Phòng vắt, trữ sữa mẹ là một không gian riêng tư, không phải buồng tắm hay buồng vệ sinh; có nguồn điện, nước, bàn, ghế, tủ lạnh bảo đảm vệ sinh, quạt hoặc điều hòa; bố trí ở vị trí thuận tiện sử dụng, được che chắn khỏi sự xâm phạm, tầm nhìn của đồng nghiệp và công cộng để lao động nữ có thể cho con bú hoặc vắt, trữ sữa (Điều 76 Nghị định 145/2020/NĐ-CP).
Dẫn chiếu đến Điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP có đề cập khuyến khích người sử dụng lao động lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc, nhu cầu của lao động nữ và khả năng của người sử dụng lao động.
Tuy nhiên với trường hợp sử dụng từ 1.000 người lao động nữ trở lên thì bắt buộc phải lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc.
Lưu ý: Bộ Y tế có trách nhiệm hướng dẫn triển khai phòng vắt, trữ sữa mẹ theo quy định khoản 5 Điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.
Số lượng phòng vắt sữa mẹ cần trang bị cho lao động nữ có con là bao nhiêu?
Căn cứ tại Quyết định 5175/QĐ-BYT năm 2021 Hướng dẫn triển khai phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc có đề cập về số lượng phòng vắt sữa như sau:
- Số lượng lao động nữ dưới 100 thì số lượng phòng vắt trữ sữa mẹ tối thiểu là 01 phòng.
- Số lượng lao động nữ từ 100 đến < 500 thì số lượng phòng vắt trữ sữa mẹ tối thiểu là 02 phòng.
- Số lượng lao động nữ từ 500 đến <1.000 thì số lượng phòng vắt trữ sữa mẹ tối thiểu là 03 phòng.
- Số lượng lao động nữ từ 1000 lao động nữ trở lên thì số lượng phòng vắt trữ sữa mẹ tối thiểu từ 04 phòng (đảm bảo trung bình 300 lao động nữ/phòng).
Không trang bị phòng vắt sữa mẹ cho lao động nữ theo quy định bị phạt bao nhiêu?
Căn cứ khoản 2 Điều 28 Nghị định 12/2022/NĐ-CP và khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định như sau:
Người sử dụng lao động là cá nhân không lắp đặt phòng vắt sữa mẹ tại nơi làm việc khi sử dụng từ 1.000 người lao động nữ trở lên thì có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Trường hợp người sử dụng lao động là tổ chức không lắp đặt phòng vắt sữa mẹ tại nơi làm việc khi sử dụng từ 1.000 người lao động nữ trở lên thì có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.
Trách nhiệm của công ty trong việc đảm bảo bình đẳng giới trong lao động quy định ra sao?
Theo Điều 136 Bộ luật Lao động 2019 quy định công ty có những trách nhiệm sau trong việc đảm bảo bình đẳng giới như sau:
- Bảo đảm thực hiện bình đẳng giới và các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong tuyển dụng, bố trí, sắp xếp việc làm, đào tạo, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương và các chế độ khác.
- Tham khảo ý kiến của lao động nữ hoặc đại diện của họ khi quyết định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của phụ nữ.
- Bảo đảm có đủ buồng tắm và buồng vệ sinh phù hợp tại nơi làm việc.
- Giúp đỡ, hỗ trợ xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo cho người lao động.
Tóm lại, nếu công ty sử dụng từ 1.000 người lao động nữ trở lên thì bắt buộc phải lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc.