Quăng lưới bắt người: Khác nào "chọc gậy bánh xe"
Trong khi lực lượng CSGT TP Thanh Hóa coi giải pháp quăng lưới để bắt giữ người vi phạm giao thông là an toàn và hiệu quả, thì nhiều ý kiến cho rằng đây là việc làm nguy hiểm, chẳng khác nào “chọc gậy bánh xe”.
Những ngày này dư luận đang xôn xao về “sáng kiến độc đáo” quăng lưới đánh cá để vây bắt các đối tượng vi phạm giao thông tại Thanh Hóa.
Khi xuất hiện các đối tượng điều khiển phương tiện vi phạm trật tự an toàn giao thông, lạng lách, đánh võng, cảnh sát giao thông, dân phòng sẽ quăng lưới đánh cá vào bánh sau xe để khống chế đối tượng.
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Infonet, Đại tá Phạm Văn Hưng, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Cảnh sát cơ động, Công an Hà Nội thừa nhận Hà Nội luôn là một điểm nóng về vi phạm trật tự giao thông. Đặc biệt tình trạng tụ tập đua xe, đánh võng thường xuyên diễn ra.
Tuy nhiên Đại tá Phạm Văn Hưng cho biết, Hà Nội không có chủ trương áp dụng giải pháp quăng lưới đánh cá để vây bắt các đối tượng vi phạm giao thông.
Bởi theo Đại tá Phạm Văn Hưng, chỉ bằng những phương pháp nghiệp vụ thông thường hiện nay, lực lượng CSCĐ hoàn toàn có thể vây bắt được các đối tượng vi phạm giao thông, cũng như nạn đua xe trái phép.
Theo LS. Phạm Văn Phất, Trưởng văn phòng Luật sư An Phát Phạm thì việc quăng lưới bắt người và xe vi phạm luật giao thông là một việc làm vi phạm pháp luật. Mặt khác hành động này chẳng khác nào “chọc gậy bánh xe”, gây nguy hiểm cho người điều khiển phương tiện.
Trong quá trình làm nhiệm vụ, CSGT được trang bị đầy đủ các phương tiện, thiết bị nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ… Tuy nhiên lực lượng làm nhiệm vụ phải thực hiện theo đúng quy định tại thông tư 27/2009/TT/BCA (C11) đã ban hành.
Qua đó, khi yêu cầu dừng phương tiện, lực lượng làm nhiệm vụ phải đảm bảo an toàn, không làm cản trở hoạt động giao thông.
Bằng cảm quan có thể nhận thấy, việc dừng xe bằng lưới được coi là hành động nguy hiểm, gây mất an toàn cho người điều khiển phương tiện. Vì thế biện pháp này không tuân thủ quy định của pháp luật về tuần tra kiểm soát của CSGT đường bộ.
Trên thực tế, các phương tiện giao thông đường bộ được coi là nguồn nguy hiểm cao độ, không chỉ với người xung quanh mà còn cho cả người lái.
Nếu cưỡng chế việc dừng xe bằng lưới đánh cá sẽ không thể lường trước được hậu quả. Với trường hợp đi chậm có thể không sao, nhưng trong trường hợp phóng nhanh, vượt ẩu sẽ rất nguy hiểm, thậm chí còn đe dọa đến cả tính mạng cho người điều khiển phương tiện.
Mặt khác theo quy định, trong trường hợp khẩn cấp, lực lượng chức năng chỉ có thể huy động thêm lực lượng CSCĐ, Công an phường, xã… nhưng không được phép huy động lực lượng dân phòng.
Vì thế, theo LS Phạm Văn Phất, việc CSGT TP Thanh Hóa huy động lực lượng dân phòng tham gia quăng lưới cũng vi phạm quy định của pháp luật.
Trong trường hợp quăng lưới gây thiệt hại về kinh tế, hoặc xảy ra tai nạn thì người điều khiển phương tiện có quyền đòi bồi thường, thậm chí có thể yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thực tế, trong một tháng triển khai quăng lưới tại Thanh Hóa, mặc dù chưa xảy ra tai nạn đáng tiếc nào, nhưng đã xuất hiện một số trường hợp bị té ngã, xây xát.
“Người ta chỉ dùng lưới để bắt cá chứ không bao giờ để bắt người. Hành động này không những vi phạm pháp luật, mà còn gây phản cảm, mất mỹ quan cũng như tư thế, tác phong của người làm nhiệm vụ. Vì thế, việc làm này cần chấm dứt ngay chứ không thể coi là sáng kiến, càng không thể nhân rộng ra được” – LS Phạm Văn Phất nhận định.
Nguyễn Dũng
Nguồn: Infonet http://infonet.vn/Detail.aspx?ArticleID=3401
Cập nhật bởi anppham ngày 26/11/2011 10:23:02 SA
Xóa chú thích của hình ảnh