Mới đây, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã ra Công văn hỏa tốc 4224/TCĐBVN-TC về việc triển khai việc sử dụng tên gọi trạm thu phí.
- Công văn nêu rõ, để thống nhất tên gọi dễ hiểu, đơn giản, được người dân và doanh nghiệp đồng tình chấp thuận, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu đổi tên trạm thu giá thành trạm thu phí.
- Đồng thời, thay thế từ “giá” bằng từ “phí” trong các cụm từ “trạm thu giá”, “biểu giá”, “mức giá” trên hệ thống biển tên trạm, biển chỉ dẫn, tên bảng niêm yết mức thu và trên vé thu.
- Thời gian hoàn thành trước ngày 20/7/2018, vé đã in được tiếp tục sử dụng cho đến khi có vé mới.
Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đã quyết định tên các trạm thu phí đường bộ bằng trạm thu giá nhưng vấp phải nhiều ý kiến phản đối của dư luận, bởi về bản chất, thu phí và thu giá là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.
Liên quan đến trạm thu phí, dưới đây mình sẽ liệt kê những hành vi sẽ bị xử lý khi vi phạm ở trạm thu phí với từng đối tượng có liên quan
* Tài xế có thể bị phạt những lỗi nào ở trạm thu phí?
Tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định nhiều hành vi vi phạm giao thông mà tài xế ôtô có thể mắc phải và bị xử phạt tại khu vực trạm thu phí.
- Phạt tiền từ 100.000 đến 200.000 đồng: Hành vi không chấp hành hiệu lệnh của biển báo; không giữ khoảng cách an toàn để xảy ra va chạm với xe chạy liền trước hoặc không giữ khoảng cách theo quy định của biển báo hiệu “cự ly tối thiểu giữa hai xe”.
- Phạt 300.000 - 400.000 đồng: Chuyển làn đường không đúng nơi cho phép hoặc không có tín hiệu báo trước.
- Phạt 600.000 - 800.000 đồng: Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 5 km/h đến dưới 10 km/h.
- Phạt 800.000 - 1.200.000 đồng: Người điều khiển xe ôtô có hành vi "dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe trái quy định gây ùn tắc giao thông".
- Phạt 1.200.000 - 2.000.000 đồng: Không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông.
>>> Ngoài ra, với các hành vi vi phạm trên ở khu vực trạm thu phí, tài xế ôtô còn bị tước giấy phép lái xe 1-5 tháng.
Ngoài ra, theo Bộ Luật hình sự năm 2015, với những trường hợp người điều khiển ôtô cố ý không chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát, cố ý dừng, đỗ phương tiện cản trở, gây ách tắc giao thông dẫn đến hậu quả nghiêm trọng còn bị xử lý trách nhiệm hình sự về tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ", có thể bị phạt tù 3 đến 10 năm.
Ngày 9/3, Cảnh sát giao thông, Công an quận Thốt Nốt, Cần Thơ lập biên bản xử phạt 150.000 đồng với một tài xế ôtô lỗi 'Không chấp hành hiệu lệnh của biển báo dừng xe quá 5 phút' ở trạm thu phí BOT T2 trên quốc lộ 91. Đây được cho là trường hợp đầu tiên bị phạt hành chính ở trạm thu phí với lỗi này.
* Đối với tổ chức thu phí đường bộ
Theo Điều 15 Nghị định 46/2016/ NĐ-CP quy định cụ thể như sau:
6. Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với tổ chức thu phí đường bộ thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Để số lượng xe ô tô xếp hàng chờ trước trạm thu phí trên một làn xe chờ dài nhất lớn hơn 100 xe đến 150 xe hoặc để chiều dài dòng xe xếp hàng chờ trước trạm thu phí (tính từ cabin thu phí đến xe cuối cùng của hàng xe chờ) từ 750 m đến 1.000 m;
b) Để thời gian đi qua trạm thu phí của một xe ô tô bất kỳ kể từ lúc dừng xe chờ thu phí đến lúc ra khỏi trạm thu phí lớn hơn 10 phút đến 20 phút.
7. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức thu phí đường bộ thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Để số lượng xe ô tô xếp hàng chờ trước trạm thu phí trên một làn xe chờ dài nhất lớn hơn 150 xe đến 200 xe hoặc để chiều dài dòng xe xếp hàng chờ trước trạm thu phí (tính từ cabin thu phí đến xe cuối cùng của hàng xe chờ) lớn hơn 1.000 m đến 2.000 m;
b) Để thời gian đi qua trạm thu phí của một xe ô tô bất kỳ kể từ lúc dừng xe chờ thu phí đến lúc ra khỏi trạm thu phí lớn hơn 20 phút đến 30 phút.
8. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tổ chức thu phí đường bộ thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Để số lượng xe ô tô xếp hàng chờ trước trạm thu phí trên một làn xe chờ dài nhất lớn hơn 200 xe hoặc để chiều dài dòng xe xếp hàng chờ trước trạm thu phí (tính từ cabin thu phí đến xe cuối cùng của hàng xe chờ) lớn hơn 2.000 m;
b) Để thời gian đi qua trạm thu phí của một xe ô tô bất kỳ kể từ lúc dừng xe chờ thu phí đến lúc ra khỏi trạm thu phí lớn hơn 30 phút.
9. Phạt tiền từ 50.000.000 đến 70.000.000 đồng đối với tổ chức thu phí đường bộ vi phạm Khoản 6, Khoản 7, Khoản 8 Điều này mà không chấp hành yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về việc triển khai các giải pháp để khắc phục ùn tắc giao thông tại khu vực trạm thu phí.”
|
Ngoài ra, Nghị định 46/2016/ NĐ-CP còn quy định về xử phạt các hành vi vi phạm về xây dựng trạm thu phí đường bộ. Cụ thể:
“ 1. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Xây dựng hoặc thành lập bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, trạm thu phí đường bộ không theo quy hoạch hoặc không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
b) Xây dựng bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, trạm thu phí đường bộ không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, không theo đúng thiết kế đã được duyệt.
2. Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:
a) Thực hiện hành vi quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này còn buộc phải tháo dỡ công trình trái phép, khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra;
b) Thực hiện hành vi quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này còn buộc phải xây dựng lại bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, trạm thu phí đường bộ theo đúng thiết kế đã được phê duyệt, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật.”
>>> Xem nội dung chi tiết công văn tại file đính kèm: