Theo QCVN 04-05:2022/BNNPTNT: Công trình thủy lợi chủ yếu, thứ yếu là gì? Tổng hợp chi tiết Danh mục các công trình thủy lợi chủ yếu và thứ yếu?
Công trình thủy lợi chủ yếu, thứ yếu là gì?
Căn cứ tại tiết 1.3.9, 1.3.10 tiểu mục 1.3 Mục 1 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Công trình thủy lợi, Phòng chống thiên tai - Phần I. Công trình thủy lợi - Các quy định chủ yếu về thiết kế QCVN 04-05:2022/BNNPTNT ban hành kèm theo Thông tư 29/2022/TT-BNNPTNT thì:
Công trình thủy lợi chủ yếu là công trình mà bị hư hỏng hoặc phá hủy sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động bình thường của công trình đầu mối và hệ thống công trình sau đầu mối, làm cho chúng không đảm nhận được nhiệm vụ thiết kế đề ra.
Công trình thủy lợi thứ yếu là công trình mà bị hư hỏng hoặc phá hủy ít làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của công trình đầu mối và hệ thống, có thể phục hồi được trong thời gian ngắn.
Lưu ý: Phạm vi điều chỉnh của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Công trình thủy lợi, Phòng chống thiên tai - Phần I. Công trình thủy lợi - Các quy định chủ yếu về thiết kế QCVN 04-05:2022/BNNPTNT ban hành kèm theo Thông tư 29/2022/TT-BNNPTNT:
- Quy chuẩn này quy định các yêu cầu phải thực hiện khi lập, thẩm tra, thẩm định, xét duyệt các dự án liên quan đến hoạt động xây dựng công trình thủy lợi trong các giai đoạn đầu tư gồm: quy hoạch xây dựng, dự án đầu tư xây dựng công trình, khảo sát, thiết kế xây dựng công trình. Phạm vi điều chỉnh bao gồm xây dựng mới, sửa chữa nâng cấp hoặc mở rộng công trình, không phân biệt nguồn vốn đầu tư.
- Thiết kế công trình đê điều, công trình giao thông thủy (trừ công trình âu thuyền trong đầu mối công trình thủy lợi), công trình biển, hệ thống cấp, thoát nước đô thị không thuộc phạm vi áp dụng của quy chuẩn này.
- Khi thiết kế xây dựng công trình thủy lợi ngoài yêu cầu tuân thủ quy chuẩn này còn phải tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia khác, các quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành cũng như các Luật, Điều ước quốc tế và các thỏa thuận mà nhà nước Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết có liên quan đến đối tượng công trình đang xem xét.
Danh mục các công trình thủy lợi chủ yếu và thứ yếu?
Danh mục các công trình thủy lợi chủ yếu và thứ yếu được quy định tại Phụ lục A Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Công trình thủy lợi, Phòng chống thiên tai - Phần I. Công trình thủy lợi - Các quy định chủ yếu về thiết kế QCVN 04-05:2022/BNNPTNT ban hành kèm theo Thông tư 29/2022/TT-BNNPTNT, cụ thể như sau:
Phụ lục A
Danh mục các công trình chủ yếu và thứ yếu
A.1 Công trình chủ yếu
Các công trình thủy lợi sau đây được xếp vào loại công trình chủ yếu:
(1) Đập các loại;
(2) Tường biên, tường chắn, công trình cho cá đi trong tuyến chịu áp;
(3) Công trình nhận nước, lấy nước, thoát nước và xả nước, cống ngăn mặn;
(4) Kênh dẫn các loại và công trình trên kênh;
(5) Trạm bơm, ống dẫn nước, đường hầm thủy công;
(6) Bể áp lực và tháp điều áp;
(7) Công trình gia cố bờ và chỉnh trị sông;
(8) Công trình thông tàu (âu thuyền, nâng tầu, đập điều tiết);
A.2 Công trình thứ yếu
Các công trình thủy lợi sau đây được xếp vào loại thứ yếu:
(1) Tường phân cách;
(2) Tường biên và tường chắn không nằm trong tuyến chịu áp;
(3) Công trình xả dự phòng;
(4) Công trình gia cố bờ nằm ngoài cụm công trình đầu mối;
(5) Các công trình bảo vệ cá;
(6) Các đường máng cho bè mảng lâm nghiệp và gỗ cây xuôi về hạ lưu;
(7) Nhà quản lý công trình;
(8) Các mái dốc tự nhiên và nhân tạo phía hạ lưu của tuyến chịu áp.
CHÚ THÍCH:
Tùy thuộc vào mức độ tổn thất có thể gây ra khi bị hư hỏng hoặc khả năng xây dựng lại gặp nhiều khó khăn, một số công trình thứ yếu trong từng trường hợp cụ thể khi có luận chứng thích đáng có thể chuyển thành công trình chủ yếu.
Tóm lại:
Công trình thủy lợi chủ yếu là công trình mà bị hư hỏng hoặc phá hủy sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động bình thường của công trình đầu mối và hệ thống công trình sau đầu mối, làm cho chúng không đảm nhận được nhiệm vụ thiết kế đề ra.
Công trình thủy lợi thứ yếu là công trình mà bị hư hỏng hoặc phá hủy ít làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của công trình đầu mối và hệ thống, có thể phục hồi được trong thời gian ngắn.