Công ty TNHH Trường Lâm kiện Công ty TNHH Sản Xuất-Thương Mại Tân Hoàng Mỹ hợp đồng mua bán đồ gỗ

Chủ đề   RSS   
  • #263774 24/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3536)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4355 lần


    Công ty TNHH Trường Lâm kiện Công ty TNHH Sản Xuất-Thương Mại Tân Hoàng Mỹ hợp đồng mua bán đồ gỗ

    Số hiệu

    53/2007/KDTM - PT

    Tiêu đề

    Công ty TNHH Trường Lâm kiện Công ty TNHH Sản Xuất-Thương Mại Tân Hoàng Mỹ hợp đồng mua bán đồ gỗ

    Ngày ban hành

    08/06/2007

    Cấp xét xử

    Phúc thẩm

    Lĩnh vực

    Kinh tế

     

    Tòa phúc thẩm xét thấy, cấp sơ thẩm dựa vào biên bản thỏa thuận lập ngày 18/12/2005 (BL 82) để tính tổng chi phí hoàn chỉnh 3 loại sản phẩm xe trà, bàn bát giác và giường tắm là thiếu cơ sở và vi phạm thủ tục tố tụng, bởi lẽ: biên bản thỏa thuận này chỉ là bản photô không có công chứng chứng thực. Hơn nữa nội dung trong biên bản thoả thuận này chỉ là thỏa thuận để hoàn chỉnh đối với 1 sản phẩm là giường tắm nắng.

    Để xét xử 1 cách khách quan đảm bảo quyền lợi cho 2 bên đương sự cần phải làm rõ: có hay không có biên bản thỏa thuận ngày 18/12/2005 và để hoàn chỉnh 1 sản phẩm là bàn bát giác và 1 sản phẩm là xe trà cần phải bỏ ra chi phí là bao nhiêu tiền ?
     


    Bản án số: 53/2007/KDTM - PT  ngày 8 tháng 6 năm 2007 
    Về việc: “Tranh chấp hợp đồng mua bán”

    Nguyên đơn: Công ty TNHH Trường Lâm

    Bị đơn: Công ty TNHH Sản Xuất-Thương Mại Tân Hoàng Mỹ


    NHẬN THẤY

    Nguyên đơn Công ty TNHH Trường Lâm trình bày: Công ty có ký kết hợp đồng kinh tế mua bán hàng gỗ số 11/THM – HĐ ngày 04/10/2005 với Công ty TNHH TM – SX Tân Hoàng Mỹ trị giá hợp đồng là 71.676 USD, cụ thể:

    + Xe trà (THM – 001) : 600 cái x 14 USD/cái = 8.400 USD

    + Bàn bác giác (THM – 003) : 600 cái x 45 USD/cái = 27.000 USD

    + Giường tắm nắng (WZ 349): 960 cái x 45 USD/cái = 29.760 USD.

    - Giao hàng thành 2 đợt:

    + Đợt 1: Mã hàng WZ 349, thời hạn cuối vào ngày 10/12/2005

    + Đợt 2: Mã hàng THM – 001 và THM – 003, thời hạn cuối ngày 15/12/2005.

    Thực hiện hợp đồng nguyên đơn đã giao hàng cho bị đơn nhiều đợt, kết thúc là ngày 30/12/2005 đồng thời xuất hóa đơn giá trị gia tăng số 98951 ngày 09/01/2006 với số tiền là 1.121.458.800 đồng, bị đơn đã thanh toán được 04 lần bằng 791.135.000 đồng, số còn lại 330.323.800 đồng chưa thanh toán, tuy nhiên trong quá trình giao hàng phía Công ty TNHH Trường Lâm và bị đơn Công ty TNHH thương mại sản xuất Tân Hoàng Mỹ đã bàn bạc để làm kịp hàng hoàn chỉnh, nguyên đơn đã giao hàng sản phẩm chi tiết rời, đã chà nhám đồng bộ đúng kỹ thuật, đảm bảo chất lượng sản phẩm xuất khẩu cho bị đơn đồng ý hỗ trợ phần lau dầu, sơn và đóng gói sản phẩm hoàn chỉnh, hai bên thống nhất theo biên bản ngày 18/12/2005, sau khi cân đối nguyên đơn trừ đi chi phí cụ thể:

    Giường tắm nắng : 559 Sp x 48.500 đồng = 25.656.500 đồng,

    Bàn bát giác 580 Sp x 48.500 đồng = 28.130.000 đồng,

    Xe trà 590 Sp x 48.500 đồng = 28.615.000 đồng,

    Tổng cộng 82.401.500 đồng,

    Số còn lại 330.323.800 đồng – 82.401.500 đồng = 247.922.300 đồng.

    Nay nguyên đơn kiện bị đơn đòi số tiền 247.922.300 đồng.

    Tại phiên toà nguyên đơn đồng ý trừ cho bị đơn gấp đôi tiền sửa chữa hàng 82.401.500 đồng x 2 = 164.803.000 đồng, nếu bị đơn chấp nhận hoà giải tức sau khi cấn trừ tiền hàng còn thiếu còn đòi 330.323.800 đồng – 164.803.000 đồng = 165.520.800 đồng.

    Bị đơn Công ty TNHH sản xuất thương mại Tân Hoàng Mỹ trình bày: Xác nhận có ký Hợp đồng kinh tế số11/THM-HĐ ngày 04/10/2005 cùng nguyên đơn Công ty TNHH Trường Lâm.

    Trị giá hợp đồng cũng như việc giao nhận sản phẩm xuất hóa đơn giá trị gia tăng và việc thanh toán, cũng như số tiền hàng còn thiếu như nguyên đơn trình bày là đúng. Nhưng không thống nhất về chất lượng hàng đã giao theo hợp đồng sản phẩm do nguyên đơn giao cho bị đơn là sản phẩm đã sơn, chất lượng sản phẩm theo đúng mẫu đã được ký giữa hai bên, vào bao bì và đóng gói hoàn chỉnh. Nhưng nguyên đơn đã không thực hiện, vi phạm hợp đồng ký kết, vi phạm thời gian giao hàng 15 ngày:

    Công ty Trường Lâm đã giao hàng làm 4 đợt:

    - Đợt 1: ngày 20/12/2005

    - Đợt 2: ngày 25/12/2005

    - Đợt 3: ngày 28/12/2005

    - Đợt 4: ngày 30/12/2005

    Vi phạm điều kiện nghiệm thu sản phẩm.

    Số lượng hàng thực tế nhận từ Công ty Trường Lâm:

    - Xe trà (THM – 001): 580 cái chi tiết rời

    - Bàn bát giác (THM – 003): 590 cái chi tiết rời

    - Giường tắm nắng (WZ 349): 539 cái chi tiết rời và 421 cái .

    Trong quá trình thực hiện hợp đồng, do phía nguyên đơn không kịp làm hàng hoàn chỉnh, nguyên đơn đã xin được giao hàng sản phẩm chi tiết rời, đã chà nhám đồng bộ đúng kỹ thuật, đảm bảo chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Vì vậy, bị đơn đồng ý hỗ trợ phần lau dầu, sơn và đóng gói sản phẩm hoàn chỉnh, nhưng trên thực tế Công ty TNHH Trường Lâm đã giao hàng không như cam kết: Sản phẩm chi tiết giao thô, chưa chà nhám, mục, giác, sai lỗi kỹ thuật, mặt bàn bát giác không ăn keo, hình để trong mạc treo bị mờ, lỗ khoang mồi trên thanh tiện bị lệch tâm, đường kính vòng nhựa bánh xe lớn hơn đường kính bánh xe gỗ, toàn bộ chân bàn thì bị mọt, chi phí thực tế phát sinh sửa chữa bị đơn đã được thông báo cho nguyên đơn là 330.226.000 đồng. Số lượng hàng không thể sửa chữa được đã được Công ty TNHH Trường Lâm nhận lại theo các biên bản ngày 27/2/2006, phần này không tính trong hóa đơn giá trị gia tăng, không chấp nhận số tiền chi phí sữa chữa giường tắm nắng: 559 Sp x 48.500 đồng = 25.656.500 đồng.

    Bàn bát giác 580 Sp x 48.500 đồng = 28.130.000 đồng,

    Xe trà 590 Sp x 48.500 đồng = 28.615.000 đồng,

    Tổng cộng 82.401.500 đồng như nguyên đơn trình bày: Nay bị đơn không đồng ý trả tiền hàng còn thiếu cho nguyên đơn vì số tiền bị đơn bỏ ra sửa chữa đúng với số tiền hàng còn thiếu.

    Tại bản án kinh doanh thương mại số632/KDTM-ST ngày 11/12/2006, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quyết định:

    Căn cứ điểm b Điều 29 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2005; Điều 226, 227, 228 Luật thương mại năm 1997, Nghị định 70/CP ngày 12/6/1997 của Chính phủ quy định về án phí, lệ phí Tòa án; Thông tư liên tịch số 01/TTLT ngày 19/6/1997 của TANDTC – VKSNDTC – BTP – BTC hướng dẫn việc xét xử và thi hành án về tài sản, tuyên xử:

    Chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn Công ty TNHH Trường Lâm.

    Bị đơn Công ty TNHH thương mại sản xuất Tân Hoàng Mỹ có trách nhiệm trả cho Công ty TNHH Trường Lâm số tiền mua hàng còn thiếu sau khi đã trừ xong tiền sửa chữa hàng và hoàn chỉnh hàng cùng tiền phạt hợp đồng do giao hàng chậm còn lại là 157.409.143 đồng theo hợp đồng kinh tế số11/THM-HĐ ngày 04/10/2005 đã được ký kết giữa hai bên, trả ngày sau khi án có hiệu lực pháp luật.

    Ngoài ra, án sơ thẩm còn tuyên lãi suất quá hạn chậm thi hành án theo quy định của Ngân hàng nhà nước, án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

    Ngày 19/12/2006, nguyên đơn ông Nguyễn Thái Hận-giám đốc Công ty TNHH Trường Lâm có đơn kháng cáo với lý do án sơ thẩm tuyên phạt vi phạm hợp đồng do giao hàng trễ hạn đối với Công ty chưa đúng quy định của pháp luật và thỏa thuận của hai bên. Xin xem xét lại.

    Ngày 20/12/2006, bị đơn-bà Hồ Thị Thanh Thúy giám đốc Công ty TNHH thương mại sản xuất Tân Hoàng Mỹ có đơn kháng cáo với lý do yêu cầu bác số tiền mà cấp sơ thẩm tuyên Công ty phải trả cho Công ty Trường Lâm 157.409.643đồng, bác đơn sửa chữa hoàn chỉnh 48.500đ/1sản phẩm vì không có cơ sở và xin xem xét chi phí thực tế 330.226.000đ mà Công ty đã bỏ ra.


    XÉT THẤY

    Tại phiên toà phúc thẩm hôm nay, nguyên đơn Công ty TNHH Trường Lâm do ông Đỗ Đức Hoàng đại diện thừa nhận Công ty TNHH Trường Lâm có giao hàng trễ hạn và chất lượng hàng không đúng với hợp đồng đã ký kết giữa 2 bên. Tuy nhiên việc giao hàng trễ cũng như chất lượng hàng giao đã có sự đồng ý của Công ty TNHH sản xuất thương mại Tân Hoàng Mỹ. Do đó, việc án sơ thẩm cho rằng: Công ty TNHH Trường Lâm đã vi phạm hợp đồng và phạt vi phạm hợp đồng 8% bằng 5.632,08 USD là không đúng. Đề nghị cấp phúc thẩm tuyên Công ty Trường Lâm không vi phạm hợp đồng do giao trễ hạn và không phạt vi phạm hợp đồng đối với Công ty Trường Lâm.

    Công ty TNHH sản xuất thương mại Tân Hoàng Mỹ do bà Nguyễn Thị Phi Nga đại diện yêu cầu cấp phúc thẩm: Bác số tiền mà Toà án cấp sơ thẩm tuyên buộc Công ty TNHH sản xuất thương mại Tân Hoàng Mỹ phải trả cho Công ty TNHH Trường Lâm là 157.409.643 đồng, bác đơn giá sửa chữa hoàn chỉnh 48.500đ/1 sản phẩm và đề nghị xem xét chi phí thực tế 330.226.000đ mà Công ty TNHH sản xuất thương mại Tân Hoàng Mỹ đã bỏ ra. Vì Công ty TNHH Trường Lâm vi phạm hợp đồng kinh tế số11/THM-HĐ giao hàng trễ hạn, giao hàng không đủ số lượng và chất lượng không đúng hợp đồng. Công ty Tân Hoàng Mỹ không thừa nhận có biên bản thỏa thuận lập ngày 18/12/2005 và cho rằng án sơ thẩm dựa vào biên bản photô ngày 18/12/2005 không có công chứng; không có bản gốc để ấn định giá 48.500đ sửa chữa 01 sản phẩm áp dụng cho cả 03 sản phẩm khác nhau: xe trà, bàn bát giác và giường tắm nắng là không có cơ sở và vi phạm về thủ tục tố tụng.

    Căn cứ vào các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên toà. Sau khi nghe các bên tranh luận. Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm nhận thấy:

    Tại phiên toà 2 bên nguyên đơn và bị đơn đều thừa nhận đã ký kết hợp đồng kinh tế số11/THM-HĐ ngày 4/10/2005.

    Thống nhất số lượng hàng hóa đã giao nhận, số tiền đã thanh toán nhưng không thống nhất được số tiền nợ còn phải trả.

    Xét thấy, trong quá trình thực hiện hợp đồng phía nguyên đơn Công ty Trường Lâm đã vi phạm hợp đồng: Giao hàng trễ hạn và giao hàng không đúng chất lượng (giao hàng chưa hoàn chỉnh) cụ thể đã giao:

    Xe trà 590 cái chi tiết rời

    Bàn bát giác 580 cái chi tiết rời

    Giường tắm nắng 539 cái chi tiết rời

    Phía nguyên đơn cho rằng việc giao hàng chưa hoàn chỉnh là đã có sự đồng ý của phía bị đơn và 2 bên đã thống nhất trừ chi phí cho 1 sản phẩm hoàn chỉnh là 48.500đ/1 sản phẩm.

    Phía bị đơn không thừa nhận có sự thỏa thuận này.

    Xét thấy, cấp sơ thẩm dựa vào biên bản thỏa thuận lập ngày 18/12/2005 (BL 82) để tính tổng chi phí hoàn chỉnh 3 loại sản phẩm xe trà, bàn bát giác và giường tắm là thiếu cơ sở và vi phạm thủ tục tố tụng, bởi lẽ: biên bản thỏa thuận này chỉ là bản photô không có công chứng chứng thực. Hơn nữa nội dung trong biên bản thoả thuận này chỉ là thỏa thuận để hoàn chỉnh đối với 1 sản phẩm là giường tắm nắng.

    Để xét xử 1 cách khách quan đảm bảo quyền lợi cho 2 bên đương sự cần phải làm rõ: có hay không có biên bản thỏa thuận ngày 18/12/2005 và để hoàn chỉnh 1 sản phẩm là bàn bát giác và 1 sản phẩm là xe trà cần phải bỏ ra chi phí là bao nhiêu tiền ?

    Xét thấy, do cấp sơ thẩm chưa điều tra đầy đủ và vi phạm thủ tục tố tụng. Cấp phúc thẩm không thể khắc phục được, nghĩ nên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm. Giao hồ sơ về lại cho cấp sơ thẩm điều tra xét xử lại theo thủ tục chung. Do hủy án nên yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn và bị đơn Toà không xét.

    Bởi các lẽ trên,

    Căn cứ : khoản 3 Điều 275 Bộ luật tố tụng dân sự.

    QUYẾT ĐỊNH

    Hủy toàn bộ bản án sơ thẩm số632/2006/KDTM-ST ngày 11/12/2006 của Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.

    - Chuyển hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh giải quyết lại vụ án theo thủ tục chung.

    Về án phí phúc thẩm: Nguyên đơn Công ty TNHH Trường Lâm và Công ty TNHH sản xuất-thương mại Tân Hoàng Mỹ không phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm. Hoàn trả cho Công ty TNHH Trường Lâm 200.000 đồng tạm ứng án kháng cáo đã nộp theo biên lai thu số 003878 ngày 3/1/2007 và hoàn trả cho Công ty TNHH sản xuất thương mại Tân Hoàng Mỹ 200.000 đồng tạm ứng kháng cáo đã nộp theo biên lai thu số 003689 ngày 22/12/2006 của thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh.

    Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

     

    Cập nhật bởi phamthanhhuu ngày 24/05/2013 08:29:11 SA
     
    5767 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận