Căn cứ vào Khoản 2 Điều 152 Bộ luật lao động năm 2012 quy định:
“Điều 152. Chăm sóc sức khỏe cho người lao động
2. Hằng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, kể cả người học nghề, tập nghề;...”
Như vậy, định kì khám sức khỏe cho nhân viên là một trong những nghĩa vụ bắt buộc của người sử dụng lao động, trong đó có bao gồm cả người học nghề, tập nghề.
Tuy nhiên, Bộ luật lao động 2012 sẽ hết hiệu lực vào ngày 31/12/2020, từ ngày 01/01/2021 Bộ luật lao động 2019 có hiệu lực không còn điều chỉnh quy định Chăm sóc sức khỏe cho người lao động nữa. Điều này không đồng nghĩa với việc người sử dụng lao động không cần phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ.
Tại Luật an toàn vệ sinh lao động 2015 (văn bản đang có hiệu lực) đã có quy định điều chỉnh về vấn đề này. Cụ thể tại Khoản 2 Điều 70 Luật an toàn vệ sinh lao động 2015 quy định người sử dụng lao động chịu trách nhiệm thực hiện các quy định về an toàn, vệ sinh lao động đối với người học nghề, tập nghề, thử việc như đối với người lao động tại Luật này, kể cả trường hợp bị tai nạn lao động.
Đối chiếu với quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 7 Luật an toàn vệ sinh lao động 2015 thì nghĩa vụ an toàn, vệ sinh lao đông của người sử dụng lao động bao gồm cả nghĩa vụ tổ chức huấn luyện, hướng dẫn các quy định, nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; trang bị đầy đủ phương tiện, công cụ lao động bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; thực hiện việc chăm sóc sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp.
Theo đó, người sử dụng lao động có nghĩa vụ chăm sóc sức khỏe cho người học nghề như đối với người lao động.