Một hoặc một số công ty cùng loại (công ty bị sáp nhập) có thể sáp nhập vào một công ty khác (công ty nhận sáp nhập) bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập. Về phương án sử dụng lao động, công ty nhận sáp nhập chịu trách nhiệm về các hợp đồng lao động của công ty bị sáp nhập.
Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp kể cả chức năng đại diện theo uỷ quyền. Pháp luật không quy định về việc sáp nhập chi nhánh, chỉ quy định về giải thể chi nhánh. Về phương án sử dụng lao động, doanh nghiệp chịu trách nhiệm về các hợp đồng lao động của chi nhánh bị giải thể.
Công ty nhận sáp nhập và doanh nghiệp có chi nhánh bị giải thể có trách nhiệm đào tạo lại người lao động để tiếp tục sử dụng vào những chỗ làm việc mới. Nếu không thể giải quyết được việc làm mới, phải cho người lao động thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm theo luật định.
Về trình tự, thủ tục người sử dụng lao động phải công bố danh sách, căn cứ vào nhu cầu của doanh nghiệp và thâm niên làm việc tại doanh nghiệp, tay nghề, hoàn cảnh gia đình và những yếu tố khác của từng người để lần lượt cho thôi việc, sau khi đã trao đổi, nhất trí với Ban chấp hành công đoàn cơ sở. Việc cho thôi việc chỉ được tiến hành sau khi đã báo cho cơ quan lao động địa phương biết.
Cần lưu ý với bạn, các doanh nghiệp phải có trách nhiệm lập quỹ dự phòng về trợ cấp mất việc làm theo quy định để kịp thời trợ cấp cho người lao động trong doanh nghiệp khi bị mất việc làm.
Luật sư Nguyễn Thanh Đạm
Địa chỉ: 235 Võ Thị Sáu, P.7, Q.3, TP. Hồ Chí Minh.
Điện thoại : 0989 350 262
Luật sư Nguyễn Thanh Đạm
Địa chỉ: 235 Võ Thị Sáu, P.7, Q.3, TP. Hồ Chí Minh.
Điện thoại : 0989 350 262