Con riêng của chồng có được hưởng thừa kế là tài sản của vợ đứng tên hai vợ chồng không?

Chủ đề   RSS   
  • #559934 04/10/2020

    Hoanghuy186

    Sơ sinh

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:04/10/2020
    Tổng số bài viết (1)
    Số điểm: 5
    Cảm ơn: 0
    Được cảm ơn 1 lần


    Con riêng của chồng có được hưởng thừa kế là tài sản của vợ đứng tên hai vợ chồng không?

    Chào Luật sư và các anh chị!

    Tôi có dì ruột kết hôn với dượng tôi (có giấy chứng nhận hôn nhân), trước đó dượng tôi đã có một đời vợ và ba người con. Tài sản đứng tên chung dì dượng tôi là một miếng đất ( miếng đất này trước đây là ông ngoại tôi cho dì tôi lúc dì lấy dượng). Năm 2017, mẹ ruột tôi và dì tôi góp tiền lại xây lên ngôi nhà hiện tại dì dượng đang ở. Bây giờ dượng tôi già yếu, chỉ có mẹ tôi và di tôi một tay chăm sóc, các con của ông chỉ qua thăm rồi về (từ trước đến nay cũng không nuôi dưỡng ông ấy), thưa luật sư:

    1. Nếu dượng tôi mất, không có di chúc, dì tôi có được trọn quyền sở hữu hay phải chia thừa kế theo pháp luật?

    2. Nếu có di chúc mà người trong di chúc chỉ có ba người con riêng của dượng tôi, thì quyền lợi dì tôi sẽ được như thế nào?

    3. Ông có lương hưu, ông dành hết vào việc chơi vé số kiến thiết. Tất cả các thứ trong nhà (ga, gạo, điện, nước...) mẹ tôi đương hết. Mẹ tôi có công chăm sóc, nuôi dưỡng ông ấy, mẹ tôi có được tính công sức vào đó không?

    4. Trường hợp chỉ một mình dượng tôi đứng tên giấy CNQSDĐ, dì tôi muốn chứng minh tài sản của ông ngoại cho hai vợ chồng chứ không phải tài sản của riêng dượng tôi (tránh con riêng của dượng tôi tranh quyền thừa kế), thì phải làm như thế nào?

    Xin luật sư và các anh chị giải đáp giúp tôi để hiểu rõ hơn. 

    Xin chân thành cảm ơn luật sư và các anh chị.

    Cập nhật bởi Hoanghuy186 ngày 04/10/2020 10:56:58 PM
     
    1729 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn Hoanghuy186 vì bài viết hữu ích
    ThanhLongLS (05/10/2020)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận
  • #579452   18/01/2022

    linhtrang123456
    linhtrang123456
    Top 50
    Lớp 10

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:02/12/2017
    Tổng số bài viết (2033)
    Số điểm: 14971
    Cảm ơn: 11
    Được cảm ơn 323 lần


    Con riêng của chồng có được hưởng thừa kế là tài sản của vợ đứng tên hai vợ chồng không?

    Trường hợp chết không có di chúc thì sẽ chia thừa kế theo pháp luật. Sẽ chia cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất (trong đó có các con của dượng chị). Lưu ý là chia phần di sản của dượng chị thôi nhé.
    Còn trường hợp di chúc không có phần của dì chị thì dì chị sẽ được hưởng phần thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc theo Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015:
     
    "Điều 644. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc
     
    1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:
     
    a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
     
    b) Con thành niên mà không có khả năng lao động."
     
    Báo quản trị |  
  • #581459   18/03/2022

    thaophuongg24
    thaophuongg24

    Sơ sinh

    Vietnam --> Hà Nội
    Tham gia:14/03/2022
    Tổng số bài viết (73)
    Số điểm: 365
    Cảm ơn: 0
    Được cảm ơn 18 lần


    Con riêng của chồng có được hưởng thừa kế là tài sản của vợ đứng tên hai vợ chồng không?

    Trả lời:

    Chào anh/chị, về trường hợp của anh/chị, tôi xin chia sẻ quan điểm như sau:

    Do dì anh/chị và dượng anh/chị đã kết hôn (có giấy chứng nhận đăng ký kết hôn) và có tài sản đứng tên chung dì dượng anh/chị là một miếng đất nên đây là tài sản chung của dì dượng anh/chị trong thời kỳ hôn nhân. Vì vậy, ½ mảnh đất thuộc quyền sở hữu của dì anh/chị và di sản thừa kế của dượng anh/chị được xác định là ½ mảnh đất đó .

    1. Nếu dượng của anh/chị mất mà không có có di chúc thì di sản của dượng anh/chị sẽ được chia thừa kế theo pháp luật.

    Theo đó, dì của anh/chị có thể được trọn quyền sở hữu di sản thừa kế của dượng anh/chị trong các trường hợp sau:

    Thứ nhất, ba người con riêng của dượng anh/chị từ chối nhận di sản thừa kế. Bởi theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015 về người thừa kế theo pháp luật thì hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Trong trường hợp này, dượng anh/chị có 04 người thuộc hàng thừa kế thứ nhất là dì của anh/chị và 03 người con riêng của dượng và mỗi người sẽ được nhận một suất thừa kế bằng nhau. Trong trường hợp, 03 người con riêng của dượng anh/chị đều từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì dì của anh/chị sẽ được nhận toàn bộ di sản thừa kế.

    Điều 620. Từ chối nhận di sản

    1. Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.

    2. Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết.

    3. Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản.”

    Thứ hai, khi cả 03 người con riêng của dượng chị đều thuộc vào trường hợp không được quyền hưởng di sản theo quy định tại Điều 621 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì dì của anh/chị cũng sẽ được hưởng trọn di sản thừa kế của dượng anh/chị.

    Điều 621. Người không được quyền hưởng di sản

    1. Những người sau đây không được quyền hưởng di sản:

    a) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;

    b) Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;

    c) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;

    d) Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.”

    Như vậy, dì của anh/chị có thể được hưởng trọn di sản thừa kế của dượng anh/chị trong trường hợp dượng anh/chị không để lại di chúc khi cả 03 người con riêng của dượng anh/chị đều từ chối nhận di sản hoặc thuộc các trường hợp không được quyền hưởng di sản theo quy định của pháp luật. Nếu không thuộc các trường hợp này thì dì của anh/chị vẫn được hưởng một suất thừa kế của dượng anh/chị.

    2. Nếu có di chúc mà người trong di chúc chỉ có ba người con riêng của dượng anh/chị, thì dì của anh/chị vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015.

    Điều 644. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc

    1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

    a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

    b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.

    3. Hiện nay pháp luật Việt Nam hiện hành chưa có quy định về việc chia thừa kế cho người có công chăm sóc, nuôi dưỡng người để lại thừa kế. Do đó, mẹ của anh/chị không có quyền thừa kế di sản thừa kế của dượng anh/chị.

    4. Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung. Như anh/chị cho biết, mảnh đất này là do dì dượng anh/chị được ông ngoại anh/chị tặng cho khi kết hôn, vì vậy đây là tài sản chung của dì dượng anh/chị nếu dì/dượng anh/chị không có thỏa thuận tặng cho riêng. Bên cạnh đó, nếu không có căn cứ để chứng minh đó là tài sản riêng thì mảnh đất đó vẫn là tài sản chung của dì dượng anh/chị mặc dù trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ đứng tên dượng của anh/chị.

     

     
    Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn thaophuongg24 vì bài viết hữu ích
    admin (29/03/2022)