Ý nghĩa của câu tục ngữ "Cõng rắn cắn gà nhà" là gì? Việc tiết lộ thông tin kinh doanh bí mật cho đối thủ có thể dẫn đến những hậu quả tiêu cực cho doanh nghiệp, hành vi này có được xem là "Cõng rắn cắn gà" hay không?
1. “Cõng rắn cắn gà nhà” là gì?
Câu nói "cõng rắn cắn gà nhà" mang trong mình nhiều tầng ý nghĩa sâu sắc, phản ánh những bài học quý giá về sự cảnh giác và lòng trung thành. Trong văn hóa dân gian, rắn thường được xem là biểu tượng của sự nguy hiểm, xảo quyệt và khó lường. Khi "cõng rắn", tức là mang theo mối nguy hiểm tiềm tàng. “Gà nhà” tượng trưng cho những gì thân thuộc, gần gũi và quý giá đối với mỗi người, như gia đình, bạn bè, hoặc tài sản.
Như vậy, “cõng rắn cắn gà nhà” có nghĩa là cúi đầu trước kẻ thâm hiểm, đưa rước, lôi kéo chúng về hãm hại người nhà. Đây được xem là hành động của kẻ phản phúc, nham hiểm và chỉ biết đến lợi ích cá nhân và đáng được lên án.
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta gặp nhiều người với tính cách khác nhau. Một hành động nhỏ không thể hiện hết phẩm chất thật sự của một người. Nếu gặp phải người có dã tâm, cần xem xét trước khi trao niềm tin để bảo vệ bản thân và người thân xung quanh.
Còn đối với những người đã biết đối tượng đó không tốt nhưng vẫn cố tình “cõng” họ vào nhà để thu lợi về cho bản thân thì đáng bị người đời chê trách. Bởi người nhà vốn là những người mà chúng ta cần chăm sóc, bảo vệ, quan tâm và đặc biệt là không bao giờ đề phòng lẫn nhau. Ra tay với người thân thiết là một hành động phản bội, nham hiểm và không thể chấp nhận được. So với việc vô tình “cõng rắn” về nhà thì trường hợp chủ động làm việc ác này sát với ý nghĩa của câu nói “cõng rắn cắn gà nhà” hơn rất nhiều.
2. Hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh cho đối thủ có được xem là "Cõng rắn cắn gà nhà" hay không?
Trong môi trường công việc, hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh cho đối thủ có thể được ví như "cõng rắn cắn gà nhà".
Theo quy định tại khoản 2 Điều 21 Bộ luật Lao động 2019, người lao động làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh thì người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận bằng văn bản với người lao động về nội dung về bảo vệ bí mật kinh doanh cũng như thỏa thuận về việc bồi thường trong trường hợp vi phạm.
Đồng thời, căn cứ khoản 23 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009 và khoản 1 Điều 45 Luật Cạnh tranh 2018, bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh. Hành vi xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh và được xem là các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm, cụ thể bao gồm các hành vi sau:
- Tiếp cận, thu thập thông tin bí mật trong kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người sở hữu thông tin đó;
- Tiết lộ, sử dụng thông tin bí mật trong kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó.
Khi một nhân viên tiết lộ thông tin quan trọng của công ty cho đối thủ, họ không chỉ phản bội lòng tin của công ty mà còn gây tổn hại nghiêm trọng đến lợi ích và sự phát triển của chính công ty đó. Hành động này không chỉ làm suy yếu vị thế cạnh tranh của công ty mà còn có thể dẫn đến những hậu quả pháp lý nghiêm trọng cho người tiết lộ.
Đối với cá nhân, tổ chức có hành vi tiếp cận, thu thập thông tin bí mật trong kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người sở hữu thông tin đó thì sẽ bị xử phạt theo quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh.
3. Người lao động có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh bị xử lý như thế nào?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 125 Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động có thể tiến hành sa thải người lao động có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh.
Vì vậy, việc bảo vệ bí mật kinh doanh và duy trì lòng trung thành với công ty là vô cùng quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững và thành công lâu dài.
Bên cạnh đó, căn cứ điểm b khoản 3 Điều 4 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH, đối với trường hợp phát hiện người lao động có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh sau khi nghỉ việc sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật dân sự và pháp luật khác có liên quan.
Theo Điều 360 Bộ luật Dân sự 2015, trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ được quy định tại Điều 361 Bộ luật Dân sự 2015 bao gồm:
- Thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần.
- Thiệt hại về vật chất là tổn thất vật chất thực tế xác định được, bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.
- Thiệt hại về tinh thần là tổn thất về tinh thần do bị xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín và các lợi ích nhân thân khác của một chủ thể.
Pháp luật lao động hiện hành không quy định về nghĩa vụ chứng minh thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ đối với người sử dụng lao động. Do đó, việc xác định mức bồi thường là bao nhiêu là phù hợp do các bên thỏa thuận.
Tóm lại, “cõng rắn cắn gà nhà” phê phán một cách thẳng thắn những kẻ phản phúc chỉ vì lợi ích riêng mà cam tâm luồn cúi, cấu kết với người ngoài, với kẻ xấu để làm hại người thân, ruột thịt.
Việc tiết lộ thông tin kinh doanh bí mật cho đối thủ có thể được xem là hành vi "cõng rắn cắn gà". Trong bối cảnh kinh doanh, việc này có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như mất lợi thế cạnh tranh, thiệt hại tài chính, và ảnh hưởng xấu đến uy tín của doanh nghiệp.
Trường hợp doanh nghiệp có thỏa thuận với người lao động về việc không được tiết lộ bí mật kinh doanh mà người lao động vi phạm thì sẽ bị doanh nghiệp xử lý kỷ luật, đồng thời bị xử phạt theo quy định của pháp luật.