Cụm rạp bán vé cho học sinh xem phim có dán nhãn 18+ bị xử phạt thế nào?

Chủ đề   RSS   
  • #608805 22/02/2024

    phucpham2205
    Top 50
    Trung cấp

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:31/01/2024
    Tổng số bài viết (1346)
    Số điểm: 26758
    Cảm ơn: 2
    Được cảm ơn 553 lần


    Cụm rạp bán vé cho học sinh xem phim có dán nhãn 18+ bị xử phạt thế nào?

    Xôn xao dư luận gần đây vụ việc học sinh xem phim Mai dù chưa đủ 18 tuổi. Phim dán nhãn 18+ là gì? Tiêu chí phân loại phim gồm những gì? Cụm rạp có thể bị xử phạt như thế nào?

    (1) Phim dán nhãn 18+ là gì?

    Căn cứ theo Khoản 1 Điều 32 Luật Điện ảnh 2022 được hướng dẫn bởi Điều 2 Thông tư 05/2023/TT-BVHTTDL về mức phân loại phim như sau:

    - Loại P: phim được phép phổ biến đến người xem ở mọi độ tuổi.

    - Loại K: được phổ biến người xem dưới 13 tuổi với điều kiện xem cùng cha mẹ hoặc người giám hộ.

    - Loại T13 (13+): phim được phổ biến và phù hợp với người xem từ đủ 13 tuổi trở lên.

    - Loại T16 (16+): phim được phổ biến và phù hợp với người xem từ đủ 16 tuổi trở lên.

    - Loại T18 (18+): phim được phổ biến và phù hợp với người xem từ đủ 18 tuổi trở lên.

    - Loại C: phim không được phép phổ biến.

    Như vậy, phim được dán nhãn 18+ hay nhãn T18 là phim dành cho các khán giả từ đủ 18 tuổi trở lên và không phù hợp với trẻ vị thành niên.

    (2) Tiêu chí phân loại phim

    Căn cứ theo Khoản 2 Điều 32 Luật Điện ảnh 2022 được hướng dẫn bởi Điều 3 Thông tư 05/2023/TT-BVHTTDL thì một bộ phim được phân loại dựa theo các nguyên tắc chung như sau:

    Việc phân loại phim đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ trẻ em và các đối tượng dễ bị tổn thương khỏi nội dung không phù hợp, đồng thời giúp người xem lựa chọn phim phù hợp với độ tuổi và khả năng tiếp nhận. Nguyên tắc cốt lõi của việc phân loại phim bao gồm: 

    - Ưu tiên bảo vệ trẻ em và những người dễ bị ảnh hưởng bởi nội dung phim không phù hợp. 

    - Đánh giá dựa trên cách thể hiện và tác động: Xem xét cách thức thể hiện, tình huống, bối cảnh, mức độ tương tác, tần suất, thời lượng, chi tiết của hình ảnh, âm thanh, ánh sáng, lời thoại và mức độ tác động của phim đối với người xem. Bối cảnh và mức độ tác động là yếu tố quan trọng nhất trong việc phân loại. 

    - Phim có thể được phân loại ở mức thấp hơn nếu nội dung được miêu tả bằng lời nói thay vì hình ảnh.

    - Phim có thể được phân loại ở mức cao hơn nếu có chứa nhiều chi tiết, bao gồm cả việc quay cận cảnh và quay chậm. Sử dụng kỹ thuật tạo điểm nhấn như ánh sáng, phối cảnh, độ phân giải. 

    - Sử dụng hiệu ứng đặc biệt về ánh sáng, âm thanh, độ phân giải, màu sắc, kích thước hình ảnh, đặc điểm và tông màu. Nội dung được tả thực thay vì cách điệu. Mức độ tác động cộng hưởng của nhiều tiêu chí phân loại cao. 

    Ngoài ra, trường hợp phim ở giữa các mức phân loại thì căn cứ xem phim có cách xử lý tình huống và kết quả thể hiện thông điệp giáo dục, nhân văn, ca ngợi các giá trị đạo đức, xã hội, tác động tích cực tới người xem sẽ được xem xét phân loại ở mức thấp hơn.

    Dựa trên những nguyên tắc chung nêu trên có thể chia ra thành 07 tiêu chí dùng để phân loại phim như sau:

     

    Tiêu chí

    Cụ thể

    Tiêu chí về chủ đề, nội dung

    - Mức độ tác động đến việc hình thành cảm xúc, tư tưởng, thẩm mỹ, khả năng hiểu biết và việc chấp nhận về chủ đề, nội dung đối với từng nhóm người xem theo độ tuổi; 

    - Không gây nhận thức sai lệch về các giá trị đạo đức, thuần phong mỹ tục, quan hệ gia đình, xã hội; dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo; quyền trẻ em, phân biệt đối xử và các chủ đề nhạy cảm, ngụ ý, ẩn dụ.

    Tiêu chí về bạo lực.

    - Tính thực tế của các tình huống, sự hiện diện của trẻ em, phụ nữ trong các cảnh bạo lực, các cảnh ngược đãi động vật.

    - Các cảnh khuyến khích bạo lực, các nhân vật tự thỏa mãn trong đau đớn, tôn vinh, phô trương bạo lực.

    - Bạo lực vô cớ, những nội dung khiến người xem cho rằng nạn nhân thích thú với bạo lực hoặc khuyến khích người xem bắt chước.

    - Hành vi bạo lực thể hiện trong phim được miêu tả hài hước, cường điệu hoặc giả tưởng; mục đích miêu tả nhằm lên án hành vi bạo lực, kết quả thể hiện sự tích cực, phê phán, loại trừ cái ác, cái xấu.

    - Miêu tả chi tiết hành vi phạm tội và bạo lực có sử dụng các loại hung khí; những hình ảnh gây đau đớn, chảy máu, nhẫn tâm đối với nạn nhân

    Tiêu chí về khỏa thân, tình dục

    - Chủ đề, nội dung, hình ảnh khỏa thân, hoạt động tình dục không nhằm mục đích khiêu dâm hay tấn công tình dục trừ trường hợp lên án, phê phán hành vi này; có mục đích hoặc thông điệp giáo dục, phù hợp với nội dung phim.

    - Các hành vi có mục đích hoặc tạo cảm hứng kích thích hoạt động tình dục.

    - Các hành động bạo lực tình dục bao gồm hiếp dâm và bạo lực tình dục ép buộc, có sự tham gia của nhóm nhân vật; nhấn mạnh các yếu tố nỗi đau, sự sợ hãi của nạn nhân, tập trung vào các hình ảnh nạn nhân bị chế ngự, bất lực, sự thích thú của kẻ tấn công

    - Cách thể hiện hình ảnh khỏa thân, hoạt động tình dục như dàn dựng trực tiếp, trực diện hoặc gián tiếp bằng âm thanh, ngôn ngữ, cử chỉ, hiệu ứng hình ảnh.

    - Miêu tả các hoạt động tình dục từ hành động ôm hôn, nhưng không miêu tả chi tiết.

    - Tần suất thể hiện hình ảnh khỏa thân, hoạt động tình dục.

    - Độ tuổi của nhân vật trong các cảnh tình dục.

    - Mức độ tác động của hoạt động tình dục đến người xem.

    Tiêu chí về ma túy, chất kích thích, chất gây nghiện

    Nội dung không nhằm hướng dẫn sản xuất, sử dụng trái phép, quảng cáo, tiếp thị, mua bán, vận chuyển, tàng trữ hoặc mục đích vi phạm pháp luật khác trừ trường hợp lên án, phê phán hành vi này và phù hợp với nội dung phim.

    Tiêu chí về kinh dị

    - Các yếu tố gây căng thẳng, kích thích hoặc tạo cảm giác đe dọa, ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe người xem.

    - Mức độ tác động của hiệu ứng âm thanh, hình ảnh kinh dị một cách chân thực, kích thích và liên tục.

    - Sắc thái và không khí chung của toàn bộ phim, thời lượng và tần suất của các cảnh kinh dị.

    Tiêu chí về ngôn ngữ thô tục

    - Các ngôn ngữ, cử chỉ thô lỗ, hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thô tục, lăng mạ, tục tĩu, nói bậy, bao gồm cả tiếng lóng.

    - Mức độ thô tục của ngôn ngữ, bối cảnh được sử dụng, tính nhạy cảm của cộng đồng, văn hóa và xã hội liên quan đến việc sử dụng hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thô tục.

    - Lời thoại có khả năng kích động mối quan tâm đến hoạt động lạm dụng tình dục.

    - Ngôn ngữ phân biệt đối xử, vi phạm quyền con người, thuần phong mỹ tục.

    Tiêu chí về hành vi nguy hiểm, dễ bắt chước

    - Miêu tả chi tiết bằng hình ảnh hoặc ngôn ngữ về các kỹ thuật phạm tội, bạo lực, hướng dẫn sử dụng các loại hung khí dễ dàng tiếp cận như dao kéo, vật nhọn, đồ vật có thể gây tổn thương, sát thương trừ trường hợp lên án hành vi này và phù hợp với nội dung phim.

    - Miêu tả một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, bao gồm sự khuyến khích hoặc kích thích các hành động có thể khiến người xem bắt chước như: sử dụng ma túy, vũ khí, hành vi tự sát, tự làm hại bản thân, bạo lực học đường, hoặc các hành động vi phạm pháp luật khác.

    - Mức độ tác động đến người xem một cách có ý thức hoặc vô thức.

    (3) Cụm rạp bán vé cho học sinh xem phim có dán nhãn 18+ bị xử phạt thế nào?

    Căn cứ theo Khoản 4 Điều 8 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định về mức xử phạt cho hành vi vi phạm quy định về phổ biến phim như sau:

    - Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với hành vi phổ biến phim cho khán giả không đúng độ tuổi theo quy định hoặc để khán giả không đúng với độ tuổi theo quy định vào rạp xem phim.

    Như vậy, trường hợp cụm rạp bán vé cho học sinh vào xem phim có dán nhãn 18+ có thể bị xử phạt từ 30 đến 40 triệu đồng.

     
    362 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận