Công ty nước ngoài có được kinh doanh xuất khẩu lao động không?

Chủ đề   RSS   
  • #608768 21/02/2024

    dali_2501

    Mầm

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:08/11/2023
    Tổng số bài viết (95)
    Số điểm: 823
    Cảm ơn: 0
    Được cảm ơn 6 lần


    Công ty nước ngoài có được kinh doanh xuất khẩu lao động không?

    Hiện nay công ty tôi đang là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (cụ thể là 100% vốn Đài Loan), vậy cho tôi hỏi công ty tôi có thể kinh doanh dịch vụ đưa NLĐ Việt Nam qua Đài Loan để làm việc - xuất khẩu lao động được không?

     

    Xuất khẩu lao động như thế nào?

    Căn cứ Điều 8 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020 quy định về hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng như sau:

    "Hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

    - Hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và chỉ được thực hiện bởi doanh nghiệp Việt Nam có Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp.

    - Doanh nghiệp Việt Nam hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sau đây gọi là doanh nghiệp dịch vụ) phải duy trì các điều kiện quy định tại Điều 10 của Luật này và đáp ứng các điều kiện của từng thị trường, ngành, nghề, công việc cụ thể theo quy định của Chính phủ trong suốt quá trình hoạt động."

    Theo quy định trên, có thể hiểu việc xuất khẩu lao động Việt Nam ra nước ngoài được hiểu là hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

    Theo đó, hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và chỉ được thực hiện bởi doanh nghiệp Việt Nam có Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp.

     

    Ai được kinh doanh dịch vụ xuất khẩu lao động?

    Căn cứ theo quy định về đối tượng áp dụng tại Điều 2 Nghị định 112/2021/NĐ-CP như sau:

    - Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ký với đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp Việt Nam hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

    - Công dân Việt Nam giao kết hợp đồng lao động hợp pháp sau khi xuất cảnh.

    - Doanh nghiệp Việt Nam hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sau đây viết tắt là doanh nghiệp dịch vụ).

    - Doanh nghiệp Việt Nam đưa người lao động Việt Nam đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài.

    - Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được giao nhiệm vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sau đây viết tắt là đơn vị sự nghiệp).

    -6. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.”

    Có thể thấy đối tượng được đưa người lao động Việt Nam sang nước ngoài để xuất khẩu lao động được quy định là doanh nghiệp Việt Nam, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

     

    Công ty có vốn đầu tư 100% nước ngoài có được kinh doanh xuất khẩu lao động không?

    Theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020 thì điều kiện để được cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng bao gồm:

    - Có vốn điều lệ từ 05 tỷ đồng trở lên; có chủ sở hữu, tất cả thành viên, cổ đông là nhà đầu tư trong nước theo quy định của Luật Đầu tư;

    - Đã ký quỹ theo quy định tại Điều 24 của Luật này;

    - Có người đại diện theo pháp luật là công dân Việt Nam, trình độ từ đại học trở lên và có ít nhất 05 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng hoặc dịch vụ việc làm; không thuộc diện đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; không có án tích về một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tội quảng cáo gian dối, tội lừa dối khách hàng, tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép, tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, tội cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép;

    - Có đủ số lượng nhân viên nghiệp vụ thực hiện các nội dung quy định tại Điều 9 của Luật này;

    - Có cơ sở vật chất của doanh nghiệp hoặc được doanh nghiệp thuê ổn định để đáp ứng yêu cầu giáo dục định hướng cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

    - Có trang thông tin điện tử.

    Theo đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư 100% nước ngoài không thuộc đối tượng được cấp phép kinh doanh dịch vụ xuất khẩu lao động Việt Nam do không đáp ứng điều kiện là có cổ đông là nhà đầu tư trong nước. 

    Như vậy, doanh nghiệp có vốn đầu tư 100% nước ngoài không được cấp phép để kinh doanh dịch vụ xuất khẩu lao động Việt Nam sang nước ngoài.

     
    517 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận