Thông tư 39/2024/TT-NHNN được Ngân hàng nhà nước ban hành có hiệu lực ngày 01/7/2024 quy định về kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng. Trong đó có đề cập đến các hình thức công bố thông tin kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng, hãy cùng làm rõ hơn theo bài viết dưới đây.
Công bố thông tin kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng qua hình thức nào?
Căn cứ khoản 2 Điều 7 Thông tư 39/2024/TT-NHNN quy định Ngân hàng Nhà nước công bố thông tin kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng thông qua một hoặc một số hình thức sau đây:
- Đăng tải trên trang thông tin điện tử của Ngân hàng Nhà nước;
- Đăng tải trên trang thông tin điện tử của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt (nếu có);
- Đăng trên báo Trung ương hoặc địa phương nơi tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt đặt trụ sở chính ít nhất 03 số liên tiếp;
- Họp báo;
- Công bố tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng thành viên hoặc Đại hội thành viên của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.
Như vậy việc công bố thông tin kiểm soát đặc biệt của tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước thực hiện công bố qua một trong các hình thức nêu trên.
Bên cạnh đó thẩm quyền quyết định về nội dung hình thức công bố thông tin kiểm soát đặc biệt được quy định tại khoản 3 Điều 7 Thông tư 39/2024/TT-NHNN như sau:
- Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định cụ thể phạm vi, nội dung, hình thức công bố thông tin kiểm soát đặc biệt và thời điểm công bố thông tin kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt (trừ quỹ tín dụng nhân dân).
- Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh quyết định cụ thể phạm vi, nội dung, hình thức công bố thông tin kiểm soát đặc biệt và thời điểm công bố thông tin kiểm soát đặc biệt đối với quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt.
Quyết định kiểm soát đặc biệt có những nội dung gì?
Căn cứ Điều 5 Thông tư 39/2024/TT-NHNN quy định quyết định kiểm soát đặc biệt bao gồm các nội dung sau đây:
- Tên tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.
- Lý do đặt tổ chức tín dụng vào kiểm soát đặc biệt.
- Thời hạn kiểm soát đặc biệt.
- Hình thức kiểm soát đặc biệt, nội dung, phạm vi, biện pháp, công việc kiểm soát hoạt động đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.
- Họ, tên, chức danh từng thành viên Ban kiểm soát đặc biệt, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban kiểm soát đặc biệt, Trưởng Ban kiểm soát đặc biệt và các thành viên khác của Ban kiểm soát đặc biệt.
- Việc sử dụng con dấu của Ngân hàng Nhà nước, bao gồm cả con dấu của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh.
- Việc chuyển khoản cho vay tái cấp vốn thành khoản cho vay đặc biệt; việc chuyển khoản vay của quỹ tín dụng nhân dân tại ngân hàng hợp tác xã thành khoản vay đặc biệt.
- Nội dung khác.
Tổ chức tín dụng bị áp dụng kiểm soát đặc biệt khi nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 162 Luật Các tổ chức tín dụng vào kiểm soát đặc biệt quy định Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định đặt tổ chức tín dụng vào kiểm soát đặc biệt khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Tổ chức tín dụng được can thiệp sớm không có phương án khắc phục gửi Ngân hàng Nhà nước hoặc không điều chỉnh phương án khắc phục theo yêu cầu bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước;
- Trong thời hạn thực hiện phương án khắc phục, tổ chức tín dụng được can thiệp sớm không có khả năng thực hiện phương án khắc phục;
- Hết thời hạn thực hiện phương án khắc phục mà tổ chức tín dụng không khắc phục được tình trạng dẫn đến thực hiện can thiệp sớm;
- Bị rút tiền hàng loạt và có nguy cơ gây mất an toàn hệ thống tổ chức tín dụng;
- Tỷ lệ an toàn vốn của tổ chức tín dụng thấp hơn 04% trong thời gian 06 tháng liên tục;
- Tổ chức tín dụng bị giải thể không có khả năng thanh toán đầy đủ các khoản nợ trong quá trình thanh lý tài sản.
Theo đó nếu tổ chức tín dụng thuộc một trong các trường hợp trên sẽ thuộc diện bị áp dụng kiểm soát đặc biệt.
Xem thêm thông tin chi tiết tại Thông tư 39/2024/TT-NHNN quy định về kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.