng lao động ban hành nhưng vẫn phải tham khảo ý kiến tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (nếu có).
Lúc này, để đơn phương chấm dứt hợp đồng với người lao động thường xuyên làm việc cẩu thả, công ty phải tuân thủ điều kiện về thời gian báo trước, cụ thể:
- Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
- Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;
- Ít nhất 03 ngày làm việc đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng.
Như vậy, ngày nay thành ngữ "cưỡi ngựa xem hoa" được dùng để chỉ việc làm qua loa, đại khái chứ không đi sâu vào chi tiết (việc mà đáng lẽ ra phải làm cẩn trọng, chi tiết hơn). Văn hóa làm việc theo kiểu "cưỡi ngựa xem hoa" này ít nhiều có ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng công việc. Đây cũng là một thói quen cần được loại bỏ, mỗi người lao động cần phải ý thức được những việc mình đang làm để có thể nhận được sự tin tưởng, tín nhiệm từ những người xung quanh.