Công ty Đắk Nông và Công ty Thực phẩm Miền Bắc tranh chấp hợp đồng mua bán cà phê

Chủ đề   RSS   
  • #263428 23/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Công ty Đắk Nông và Công ty Thực phẩm Miền Bắc tranh chấp hợp đồng mua bán cà phê

    Số hiệu

    510/2007KDTM-ST

    Tiêu đề

    Công ty Đắk Nông và Công ty Thực phẩm Miền Bắc tranh chấp hợp đồng mua bán cà phê

    Ngày ban hành

    30/03/2007

    Cấp xét sử

    Sơ thẩm

    Lĩnh vực

    Kinh tế

     

    Hội đồng xét xử có một số nhận định: Các hợp đồng chỉ qui định giá tạm tính làm cơ sở cho việc tạm ứng tiền. Trong từng phụ kiện qui định cách tính và thời gian tính giá. Sau khi hai bên ký phụ kiện thì các bên vẫn còn tiếp tục trao đổi để tiến tới việc xác định giá thể hiện qua các công văn và phụ kiện (mới chỉ có một bên ký). Bị đơn cho rằng những người ký công văn không được ủy quyền song cũng lại xác định chỉ những người có trách nhiệm mới được phép sử dụng con dấu. Lời khai của người đại diện cho bị đơn không thống nhất khi thì khai các hợp đồng và phụ lục đều do bị đơn soạn thảo và fax cho nguyên đơn ; khi thì khai không nhớ rõ bên nào soạn thảo. Có thể thấy bị đơn đã tuỳ tiện khi giao dịch với khách hàng để khi có tranh chấp phát sinh thì chỉ xác nhận những giao dịch có lợi cho mình.

    Theo các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và trình bày của các đương sự thì có đủ cơ sở để xác định Công ty TM và Du Lịch Tỉnh Đắc Nông đã vi phạm thời hạn giao hàng đã thỏa thuận. Tuy nhiên, nội dung các bên thỏa thuận tại điều IV của hợp đồng : Nếu giao hàng chậm hoặc chuyển tiền chậm so với thời gian qui định sẽ phạt 0,15%/ ngày là không phù hợp qui định pháp luật. Luật thương mại có hiệu lực từ ngày 1-1-1998 thì chỉ có Điều 233 qui định quyền được đòi tiền lãi do chậm thanh toán theo mức lãi suất nợ quá hạn. Mức lãi suất 0,95%/tháng mà hai bên thỏa thuận HĐXX nhận thấy là phù hợp nên chỉ chấp nhận một phần yêu cầu này của bị đơn buộc nguyên đơn phải chịu thêm mức lãi phạt


    Bản án số:510/2007KDTM-ST ngày: 30-3-2007 về việc Tranh chấp hợp đồng mua bán cà phê

    Ngày 20, 27 và 30 tháng 3 năm 2007, tại phòng xử án của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số 631/2006/TLDS/KDTM ngày 13-9-2006 về tranh chấp về hợp đồng mua bán cà phê theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số473/2007/QĐST-KDTM ngày 12-3-2007, giữa:

    Nguyên đơn Công ty Thương mại và du lịch tỉnh Đắk Nông.

    Địa chỉ : 80 Bà Triệu, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Dak Nông.

    Đại diện : Ông NGUYỄN MAI HIỆP

    Giấy ủy quyền số133/CV- Cty ngày 04/9/2006 (có mặt)

    Bị đơn Công ty thực phẩm miền Bắc

    Địa chỉ ĐKKD 210 Trần Quang Khải, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội

    Địa chỉ trụ sở 122 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

    Đại diện : 1- Bà NGUYỄN THỊ MINH NGUYỆT- phó giám đốc

    Giấy ủy quyền số786/TPMB-KHTH ngày 03-11/2006(có mặt)

    2- Oâng NGUYỄN HÒA BÌNH – cán bộ công ty

    Giấy ủy quyền số190/TPMB-2007 ngày 26-3-20007(có mặt)

    Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn : Luật sư Nguyễn Xuân Chiến thuộc văn phòng luật sư Nguyễn Xuân Chiến(có mặt).

    Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn : Luật sư Nguyễn Thị Vân Hằng thuộc văn phòng luật sư Lương Tuấn Tú (có mặt).

    NHẬN THẤY:

    Trình bày của Nguyên đơn:

    Ký kết hợp đồng:

    Công ty thương mại và du lịch Tỉnh Đắc Nông (gọi tắt là Công ty Đắk Nông) và Công ty Thực phẩm Miền Bắc (Trung tâm kinh doanh XNK Cà Phê) ký kết các hợp đồng mua bán cà phê với những điều khoản cơ bản như sau:

    - Hợp đồng kinh tế số 521-04/TL ngày 21/12/2004

    Số lượng: 105 tấn

    Giá tạm tính : 10.398.300 đồng/tấn

    Thời gian giao hàng : 24-1-2005

    Số tiền tạm ứng : 873.457.200 đồng, chậm nhất ngày 5-1-2005

    - Hợp đồng kinh tế số 06-05/TL ngày 06/1/2005

    Số lượng 115,2 tấn

    Giá tạm tính : 10.461.320đồng/tấn

    Thời gian giao hàng : 01-2-2005

    Số tiền tạm ứng : 964.115.251 đồng, chậm nhất ngày 12-1-2005

    - Hợp đồng kinh tế số 33-05/TL ngày 18-1-2005

    Số lượng 126 tấn

    Giá tạm tính : 10.161.975đồng/tấn

    Thời gian giao hàng : 04-2-2005

    Số tiền tạm ứng : 1.024.327.080 đồng, chậm nhất ngày 24-1-2005

    - Hợp đồng kinh tế số 130-05/TL ngày 15/3/2005

    Số lượng 115,2 tấn

    Giá tạm tính : 13.502.035đồng/tấn

    Thời gian giao hàng : 15-4-2005

    Số tiền tạm ứng : 1.244.347.545 đồng, chậm nhất ngày 31-3-2005

    Thực hiện hợp đồng:

    - Tổng số tiền tạm ứng trên cơ sở giá tạm tính đã được thực hiện theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng là : 4.106.247.076 đồng.

    Để hạ mức stoploss, Công ty Đắk Nông đã chuyển cho Công ty Thực phẩm Miền Bắc 123.000.000 đồng, cụ thể :

    Ngày 20-9-2005 chuyển : 113.000.000 đồng

    Ngày 30-9-2005 chuyển : 10.000.000 đồng

    Như vậysố tiền tạm ứng còn lại là : 3.973.247.076 đồng

    - Tổng số lượng hàng đã giao là 406.683 kg cà phê nhân các loại theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng , cụ thể :

    Hợp đồng số 521-04/TL ngày 21/12/2004, giao 50.767kg

    Hợp đồng số 06-05/TL ngày 06/1/2005, giao114.931kg

    Hợp đồng số 33-05/TL ngày 18-1-2005, giao125.845kg

    Hợp đồng kinh tế số 130-05/TL ngày 15/3/2005, giao115.140kg

    - Sau khi ký các hợp đồng và thực hiện, từ tháng 5-2005 các bên tiến hành ký các phụ kiện về việc chuyển kỳ hạn chốt giá.

    Phụ kiện cuối cùng của các hợp đồng được ký vào ngày 1-7-2006 và đều ấn định thời hạn chốt giá là 30-8-2006.

    Tất cả các hợp đồng và phụ kiện đều do Công ty thực phẩm Miền Bắc soạn thảo và fax cho Công ty Đắk Nông thông qua Trung tâm kinh doanh XNK Cà Phê trực thuộc Công ty Thực phẩm Miền Bắc. Tuy nhiên, một số phụ kiện được ký ngày 2-3-2006, ngày 28-4-2005, ngày 1-7-2006 Công ty thực phẩm Miền Bắc chưa gởi lại cho Công ty Đắk Nông mà báo là khi hai bên tiến hành thanh lý hợp đồng thì giao luôn.

    - Sau khi thống nhất qua điện thoại, Công ty Đắk Nông đã có văn bản đề nghị chốt giá đề ngày 02-3-2006 và ngày 3-3-2006

    Ngày 11-8-2006, hai bên đã có cuộc họp tại trụ sở của Công ty thực phẩm Miền Bắc trao đổi về các vấn đề vướng mắc đối với các hợp đồng, các bên đã thống nhất giá là 1.405 USD/tấn nhưng không lập được biên bản vì bị đơn ra điều kiện ông Nguyễn Thanh Bình – giám đốc Công ty Đắk Nông phải chịu trách nhiệm đối với khoản nợ giữa Công ty TNHH TM An Bình và Công ty TP Miền Bắc nhưng ông Bình không đồng ý vì ông Bình chỉ là người giới thiệu tạo điều kiện cho hai công ty giao dịch với nhau, không có thỏa thuận nào xác định ông Bình phải chịu trách nhiệm cho những khoản nợ của Công ty An Bình.

    Do giá cà phê tiếp tiếp tục tăng nên ngày 29-8-2006 Công ty Đắk Nông tiếp tục có văn bản đề nghị chốt giá. Ngày 30-8-2006, Công ty Thực phẩm Miền Bắc có văn bản xác định chỉ chấp nhận giá đề nghị trong văn bản đề ngày 2-8-2006 và ngày 3-8-2006, không chấp nhận giá đề nghị trong văn bản đề ngày 29-8-2006. Người ký văn bản là ông Hồ Minh Hậu- phó giám đốc Trung tâm kinh doanh XNK cà phê trực thuộc Công ty thực phẩm Miền Bắc.

    - Do hai bên đã không thống nhất được giá nên đề nghị Tòa án xem xét cho nguyên đơn được nhận lại 406.683kg cà phê hoặc bằng tiền theo giá cà phê tại TPHCM tại thời điểm xét xử theo từng loại hàng mà nguyên đơn tham khảo tại dịch vụ tổng đài 1080 và Công ty CP cà phê Petec, cụ thể :

    Hợp đồng số 521-04/TL ngày 21/12/2004, số lượng đã nhận là 50.767kg, gía 22.900 đồng/kg, thành tiền là 1.162.564.300 đồng (1)

    Hợp đồng số 06-05/TL ngày 06/1/2005 và số 33-05/TL ngày 12/1/2005, tổng số đã nhận là 230.071 kggiá 23.700đồng/kg, thành tiền là 5.452.682.700 đồng (2)

    Hợp đồng số 130-05/TL ngày 12/1/2005, số lượng đã nhận là 125,845 tấn, đơn giá 23.500 đ/kg, thành tiền là 2.957.357.500đồng (3)

    Như vậy, tổng trị giá cà phê Công ty Thực phẩm Miền Bắc đã nhận là :

    (1) + (2) + (3) = 9.572.604.500 đồng

    Trừ đi số tiền mà Công ty Đắk Nông đã ứng trước là 3.973.076.000 đồng thì Công ty Thực phẩm Miền Bắc còn phải trả cho Công ty TM và Du Lịch Tỉnh Đắc Nông số tiền là 5.589.357.424 đồng.

    Trình bày của bị đơn:

    Trung tâm kinh doanh XNK cà phê được Công ty thực phẩm Miền Bắc giao chức năng mua bán hàng hóa với các đơn vị khác theo từng vụ việc và từng năm. Thực hiện nhiệm vụ, Trung tâm đã ký kết với Công ty thương mại và du lịch tỉnh Đắk Nông các hợp đồng kinh tế sau:

    Hợp đồng kinh tế số 521-04/TL ngày 21/12/2005

    Hợp đồng kinh tế số 06-05/TL ngày 06/01/2005

    Hợp đồng kinh tế số 33-05/TL ngày 18/01/2005

    Hợp đồng kinh tế số 130-05/TL ngày 15/03/2005

    Các hợp đồng này do ông Đinh Gia Hậu – phó giám đốc Trung tâm kinh doanh XNK cà phê (trực thuộc Công ty thực phẩm Miền Bắc) ký.

    Các phụ kiện của những hợp đồng nêu trên do ông Đinh Gia Hậu, ông Lê Văn Bằng, bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, ông Vũ Trí Tuệ ký. Các bên đã ký nhiều phụ kiện, phụ kiện cuối cùng vào ngày 20-12-2005, ấn định thời hạn chốt giá là ngày 28-2-2006.

    Oâng Lê Văn Bằng là giám đốc Công ty thực phẩm Miền Bắc kiêm giám đốc Trung tâm kinh doanh XNK cà phê. Ông Đinh Gia Hậu, bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, ông Vũ Trí Tuệ là phó giám đốc Công ty thực phẩm Miền Bắc kiêm phó giám đốc Trung tâm kinh doanh XNK cà phê.

    Các hợp đồng và những phụ kiện do phó giám đốc Trung tâm kinh doanh XNK cà phê ký mặc dù không có văn bản ủy quyền song giám đốc biết và không phản đối nên có giá trị thực hiện.

    Thực hiện hợp đồng, bên mua đã tạm ứng tiền với tổng số là 4.106.247.076 đồng, tổng số lượng hàng đã giao nhận là 406.683 kg. Toàn bộ số hàng này Công ty Thực phẩm Miền Bắc đã bán cho khách hàng nước ngoài.

    Ngày 11-8-2006 hai bên có buổi làm việc, nguyên đơn có đề nghị giá là 1.405 USD/tấn. Tuy nhiên, phía bị đơn không có người đại diện được ủy quyền (bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt là người được ủy quyền đã đi công tác xa), tham gia có một số cán bộ và chỉ ghi nhận đề nghị của nguyên đơn để báo cáo lãnh đạo, không có quyền quyết định.

    Văn bản ngày 8-6-2006 do ông Phạm Công Tỵ và văn bản ngày 30-8-2006 do ông Hồ Minh Hậu là các cán bộ của Trung tâm kinh doanh XNK cà phê ký không có giá trị vì không được giám đốc công ty ủy quyền thống nhất giá với nguyên đơn.

    Căn cứ vào phụ kiện được ký cuối cùng của các hợp đồng về việc chuyển kỳ hạn chốt giá. Ngày 28/2 Công ty Thực phẩm Miền Bắc đã chốt giá theo giá thị trường London Liffee.

    Cho đến nay nguyên đơn vẫn chưa thực hiện xong nghĩa vụ giao 54,233 tấn cà phê còn thiếu của hợp đồng số 521-04/TL ngày 21/12/2004.

    Do trong quá trình thực hiện hợp đồng Công ty Dak Nông chưa giao đủ hàng, chưa xuất hóa đơn nên chưa có cơ sở chuyển tiền. Vì vậy, các hợp đồng cho đến nay vẫn chưa được thanh lý.

    Công ty Thực phẩm Miền Bắc không chấp nhận giá mà nguyên đơn đề nghị vì theo hợp đồng và phụ kiện thì giá đã được chốt ngày 28-2-2006.

    Yêu cầu phản tố của bị đơn :

    1- Công ty Đắk Nông tiếp tục giao số lượng hàng còn thiếu của Hợp đồng kinh tế số 521-04/TL ngày 21/12/2004 là : 54.233 kg cà phê (giá 1208 USD/tấn, mức trừ lùi theo phụ lục của hợp đồng ( giá sau khi trừ lùi : 874 USD/tấn) thành tiền là : 754.317.952 đồng.

    2- Công ty Đắk Nông phải chịu phạt vi phạm 8% phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm đối với Hợp đồng kinh tế số 521-04/TL ngày 21/12/2004, cụ thể:

    Trị giá hàng chưa giao:

    54,233 tấn x 874 USD x 15.914 đồng/USD = 754.317.902 đồng

    Số tiền phải chịu phạt là:

    754.317.902 đồng x 8% = 60.345.432 đồng

    3- Công ty Đắk Nông phải chịu lãi phát sinh từ ngày ứng tiền cho đến ngày giao hàng và lãi phạt do giao hàng chậm so với hợp đồng:

    - Lãi vay của 3 hợp đồng : 267.976.423 đồng

    - Lãi phạt do giao hàng chậm : 1.210.772.303 đồng

    4- Công ty Đắk Nông phải xuất hóa đơn tài chính với giá trừ lùi theo thỏa thuận của các hợp đồng căn cứ giá chốt ngày 28/02/2006 là : 1208 USD/tấn đối với số lượng hàng đã giao của các hợp đồng sau :

    Hợp đồng số 06-05/TL ngày 06/1/2005, số tiền là 1.774.507.378 đồng

    Hợp đồng số 33-05/TL ngày 18-1-2005, số tiền là 1.949.325.446 đồng

    Hợp đồng số 130-05/TL ngày 15/3/2005, số tiền là 1.887.399.594 đồng

    Hợp đồng số 521-04/TL ngày 21/12/2004, số tiền là 741.415.371 đồng

    Sau khi cấn trừ nghĩa vụ mà Công ty Đắk Nông phải thực hiện thì Công ty thực phẩm Miền Bắc sẽ trả cho Công ty Đắk Nông số tiền còn lại.

    Trình bày của nguyên đơn :

    Đối với các yêu cầu của Công ty Thực phẩm Miền Bắc, Công ty TM và Du Lịch Tỉnh Đắc Nông chỉ chấp nhận khoản tiền lãi phát sinh đã được hai bên thỏa thuận trong các hợp đồng, mức 0,95%/tháng trên số tiền tạm ứng được tính từ khi ứng tiền cho đến khi giao hàng xong, tổng cộng là 97.607.036 đồng.

    Không chấp nhận việc phạt 0,15%/ngày vì không phù hợp qui định của pháp luật

    Không chấp nhận phạt vi phạm hợp đồng vì tuy không lập thành văn bản song thực tế hai bên đã thỏa thuận không tiếp tục thực hiện hợp đồng này. Mặt khác việc giao hàng còn phụ thuộc vào chỉ định địa điểm giao hàng của bên mua, nếu bên mua không có thông báo về địa điểm giao hàng thì bên bán biết giao đến đâu.

    Trình bày của luật sư bảo về quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn :

    Sau khi trình bày quá trình ký kết và thực hiện hợp đồng, luật sư nhấn mạnh các hợp đồng cũng như một số phụ kiện người đại diện ký không có văn bản ủy quyền song đại diện bị đơn xác định là có giá trị và cũng xác định toàn bộ số cá phê được giao nhận giữa hai bên đã được bán cho khách hàng nước ngoài, do đó các hợp đồng và phụ kiện có giá trị thực hiện. Toàn bộ hợp đồng và phụ kiện đều do bị đơn soạn thảo và gởi cho nguyên đơn ký rồi gởi trả lại cho nên không hợp lý khi bị đơn cho rằng có một số phụ kiện mà nguyên đơn cung cấp cho Tòa án không có giá trị vì không có chữ ký và được đóng dấu của phía bị đơn. Chứng tỏ sau ngày 28-2-2006 hai bên vẫn còn tiếp tục thương lượng xác định giá. Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn.

    Nguyên đơn không chấp nhận một số yêu cầu phản tố của bị đơn, cụ thể :

    Hợp đồng kinh tế số 521-04/TL ngày 21/12/2004 được ký đầu tiên nhưng do có vướng mắc về vấn đề ứng tiền chậm nên mới dẫn đến việc giao hàng chậm. Sau khi giao đợt hàng cuối cùng vào tháng 7-2005, do giá tăng vọt nên hai bên đã thảo luận về việc sẽ ứng tiếp tiền để tiến hành việc tiếp tục giao hàng nhưng sau đó hai bên cũng đã thống nhất trách nhiệm của các bên trên số lượng hàng đã nhận và số tìen đã ứng trước. Do đó, nguyên đơn không chấp nhận tiếp tục giao hàng nên cũng không chấp chấp nhận việc phạt vi phạm 8% phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm.

    Thỏa thuận mức phạt 0,15%/ ngày trong hợp đồng là không phù hợp pháp luật, Điều 266 Luật thương mại qui định mức phạt cao nhất là 8% giá trị hợp đồng nên nguyên đơn cũng không chấp nhận mức phạt này.

    Trình bày của luật sư bảo về quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn :

    Không hiểu nguyên đơn đã dựa trên cơ sở nào để yêu cầu bị đơn phải trả lại hàng hoặc trả lại tiền vì yêu cầu này đồng nghĩa với hợp đồng bị vô hiệu. Yêu cầu của nguyên đơn không nhất quán trong quá trình trình bày tại phiên tòa mà liên tục thay đổi.

    Nguyên đơn đã cố tình né tránh việc thực hiện hợp đồng do giá đột biến tăng nên đã có thể xác định được lỗi của nguyên đơn, lý do chưa thống nhất được giá là không hợp lý. Nguyên đơn cũng đã xác định hợp đồng có giá trị thực hiện nên yêu cầu tiếp tục giao hàng căn cứ điều khoản đã được thỏa thuận trong hợp đồng.

    Do nguyên đơn vi phạm nghĩa vụ và thời gian giao hàng nên căn cứ thỏa thuận trong hợp đồng phải chịu phạt vi phạm 8% phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, chịu phạt lãi phát sinh và lãi phạt là có cơ sở.

    Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận toàn bộ yêu cầu của bị đơn

    XÉT THẤY:

    Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

    1- Về quan hệ đang tranh chấp, thẩm quyền giải quyết vụ kiện:

    Nội dung tranh chấp giữa Công ty TM và Du Lịch Tỉnh Đắc Nông và Công ty thực phẩm Miền Bắc (Trung tâm kinh doanh XNK cà phê) là tranh chấp các hợp đồng mua bán cà phê. Đây là tranh chấp về kinh doanh thương mại. Mặc dù các đương sự đều không có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh nhưng thỏa thuận việc giao hàng tại kho của bên mua tại Thành phố Hồ Chí Minh (Điều II trong các hợp đồng). Mặt khác, tại Điều V của các hợp đồng và quá trình làm việc tại Tòa án, các đương sự đều xác định : Nếu có tranh chấp hai bên không thỏa thuận được thì nhờ Tòa kinh tế- Thành phố Hồ Chí Minh xét xử. Căn cứ vào điểm a, khoản 1 Điều 29 ; điểm g, khoản 1 Điều 36 Bộ luật tố tụng dân sự, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh thụ lý và giải quyết là phù hợp quy định của pháp luật về thẩm quyền.

    2-Về thẩm quyền ký kết hợp đồng :

    Mặc dù những người đại diện của Công ty thực phẩm Miền Bắc (Trung tâm kinh doanh XNK cà phê) ký các hợp đồng và phụ kiện đều không có giấy ủy quyền song giám đốc công ty biết và chấp nhận, không phản đối nên những hợp đồng và phụ kiện này có giá trị thực hiện.

    3. Về yêu cầu của nguyên đơn

    Về yêu cầu của Công ty TM và Du Lịch Tỉnh Đắc Nông, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

    Tổng số lượng cà phê đã giao theo đúng qui cách đã thỏa thuận trong các hợp đồng là 406.683kg đã được các bên thừa nhận.

    Tổng số tiền đã tạm ứng là 4.106.247.076 đồng cũng đã được các bên thừa nhận

    Các hợp đồng chỉ qui định giá tạm tính làm cơ sở cho việc tạm ứng tiền. Trong từng phụ kiện qui định cách tính và thời gian tính giá. Sau khi hai bên ký phụ kiện ngày 20-12-2005 thì các bên vẫn còn tiếp tục trao đổi để tiến tới việc xác định giá thể hiện qua các công văn và phụ kiện (mới chỉ có một bên ký). Bị đơn cho rằng những người ký công văn ngày 8-6-2006 và ngày 30-8-2006 (ông Tỵ và ông Hậu được bị đơn xác định trong các biên bản hòa giải là phó giám đốc trung tâm) không được ủy quyền song cũng lại xác định chỉ những người có trách nhiệm mới được phép sử dụng con dấu . Tương tự đối với các phụ kiện của 04 hợp đồng đề ngày 2-3-2006 ; 28-4-2006 ; 01-7-2006, lời khai của người đại diện cho bị đơn không thống nhất khi thì khai các hợp đồng và phụ lục đều do bị đơn soạn thảo và fax cho nguyên đơn ; khi thì khai không nhớ rõ bên nào soạn thảo. Có thể thấy bị đơn đã tuỳ tiện khi giao dịch với khách hàng để khi có tranh chấp phát sinh thì chỉ xác nhận những giao dịch có lợi cho mình.

    Việc bị đơn cho rằng thông thường thì mỗi hợp đồng chỉ ký hai phụ kiện về việc chuyển kỳ hạn chốt giá và chỉ được ký khi có sự chấp thuận của khách hàng nước ngoài, nên sau ngày 20-12-2005 không thể tiếp tục ký phụ kiện là không phù hợp chứng cứ vì hai bên đã cùng ký từ năm đến sáu phụ kiện cho mỗi hợp đồng. Mặt khác, toàn bộ số hàng mà bị đơn nhận đã được giao cho khách hàng nước ngoài theo bị đơn trình bày đợt giao cuối cùng là tháng 7-2005 và cũng không có tài liệu chứng cứ nào thể hiện tất cả các phụ kiện mà hai bên đã ký là có sự chấp thuận của khách hàng nước ngoài.

    Điều kiện của Công ty Thực phẩm Miền Bắc buộc Công ty TM và Du Lịch Tỉnh Đắc Nông phải có trách nhiệm đối với khoản nợ giữa Công ty Thực phẩm Miền Bắc và Công ty An Bình thì mới chấp nhận chốt giá là không thỏa đáng dẫn đến việc hai bên không thống nhất được giá, buộc Công ty TM và Du Lịch Tỉnh Đắc Nông phải khởi kiện.

    Mặc dù trong hợp đồng và phụ kiện các bên lấy giá thị trường London làm cơ sở chốt giá sau đó trừ đi các khoản phí nhưng do không thống nhất được phí này nên HĐXX cho rằng căn cứ giá mua bán tại thị trường Việt nam vào thời điểm xét xử (ngày 27-3-2007) với điều kiện giao hàng t���i kho để buộc trách nhiệm trả nợ đối với bị đơn là thỏa đáng.

    So sánh giá cà phê do nguyên đơn đề nghị với những thông tin do một số cơ quan trong lĩnh vực kinh doanh này cung cấp cho Tòa án, Hội đồng xét xử nhận thấy giá do Công ty cổ phần cà phê Petec cung cấp là có cơ sở để xem xét.

    Do đó, trị giá số lượng cà phê đã giao nhận cụ thể như sau:

    - Hợp đồng số 521-04/TL ngày 21/12/2004, số lượng đã nhận là 50.767 kg ; Hợp đồng số 06-05/TL ngày 06/1/2005, số lượng đã nhận là 114.931 kg ; Hợp đồng số 130-05/TL ngày 15/3/2005, số lượng đã nhận là 115.140 kg, tổng cộng là 280.838 kg, đơn giá 23.100 đồng /kg, thành tiền là 6.487.357.800 đồng.

    - Hợp đồng số 33-05/TL ngày 18/1/2005, số lượng đã nhận là 125,845 tấn, đơn giá 23.700.000 đ/tấn, thành tiền là 2.982.526.500 đồng.

    Tổng cộng : 6.487.357.800 đ + 2.982.526.500 đ = 9.469.884.300 đồng

    Ngày 20-9-2005 và ngày 30-9-2005 mà Công ty TM và Du Lịch Tỉnh Đắc Nông đã nộp tiền hạ mức Stoploss là 123.000.000 đồng nên số tiền tạm ứng chỉ còn là 3.983.247.076đ.

    Như vậy, số tiền hàng mà Công ty Thực phẩm Miền Bắc còn phải trả cho Công ty TM và Du Lịch Tỉnh Đắc Nông là:

    9.469.884.300đ - 3.983.247.076đ = 5.486.637.224 đ

    4- Về yêu cầu phản tố của bị đơn :

    - Về yêu cầu của Công ty Thực phẩm Miền Bắc buộc Công ty TM và Du Lịch Tỉnh Đắc Nông tiếp tục giao số lượng cà phê còn thiếu của hợp đồng số 521-04/TL ngày 21/12/2004 là 54.233 kg, trị giá 754.317.902 đồng. Hội đồng xét xử có nhận định như sau : Công ty Thực phẩm Miền Bắc không chứng minh được đã yêu cầu bên bán tiếp tục giao hàng đến kho theo chỉ định của mình (qui định tại Điều II của hợp đồng) nhưng bên bán không chịu giao, thậm chí từ đợt giao hàng cuối cùng là ngày 14-7-2005 (số lượng : 17.982 kg) cho đến khi ký các phụ kiện chuyển kỳ hạn chốt giá : Phụ kiện số 03 ngày 31-8-2005 ; Phụ kiện số 04 ngày 30-9-2005 ; Phụ kiện số 05 ngày 17-10-2005 ; Phụ kiện số 06 ngày 20-12-2005 các bên cũng không đề cập đến việc giao nốt số hàng còn thiếu. Vì vậy, có thể thấy rằng cho đến trước khi nguyên đơn có đơn khởi kiện thì cả hai bên đều không có ý định tiếp tục giao – nhận số hàng còn thiếu so với thỏa thuận trong hợp đồng. Do đó, yêu cầu này của nguyên đơn không có cơ sở dược chấp nhận.

    - Về yêu cầu của Công ty Thực phẩm Miền Bắc buộc Công ty TM và Du Lịch Tỉnh Đắc Nông phải chịu phạt vi phạm 8% phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm đối với HĐKT số 521-04/TL ngày 21/12/2004, số tiền là 60.345.432 đồng, Hội đồng xét xử cho rằng: Như đã nhận định ở trên, Công ty Thực phẩm Miền Bắc không chứng minh được việc mình đã yêu cầu tiếp tục giao hàng và có khiếu nại về việc chưa giao đủ hàng để xác định lỗi thuộc về bên giao hàng nên yêu cầu này của bị đơn cũng không có cơ sở được chấp nhận.

    - Về yêu cầu của Công ty Thực phẩm Miền Bắc buộc Công ty TM và Du Lịch Tỉnh Đắc Nông phải chịu lãi phát sinh từ kể ngày ứng tiền cho đến ngày giao hàng đối với hợp đồng số 06-05/TL ngày 06/1/2005 và số 130-05/TL ngày 12/1/2005 với tổng số tiền là 50.849.530 đồng, Hội đồng xét xử có nhận định như sau :

    Tại Điều III của các hợp đồng qui định : Bên bán phải trả lãi vay cho số tiền tạm ứng với lãi suất 0,95%/tháng kể từ ngày ứng tiền cho đến khi giao hàng xong nên yêu cầu của bị đơn đòi nguyên đơn phải trả lãi vay theo thỏa thuận là có cơ sở Tại phiên tòa nguyên đơn chấp nhận việc bị đơn xác định ngày ứng tiền theo Uûy nhiệm chi nên Hội đồng xét xử xác định số tiền lãi mà Công ty TM và Du Lịch Tỉnh Đắc Nông phải trả cho Công ty Thực phẩm Miền Bắc thời gian được tính căn cứ vào Ủy nhiệm chi và Phiếu nhập kho như sau :

    + Hợp đồng số 06-05/TL ngày 06-1-2005

    Ngày ứng tiền : 12-01-2005, số tiền : 964.115.251 đồng

    Ngày giao hàng xong : 03-2-2005

    Số tiền chịu lãi :

    964.115.251đ x 0,95%/30 ngày x 22 ngày = 6.716.670 đồng

    + Hợp đồng số 130-05/TL ngày 15-3-2005

    Ngày ứng tiền : 31-3-2005, số tiền : 1.244.347.545 đồng

    Ngày giao hàng xong : 21-7-2005

    Số tiền chịu lãi :

    1.244.347.545đ x 0,95%/30 ngày x 112 ngày = 44.132.860 đồng

    - Về yêu cầu của Công ty Thực phẩm Miền Bắc buộc Công ty TM và Du Lịch Tỉnh Đắc Nông phải chịu lãi phạt phát sinh từ kể ngày ứng tiền cho đến ngày giao hàng đối với hợp đồng số 06-05/TL ngày 06/1/2005 ; số 33-05/TL ngày 15-3-2005 với tổng số tiền là 194.068.123 đồng, Hội đồng xét xử có nhận định như sau :

    Theo các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và trình bày của các đương sự thì có đủ cơ sở để xác định Công ty TM và Du Lịch Tỉnh Đắc Nông đã vi phạm thời hạn giao hàng đã thỏa thuận. Tuy nhiên, nội dung các bên thỏa thuận tại điều IV của hợp đồng : Nếu giao hàng chậm hoặc chuyển tiền chậm so với thời gian qui định sẽ phạt 0,15%/ ngày là không phù hợp qui định pháp luật. Luật thương mại có hiệu lực từ ngày 1-1-1998 thì chỉ có Điều 233 qui định quyền được đòi tiền lãi do chậm thanh toán theo mức lãi suất nợ quá hạn. Mức lãi suất 0,95%/tháng mà hai bên thỏa thuận HĐXX nhận thấy là phù hợp nên chỉ chấp nhận một phần yêu cầu này của bị đơn buộc nguyên đơn phải chịu thêm mức lãi phạt, cụ thể như sau :

    + Hợp đồng số 06-05/TL ngày 06-1-2005, Thời hạn thỏa thuận giao hàng trong hợp đồng chậm nhất đến 1-2-2005, ngày giao hàng xong là ngày 3-2-2005, như vậy thời gian giao hàng chậm 2 ngày chứ không phải 9 ngày như Công ty thực phẩm Miền Bắc xác định (từ 24-1-2005 đến 3-2-2005), số tiền phạt được xác định :

    964.115.251đ x 0,475%/30 ngày x 2 ngày = 305.303 đồng

    + Hợp đồng số 130-05/TL ngày 15-3-2005, thời hạn giao hàng chậm theo như Công ty thực phẩm Miền Bắc tính từ ngày 15-4-2005( thời hạn giao hàng thỏa thuận trong hợp đồng) đến ngày 21-7-2005 là chính xác, số tiền phạt được xác định :

    1.244.347.545đ x 0,475%/30 ngày x 97 ngày = 19.111.104 đồng

    - Về yêu cầu đòi lãi phát sinh và lãi phạt do giao hàng chậm của Hợp đồng số 521-04/TL ngày 21/12/2004, số tiền là 1.233.831.082 đ��ng. Hội đồng xét xử có nhận định như sau :

    Theo thỏa thuận trong hợp đồng thì thời hạn ứng tiền là ngày 5-1-2005 nhưng mãi đến ngày 19-1-2005 mới làm thủ tục chuyển tiền. Việc bị đơn viện dẫn do hợp đồng được ký thông qua Fax nên có sự chậm trễ, dẫn đến việc chuyển hồ sơ vay tiền đến ngân hàng chậm, kéo theo việc chuyển tiền ứng chậm là không thỏa đáng vì theo các bên đều trình bày thì tất cả các hợp đồng đều được ký thông qua Fax nhưng các hợp đồng 06, 130 ngày làm thủ tục chuyển đều phù hợp với ngày ký hợp đồng. Từ việc ứng tiền chậm dẫn đến việc giao hàng chậm mà không có chứng cứ chứng minh đã có khiếu nại của bên nào về hành vi vi phạm của bên kia và như đã phân tích ở phần đòi phạt vi phạm là trong các phụ kiện các bên đã không đề cập đến việc tiếp tục giao hàng mà chỉ thống nhất việc chuyển kỳ hạn chốt giá. Do đó, Hội đồng xét xử cho rằng quyền và trách nhiệm của các bên chỉ dừng lại ở khối lượng hàng đã giao và số tiền đã nhận nên Công ty TM và Du Lịch Tỉnh Đắc Nông chỉ có nghĩa vụ chịu lãi phát sinh theo thỏa thuận tại Điều III của hợp đồng, thời gian tính từ ngày ứng tiền (31-3-2005) đến ngày giao hàng xong (14-7-2005), cụ thể :

    873.457.200đ x 0,95%/30 ngày x 175 ngày = 48.404.086 đồng

    Như vậy, Công ty TM và Du Lịch Tỉnh Đắc Nông phải thanh toán cho Công ty TP miền Bắc số tiền là tổng số tiền là :

    6.716.670 đồng + 44.132.860 đồng + 305.303 đồng + 19.111.104 đồng + 48.404.086 đồng = 118.130.023 đồng

    - Sau khi thực hiện xong việc thanh toán thì các bên cùng phải có nghĩa vụ làm thủ tục xuất hóa đơn tài chính theo qui định.

    Về án phí

    Căn cứ Nghị định 70/CP ngày 12/6/1997 của Chính phủ qui định về án phí, lệ phí tòa án.

    Công ty Thực phẩm Miền Bắc phải chịu án phí trên số tiền phải thanh toán cho Công ty TM và Du Lịch Tỉnh Đắc Nông và trên phần yêu cầu không được chấp nhận, cụ thể :

    (5.486.637.224đ + 754.317.902đ + 60.345.432đ + 19.732.225đ + 225.185.428đ + 1.233.831.082 đồng) - 118.130.023 đ = 7.661.919.270 đồng.

    Công ty TM và Du Lịch Tỉnh Đắc Nông phải chịu án phí trên số tiền phải thanh toán cho Công ty Thực phẩm Miền Bắc và trên phần yêu cầu không được chấp nhận, cụ thể:

    (5.491.750.388đ - 5.486.637.224 đ) + 118.130.023 đ = 123.243.187 đồng

    Từ các lẽ trên;

    QUYẾT ĐỊNH:

    Căn cứ Bộ luật tố tụng dân sự;

    Căn cứ Luật thương mại;

    Căn cứ khoản 1 phần III Thông tư liên tịch số 01-TT/LT ngày 19 tháng 6 năm 1997 của Tòa án nhân dân tối cao -Viện Kiểm sát nhân dân tối cao - Bộ Tư pháp - Bộ Tài chính hướng dẫn việc xét xử và thi hành án về tài sản,

    1. Chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn

    - Công ty Thực phẩm Miền Bắc có trách nhiệm phải thanh toán cho Công ty TM và Du Lịch Tỉnh Đắc Nông số tiền là 5.486.637.224 đồng.

    2. Chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của bị đơn

    Công ty TM và Du Lịch Tỉnh Đắc Nông có trách nhiệm phải thanh toán cho Công ty Thực phẩm Miền Bắc số tiền là 118.130.023 đồng

    3. Về án phí:

    Công ty Tp Miền Bắc phải chịu án phí là 34.660.000 đồng cấn trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 14.603.000 đồng theo Biên lai thu tiền số 003356 ngày 06-11-2006 của Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty Thực phẩm Miền Bắc còn phải nộp thêm 20.057.000 đồng.

    Công ty TM và Du Lịch Tỉnh Đắc Nông phải chịu án phí là 5.928.000 đồng cấn trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 15.450.000 đồng theo Biên lai thu tiền số 002926 ngày 30-8-2006 của Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty TM và Du Lịch Tỉnh Đắc Nông còn được nhận lại 9.522.000 đồng.

    Việc thi hành án được thực hiện tại Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh

    Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khỏan tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất nợ quá hạn do Ngân hàng Nhà nước qui định tương ứng với thời gian chưa thi hành án.

    Các đương sự có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án./.

     

    Cập nhật bởi phamthanhhuu ngày 23/05/2013 10:06:46 SA
     
    5778 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận