Mới đây, cụ T (89 tuổi, ngụ TP Bến Tre) gửi đơn đến báo Pháp Luật TP.HCM nói về việc muốn được từ con, cháu.
Cụ T cho biết mình có 10 người con, nay cụ muốn đuổi ba người cùng con dâu và hai cháu nội ra khỏi mối quan hệ gia đình; không cho phép những người này gọi mình là mẹ, bà.
Theo cụ T, việc đưa ra quyết định từ con khiến cụ rất đau lòng nhưng việc gì cũng có nguyên nhân của nó.
Cụ T cho biết hiện những người con, cháu trên đang đứng đơn khởi kiện, đòi cụ phải chia nhà đất với lý do “chia thừa kế theo pháp luật” phần tài sản do chồng cụ để lại. Tuy nhiên, trên thực tế, sau khi chồng cụ qua đời, phần đất của cụ ông trong khối tài sản chung đã được chia thừa kế cho cả 10 người con, gồm cả những người đang kiện cụ.
Ngày 19 và 20-5 vừa qua, hai trong ba người con mà cụ muốn từ đã xông vào nhà cụ cắt, phá hàng rào B40 với lý do “đất tranh chấp”, buộc cụ T phải trình báo công an.
“Vì tham lam mà những con người này bất chấp kiện cả mẹ/bà ra tòa án là điều tôi không thể tha thứ” - cụ T bày tỏ.
Cha mẹ nuôi được chấm dứt mối quan hệ với con nuôi
Mặc dù luật không có quy định về việc từ con do mình đẻ ra nhưng lại có quy định về việc chấm dứt nuôi con nuôi. Cụ thể, theo Điều 25
Luật Nuôi con nuôi 2010, việc nuôi con nuôi có thể bị chấm dứt trong một số trường hợp như: Con nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của cha mẹ nuôi; ngược đãi, hành hạ cha mẹ nuôi…
Sau khi chấm dứt việc nuôi con nuôi thì quyền, nghĩa vụ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi cũng chấm dứt từ ngày quyết định của tòa án có hiệu lực.
Con nuôi có tài sản riêng thì được nhận lại tài sản đó; nếu có đóng góp vào khối tài sản chung của cha mẹ nuôi thì được hưởng phần tài sản tương xứng với công lao đóng góp. Con nuôi có quyền lấy lại họ, tên của mình như trước khi được cho làm con nuôi.
Pháp luật không quy định về việc cha mẹ từ con cái
Trao đổi với PV về vụ việc trên, luật sư (LS) Võ Đan Mạch, Đoàn LS TP.HCM, cho biết xem xét dưới khía cạnh lịch sử, đạo đức, truyền thống dân tộc Việt Nam thì quan hệ giữa cha đẻ, mẹ đẻ và con ruột được hình thành một cách tự nhiên bằng con đường huyết thống.
Vì vậy, như một lẽ tất yếu, quan hệ này không thể bị chấm dứt, xóa bỏ theo ý chí chủ quan của con người, bao gồm cả trường hợp chủ thể muốn chấm dứt là cha, mẹ hay con cái.
Cạnh đó, pháp luật bắt nguồn từ cuộc sống và phải có sự hài hòa, điều chỉnh phù hợp với các quy luật tự nhiên, tư tưởng, truyền thống của mỗi quốc gia, cho nên không thể định đoạt việc chấm dứt quan hệ huyết thống.
Do vậy, mặc dù trong thực tế có những trường hợp con ruột có hành vi, xử sự không đúng, vi phạm chuẩn mực đạo đức, thậm chí là vi phạm pháp luật; tuy nhiên, cha đẻ, mẹ đẻ vẫn không có bất kỳ cơ chế pháp lý nào để yêu cầu tòa án hay bất cứ cơ quan nào khác giải quyết cho việc chấm dứt quan hệ cha, mẹ, con (ngôn ngữ dân gian hay gọi là từ con).
Đồng tình, LS Nguyễn Thành Kính, Đoàn LS TP.HCM, cho rằng pháp luật không có quy định về việc cha mẹ từ con ruột. Tuy nhiên, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định: “Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ”.
Như vậy, có thể thấy pháp luật hiện nay không những không có bất kỳ quy định nào cho phép hay điều chỉnh về việc chấm dứt mối quan hệ huyết thống giữa cha mẹ và con cái, mà mối quan hệ đặc biệt này còn được pháp luật bảo vệ bằng những quy định hết sức rõ ràng.
Muôn kiểu từ con trên thực tế
Mặc dù pháp luật không có quy định điều chỉnh nhưng trên thực tế có rất nhiều kiểu cha mẹ từ con. Chẳng hạn như nghệ sĩ cải lương M lựa chọn con đường đăng báo để từ con gái đầu.
Trước đó, người con gái này lợi dụng lúc nghệ sĩ M bị bệnh nặng đã liên lạc với bạn bè, người thân, người ái mộ của ông bên Mỹ để quyên góp tiền, quà. Sau khi biết chuyện, nghệ sĩ M đã nhiều lần gọi điện thoại sang Mỹ xin lỗi những người này và yêu cầu con chấm dứt ngay việc làm đó. Đồng thời, nghệ sĩ M đã nhờ báo chí đăng thông báo từ con như trên.
Tuy nhiên, LS Võ Đan Mạch cho rằng việc đăng báo chỉ có ý nghĩa về mặt thông tin chứ không làm phát sinh các hệ quả pháp lý trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Đồng thời, nếu con cái đã thành niên vay mượn, lừa đảo người khác thì phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình, cha mẹ không phải chịu trách nhiệm.
Một trường hợp khác, TAND một quận tại TP.HCM đã từ chối thụ lý vụ ông bà T yêu cầu tòa cho từ đứa con trai của mình vì anh này thường xuyên lấy cắp tài sản trong nhà đem đi cầm hay bán, nợ nần rồi bắt ông bà phải trả; sẵn sàng chửi bới, đánh đập cha mẹ. Sau khi xem xét, tòa án đã từ chối thụ lý vì hiện nay pháp luật không có quy định nào về vấn đề này.
Ngoài ra, thực tiễn còn có một hình thức từ con được nhiều người áp dụng đó là cha mẹ lập di chúc, không cho con thừa kế di sản sau khi cha mẹ mất.
Tuy nhiên, hình thức này không thể áp dụng với con chưa thành niên hoặc con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động, bởi theo Điều 644
Bộ luật Dân sự 2015 thì đây là những đối tượng được thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc. Họ vẫn được hưởng phần di sản bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật.